Chăn nuôi ở Việt Nam trong những năm qua vẫn tiếp tục phát triển nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do sự biến động mạnh của thị trường và tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Do vậy, việc đánh giá thực trạng của các hệ thống chăn nuôi để phân tích các đặc điểm, thuận lợi, khó khăn của các kiểu hệ thống sẽ giúp chỉ ra những vấn đề mà người chăn nuôi đang gặp phải và là cơ sở để đưa ra các gợi ý về chính sách và giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững. Bên cạnh đó, việc phát triển các công nghệ cao để tiếp tục cải tiến các phương thức chăn nuôi cũng là xu thế trong những năm tiếp theo.
Ngày 26/12/2023, Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi đã tổ chức buổi seminar khoa học định kì. Tham dự buổi seminar có sự tham gia của các Thầy Cô trong nhóm nghiên cứu mạnh và sinh viên Khoa Chăn nuôi.
Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của GS.TS Vũ Đình Tôn về chủ đề: "
Sự đa dạng của các hệ thống chăn nuôi gà và phát triển bền vững”. Chăn nuôi gà ở Hải Dương phát triển nhanh trong những năm qua (tăng từ 10,883 triệu con 2018 tăng lên 14,446 triệu con năm 2022). Khi dịch tả lợn châu Phi nổ ra, nhiều trang trại lợn chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Sự đa dạng trong chăn nuôi thể hiện ở loài, giống vật nuôi, quy mô chăn nuôi, phương thức chăn nuôi, cách thức tiêu thụ sản phẩm tạo ra sự đa dạng về các hệ thống chăn nuôi. Trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay, nghiên cứu đã chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các hệ thống chăn nuôi gia cầm tại địa phương như tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều, sự biến động mạnh của giá cả đầu vào và đầu ra nên tiêu thụ sản phẩm đôi lúc còn khó khăn. Để phát triển chăn nuôi bền vững, cần quan tâm tới việc hình thành và phát triển các chuỗi liên kết, chú trọng hơn tới công tác giống thông qua hình thành các cơ sở sản xuất con giống có chất lượng và uy tín, tiếp tục nâng cao kiến thức và trình độ kỹ thuật cho người dân để chủ động hơn trong sản xuất.
|
Tiếp theo, TS. Hà Xuân Bộ đã trình bày bài seminar với chủ đề: “Xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong trang trại thông minh chăn nuôi lợn”. Chăn nuôi thông minh là ngành chăn nuôi có khả năng kết hợp công nghệ ICT vào sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý môi trường. Chăn nuôi thông minh có khả năng giám sát thông tin của từng cá thể, môi trường chăn nuôi thông qua các thiết bị cảm biến, hình ảnh, có thể điều chỉnh được môi trường chăn nuôi thông qua các thiết bị ICT. Trên thế giới hiện nay đã nghiên cứu và sử dụng nhiều thiết bị thông minh trong các trang trại chăn nuôi lợn giúp làm giảm nhân công, tăng cường khả năng quản lý đàn vật nuôi, tăng cường điều khiển các điều kiện tiểu khí hậu và giám sát sức khỏe vật nuôi tốt hơn. Do vậy, các thiết bị thông minh cần tiếp tục được nghiên cứu, ứng dụng nhiều hơn trong chăn nuôi lợn ở nước ta trong những năm tới.
|
Cuối buổi seminar, nhóm nghiên cứu mạnh Giống và công nghệ chăn nuôi đã trao đổi sôi nổi và đưa ra nhiều thảo luận về khả năng phát triển của các thiết bị công nghệ cao trong các trang trại chăn nuôi ở Việt Nam cũng như định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững hơn
Nhóm NCM Giống và Công nghệ chăn nuôi