Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens và được ghi nhận lần đầu trong thư tịch cổ của Trung Quốc vào thế kỷ thứ 5 - thứ 6, có nguồn gốc từ vùng núi Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó được trồng ở nhiều nơi trên Thế giới. Các quốc gia trồng nhiều loại cây này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Dựa trên mục đích sử dụng, tía tô trồng được chia thành hai loại chính: Perilla frutescens var. frutescens có hạt lớn, được trồng để lấy dầu hạt, thường được trồng và sử dụng phổ biến ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Perilla frutescens var. crispa được dùng để làm thuốc trong y học cổ truyền, cất tinh dầu hoặc làm rau gia vị được trồng rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Ngoài ra còn có 3 loài hoang dại là Perilla citriodora, Perilla hirtella và Perilla setoyensis (Nitta et al. 2005).
Cây tía tô được sử dụng như là cây thuốc truyền thống của một số nước Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, lá tía tô có tác dụng làm toát mồ hôi và trừ hàn, điều hòa chức năng dạ dày, chữa cảm hàn với ho và nôn, nôn do thai nghén, tiêu chảy, ngộ độc cua cá. Thân tía tô điều hòa lưu thông khí, làm giảm rối loạn chức năng dạ dày, giảm đau, phòng ngừa sẩy thai. Chủ trị: tức thở ở ngực và đau vùng thượng vị với cảm giác nóng. Quả và hạt tía tô làm giảm khó thở và giảm ho, trừ đờm. Chủ trị: ho và khó thở do ứ trệ đờm. Trong y học cổ truyền Nhật Bản, tía tô được sử dụng như một hoạt chất chữa bệnh dị ứng, hen suyễn do dị ứng, viêm khớp và bước đầu ứng dụng để điều trị bệnh Alzheimer. Ở Ấn Độ, tía tô được coi như có tác dụng an thần, chống co thắt, làm toát mồ hôi, chữa nhức đầu và rối loạn hoạt động tử cung. Dịch chiết lá tía tô có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống dị ứng, chống viêm ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Tía tô là loại cây có giá trị sử dụng cao. Lá tía tô giàu vitamin và chất khoáng : vitamin A, vitamin C, Ca, Fe và P. Lá tía tô được sử dụng làm rau gia vị hoặc dùng để ướp một số loại thực phẩm ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Chồi lá hoặc hoa nở khoảng 30% được sử dụng làm gia vị khi ăn cá sống. Hạt mới hình thành từ những chùm hoa đầu dùng với cá rán tôm hoặc một vài món ăn làm từ nước sốt đậu nành (Yu et al. 1997). Dịch chiết tía tô được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm khác nhau, trên thị trường Nhật được sử dụng trong 80 sản phẩm bao gồm sản phẩm sức khỏe, thực phẩm. Năm 2009, hãng pepsi tại Nhật Bản đã cho ra một loại nước giải khát mang hương vị tía tô là pepsi tía tô. Ở Hàn Quốc còn sử dụng lá tía tô tươi để nướng cùng với các loại thịt có màu đỏ, hạt tía tô rang lên được sử dụng rộng rãi như là gia vị hoặc một nguồn dinh dưỡng và được sử dụng kết hợp với các loại ngũ cốc khác hoặc các loại rau. Dầu hạt tía tô thì được sử dụng làm dầu trộn xalát hoặc để nấu nướng bởi vì hương vị khác biệt của nó (Shin and Kim, 1994).
Trong tinh dầu lá tía tô, các hợp chất như perilla aldehyde, limonene, caryophyllene, farnesene,... có tác dụng kích thích dây thần kinh khứu giác, tăng nhu động ruột, thúc đẩy tiết enzyme tiêu hóa, tăng cảm giác ngon miệng. Tinh dầu lá tía tô còn có tác dụng khử mùi tanh hải sản rất hiệu quả, giải độc cua cá (Bumblauskien et al. 2009). Từ những lợi ích trên, một phần tinh dầu lá tía tô được sử dụng làm hương liệu, phụ gia thực phẩm khá phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ… Ngoài sử dụng làm chất phụ gia, tinh dầu tía tô còn được sử dụng bảo quản thịt, cá và các loại thực phẩm khác. Tinh dầu tía tô có ưu điểm là chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ, hoạt tính cao, an toàn cho sức khỏe và có thể áp dụng cho các loại thực phẩm ở mọi giá trị pH. Đặc biệt hơn, nếu như các chất bảo quản thông thường có thể gây ảnh hưởng xấu tới mùi vị của thực phẩm thì loại tinh dầu này vừa là chất bảo quản, vừa cải thiện hương vị cho thực phẩm (Yu et al. 1997; Board, 1999). Trong thành phần tinh dầu lá tía tô có chứa một dẫn xuất của perilla aldehyde có tên là perillartine. Chất này có vị ngọt gấp 2000 lần đường mía và có calo rất thấp. Nó được sử dụng làm chất tạo ngọt thay thế tại Nhật Bản và Mỹ. Đặc biệt, đây còn là phụ gia quan trọng trong ngành sản xuất thuốc lá để giảm mùi hăng cay, làm cho sản phẩm có hương vị hài hòa hơn (Yu et al. 1997; Đỗ Huy Bích et al. 2006). Tại Mỹ, tinh dầu tía tô nằm trong danh mục các phụ gia thực phẩm được phép sử dụng. Nó đã được sử dụng để bổ sung vào các loại nước sốt, bánh kẹo, chewing gum, tạo hương cho các sản phẩm sarsaparilla - một loại đồ uống rất phổ biến tại Mỹ (Yu et al. 1997).
Trên thế giới, 3 loại sản phẩm tinh dầu, các chất chống oxy hóa, dầu hạt tía tô (omega 3) đã được sản xuất ở quy mô công nghiệp, tạo ra các chế phẩm thuốc, thực phẩm chức năng có giá trị kinh tế - xã hội cao. Các nước sản xuất dầu tía tô, viên nang dầu hạt tía tô giàu omega-3, tinh dầu lá tía tô chủ yếu trên thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, ở Việt Nam tía tô là loại cây gia vị lâu đời, quen thuộc và có tiềm năng phát triển nhưng hiện nay mức độ phát triển và sử dụng cây tía tô ở nước ta vẫn còn rất hạn chế, vùng trồng tía tô chưa được quy hoạch cụ thể, chúng ta sử dụng tía tô còn rất đơn giản, chủ yếu để làm gia vị hay một phần sử dụng trong các bài thuốc dân gian. Do vậy, việc trồng và phát triển cây tía tô còn rất manh mún, các sản phẩm từ cây tía tô còn nghèo nàn nên giá trị của cây tía tô còn rất thấp. Các sản phẩm từ cây tía tô là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất các sản phẩm dược phẩm và thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các sản phẩm dầu và tinh dầu từ cây tía tô phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước đều được nhập từ nước ngoài. Đầu tư các vùng chuyên canh phát triển trồng cây tía tô cũng như nghiên cứu các công nghệ thu nhận các hoạt chất sinh học từ cây tía tô góp phần nâng cao giá trị của loại cây gia vị, thảo dược truyền thống, đầy tiềm năng, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hóa dược, dược phẩm và thực phẩm chức năng cũng như gia tăng trồng trọt cây tía tô, tạo công ăn việc làm cho nông dân đặc biệt là người dân miền núi tạo ra các sản phẩm phục vụ cho phòng chống và chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng ngày một tăng mạnh và trở nên cấp thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiển, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mẫn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật, tập 2, Hà Nội, trang 943-949.
Board N (1999), The Complete Technology Book Of Essential Oils (Aromatic Chemicals), National Institute Of Industrial Re: 460-464.
Bumblauskien L., Jakstas V., Janulis V., Mazdzieriene R and Ragazinskiene O (2009), Preliminary analysis on essential oil composition of Perilla L. Cultivated in Lithuania, Acta Poloniae Pharmaceutica - Drug Research, Vol. 66 (4): 409-413.
Nitta M., Lee J.K., Kang C.W., Katsuta M., Yasumoto S., Liu D., Nagamine T., Ohnishi O (2005), The Distribution of Perilla Species, Genetic Resources and Crop Evolution, 52(7): 797-804.
Shin H-S and Kim S-W (1994), Lipid compositions of Perilla seed, JAOCS 71(6): 619-622.
Yu He-ci., Kosuna K., Haga M (1997), Perilla: The Genus Perilla, Netherlands Overseas Publishers Association, Taylor & Francis, 206 p.
Nguyễn Thị Hoàng Lan - Khoa CNTP