Giống bắp siêu ngọt SSW18 của nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam có màu trắng sữa, mềm, độ ngọt hơn trái cây, hái xuống có thể ăn liền, không cần qua chế biến.

Một bạn trẻ thích thú khi trải nghiệm bắp siêu ngọt SSW18 ngay trên đồng ruộng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ThS Vũ Thị Bích Hạnh - trưởng phòng nghiên cứu cây trồng cạn, Viện nghiên cứu và phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - vui mừng cho biết nhóm nghiên cứu đã trồng thành công bắp siêu ngọt (SSW18).

 

Video: Việt Nam đã có giống bắp hái xuống ăn liền, không cần luộc

Theo bà Hạnh, giống bắp siêu ngọt SSW18 còn được gọi là bắp hoa quả do có màu trắng sữa, mềm, tan vỏ và độ ngọt dao động 17,5 - 18,5 độ Brix. Hạt ngọt đậm tương tự trái cây chín như dưa hấu và có thể ăn tươi trực tiếp sau khi hái trên cây xuống, không phải qua chế biến như luộc, hấp, nướng.

Đặc biệt, bắp siêu ngọt được chọn lọc, lai tạo bằng phương pháp lai hữu tính truyền thống nên người sử dụng không cần lo ngại như các giống bắp biến đổi gene khác. Bên cạnh đó, do trồng với mục đích ăn trực tiếp, loại bắp hữu cơ này không bị phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. 

"Đối tượng chúng tôi hướng tới là người dân mong muốn trải nghiệm sản phẩm lành mạnh cho sức khỏe hoặc du lịch trải nghiệm. Bắp có thể xay làm nước ép, sữa, sinh tố... Bắp SSW18 bổ sung chất beta carotene, vitamin…", bà chia sẻ.

Giống bắp siêu ngọt này vẫn tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất, lựa chọn vùng canh tác áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng bắp, độ ngọt và chống chịu tốt với sâu bệnh.

Thân bắp siêu ngọt có màu trắng, hạt bắp không nhăn nheo, đều từng hàng. Song với ưu điểm độ ngọt cao, sản lượng của loại bắp này không cao như bắp nếp, bắp tẻ

Trước khi tung ra thị trường, giống bắp siêu ngọt SSW18 đã đạt được 90% mong muốn của các nhà nghiên cứu.

Những vấn đề như chất đất, khí hậu, quy trình canh tác của người nông dân sẽ được tiếp tục hoàn thiện

Qua nhiều thử nghiệm, bắp siêu ngọt SSW18 phát triển khỏe, nhanh. Thời gian từ gieo trồng đến thu hoạch bắp tươi là 70-80 ngày tùy từng vùng, vụ trồng, thời tiết. Năng suất bắp tươi đạt từ 10-12 tấn/ha. Thực tế, nhóm đang phát triển giống bắp hoa quả này trên các vùng cao, khí hậu mát mẻ như Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai)...

"Đây là các vùng trồng bắp truyền thống, phát triển tốt du lịch, xóa đói giảm nghèo và có thể trở thành cây đặc sản địa phương", bà Hạnh chia sẻ.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tin tưởng việc tự chủ được giống bắp, công nghệ, quy trình sản xuất thì Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc một phần vào nhập khẩu bắp đường từ Philippines, Mỹ, Thái Lan.

Thiết bị chuyên dụng kiểm tra độ ngọt của cây bắp nhằm đảm bảo chất lượng bắp khi thu hoạch
Các nhà nghiên cứu mất 7-8 năm để có được thành quả như ngày hôm nay. Khi có được bắp hoa quả SSW18 thành phẩm, các nhà khoa học mong muốn nhiều doanh nghiệp đầu tư để loại bắp này phổ biến hơn với người dân.

 

Theo nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bắp SSW18 như một loại trái cây, giúp bổ sung nhiều dinh dưỡng thiết yếu và chất xơ dễ tiêu, phù hợp cho mọi lứa tuổi, không bị mất đi các chất dinh dưỡng do chế biến.

 

 Theo https://tuoitre.vn