Ngày 23/11/2023, nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Seminar với chuyên đề “Xu hướng ứng dụng ICT trong trang trại chăn nuôi bò” do TS. Hà Xuân Bộ trình bày và “Kiểm soát nội bộ chất lượng tinh lợn" do TS Tatiana công ty công nghệ IMV (Pháp) trình bày. Tham dự buổi seminar có các Thầy, Cô trong nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa cũng như các bạn sinh viên quan tâm tham dự.
Bài trình bày về xu hướng ứng dụng ICT trong trang trại chăn nuôi bò của TS. Hà Xuân Bộ đã tập trung vào các nội dung chính như: nhu cầu ứng dụng ICT trong chăn nuôi, xu hướng ứng dụng ICT trong các trang trại chăn nuôi thông minh và xu hướng ứng dụng ICT trong những trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Việc ứng dụng ICT trong chăn nuôi nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bao gồm: Thứ nhất, tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi thông qua việc giám sát vật nuôi chặt chẽ và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Tối ưu hóa về khẩu phần, chế độ cho ăn, quản lý dịch bệnh và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Nắm rõ nhu cầu của thị trường để đáp ứng và cân đối/lên kế hoạch sản xuất, chế biến do đó tăng hiệu quả, sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Thứ hai, chẩn đoán và phòng bệnh ở giai đoạn sớm thông qua việc phát hiện bệnh sớm và dự đoán sự lây lan của bệnh trong đàn gia súc. Ngăn ngừa bùng phát bệnh và giảm sử dụng kháng sinh, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe và phúc lợi động vật. Thứ ba, phát triển bền vững ngành chăn nuôi thông qua việc đấy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp phát triển ngành chăn nuôi một cách toàn diện và bền vững. Thích ứng với biến đổi khí hậu, và gắn với phát triển chuỗi giá trị, tăng giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn sinh học, dịch bệnh và môi trường. Thứ tư, minh bạch thị trường thông qua việc tạo ra sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đảm bảo tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi.
Xu hướng ứng dụng công nghệ ICT trong chăn nuôi tại các nước phát triển cũng như tại Việt Nam đều tập trung vào 8 loại công nghệ bao gồm: Tự động hóa & Robot hoá, Internet vạn vật, Ứng dụng & nền tảng công nghệ số, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây, Cảm biến & Hình ảnh và Blockchain.
Xu hướng ứng dụng ICT trong các trang trại chăn nuôi bò tập trung vào các thiết bị như Thiết bị quản lí nước uống tự động; Robot vắt sữa; Thiết bị bảo quản sữa; Robot cho bê uống sữa; Thiết bị cho ăn tự động; Thiết bị quản lý thông tin sản xuất; Thiết bị xác định khối lượng tự động; Thiết bị quản lí lượng thức ăn; Thiết bị kiểm tra phát hiện động dục; Thiết bị quản lí môi trường (độ ẩm, mất điện, hỏa hoạn)); CCTV (camera; DVR (DVR + monitor); Thiết bị dự báo khí tượng trang trại (nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, tốc độ gió); Máy phát thanh liên lạc; Thiết bị thu thập dữ liệu; Chương trình quản lí trang trang trại bò thịt, bò sữa; Chương trình quản lí kinh doanh sản xuất bò thịt, bò sữa.
Trong chăn nuôi lợn đực giống, các chỉ tiêu về chất lượng tinh dịch đóng vai trò quan trọng và khi các chỉ tiêu này được cải thiện mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn thông qua việc hiểu rõ những tác động của các yếu tố ngoại cảnh đến các chỉ tiêu này. Do đó, việc kiểm soát nội bộ chất lượng tinh dịch lợn có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với các trại chăn nuôi lợn hạt nhân cũng như các trung tâm giống sản xuất tinh để bán trên thị trường. Bài trình bày “Kiểm soát nội bộ chất lượng tinh lợn" của TS Tatiana công ty công nghệ IMV (Pháp) tập trung vào các nội dung như các loại kiểm soát chất lượng nội bộ tinh dịch lợn, Những vấn đề cần kiểm soát trong mỗi giai đoạn sản xuất, Kiểm soát đầu vào, Kiểm soát vận hành, Kiểm soát chất lượng của sản phẩm hoàn thiện và Kiểm soát chất lượng tinh dịch định kỳ.
Sau phần trình bày của các diễn giả, các thầy cô và các bạn sinh viên đã trao đổi sôi nổi, đưa ra nhiều thảo luận có ý nghĩa góp phần thành công buổi seminar của nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi.
Một số hình ảnh trong buổi seminar:
Nhóm NCM Giống và Công nghệ chăn nuôi