Trong cuộc sống, thời gian của con người thường được chia làm hai phần: một phần là thời gian dùng để duy trì các hoạt động cho sự sống như ngủ nghỉ, ăn uống, bài tiết; còn phần kia là thời gian cho hoạt động sinh tồn.

Nhàn rỗi và giải trí thường hay bị nhầm lẫn với nhau. Nếu đem so sánh nhàn rỗi (idle) là từ thường dùng và có nghĩa không tốt, còn giải trí (leisure: dùng nhiều trong khoảng từ thập niên 80 của thế kỷ 20 trở lại đây) là từ biểu hiện tính chủ động và hợp thời. Nhàn rỗi không đồng nghĩa với giải trí. Nhàn rỗi trong thời cổ đại không phải là giải trí trong thời hiện đại. Nhàn rỗi là chỉ có nhiều thời gian thừa, còn giải trí là điều tiết thời gian một cách tích cực, chủ động. Vì vậy, thời đại giải trí là biểu hiện của sự phát triển sang giai đoạn mới của xã hội, là tiến bộ xã hội. Từ ngữ có nghĩa trung tính giữa hai từ đó, người ta thường gọi là “Thời gian tự do”.

Cuộc sống giải trí của con người, trước hết phải có cơ sở là thời gian tự do. Thời gian tự do không phải là thời gian lao động trực tiếp, nó bao gồm thời gian tiếp thu giáo dục, thời gian phát triển trí lực, thời gian thực hiện chức năng xã hội, thời gian thực hiện các hoạt động giao tiếp, thời gian hoạt động thể lực và trí lực tự do. Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, mọi người đi làm về thường ở nhà ngủ, còn tụ tập bạn bè, đi siêu thị, giải trí bị coi là giết thời gian một cách lãng phí. Nhưng hiện nay, thể dục thể thao giải trí, du lịch giải trí, câu lạc bộ giải trí... có sự khác biệt rất lớn về mặt bản chất so với các trò tiêu khiển để giết thời gian như trước đây. Trên thực tế, các hoạt động giải trí ngày nay ngoài tác dụng khôi phục sức khỏe bản thân, còn có tác dụng bồi bổ tinh thần, điều hòa tâm lý, nâng cao khả năng giao tiếp.... Các hoạt động giải trí cũng có tác dụng rất lớn trong việc giải tỏa stress, nạp năng lượng sống cho con người... Vì vậy, hoạt động giải trí ngày nay có mối quan hệ khá mật thiết tới sự phát triển toàn diện của con người, nó đã trở thành một đối tượng nghiên cứu của học thuật.

Đối với các nước phát triển trên thế giới, nghiên cứu học thuật về giải trí đã có lịch sử hơn 100 năm. Sự ra đời của nó đồng hành với quá trình phát triển của các nước phương Tây. Đầu thế kỷ 20, xã hội Châu âu nhận thức được tầm quan trọng của giải trí, đặc biệt họ còn nhận thức được rằng thông qua tiêu sài của tầng lớp những người giải trí có thể kích thích một ngành nghề khác ra đời. Từ đó người ta bắt đầu nghiên cứu về vấn đề giải trí, như kế hoạch giải trí, chiến lược giải trí… Các cơ sở nghiên cứu về giải trí cũng bắt đầu ra đời. Một số trường đại học đã thành lập các khoa nghiên cứu về giải trí. Ngành giải trí học phương Tây chủ yếu phân ra thành hai phái. Một phái chú trọng công tác nghiên cứu định lượng và định tính về dịch vụ giải trí, thông qua các công thức để phân tích định tính, định lượng và khảo sát hành vi giải trí, nhu cầu giải trí của con người; Còn phái kia chú trọng nghiên cứu lý luận, như nghiên cứu dưới góc độ triết học, xã hội học, tâm lý học, quản lý học, kinh tế học....

Cuối thế kỷ 20, một số nước phương Đông đã bắt đầu có học giả tiến hành nghiên cứu về giải trí. Vương Nhã Lâm (Trung Quốc, 1992) đã xuất bản cuốn “Nhàn hạ xã hội học”. Người khởi xướng nghiên cứu văn hóa giải trí - giáo sư Dư Quang Viễn (Trung Quốc, 1995) đã viết cho các doanh nghiệp du lịch Quảng Châu: “Vui chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của con người, phải có văn hóa chơi, phải nghiên cứu học thuật chơi, phải nắm được kỹ thuật chơi, phải phát triển nghệ thuật chơi”. Dưới sự khởi xướng của ông, trung tâm hoạch định văn hóa Lục hợp Bắc Kinh đã được thành lập, nó trở thành cơ quan nghiên cứu giải trí dân gian đầu tiên ở Trung Quốc dưới góc độ văn hóa và triết học.

Nhìn chung, các học giả Phương Đông tập trung sự chú ý để nghiên cứu 3 vấn đề lớn sau đây:

          Thứ nhất, nhìn nhận thế nào về sự gia tăng của thời gian tự do. Người ta cho rằng, khoảng 10 nghìn năm trước, thời đại con người bắt đầu làm nông nghiệp, chỉ có 10% thời gian dành cho nghỉ ngơi; Thời đại thủ công nghiệp chỉ là 17%; Thời đại công nghiệp là 23%, còn từ thập niên 90 của thế kỷ 20, mọi người có thể dành 41 % thời gian cho giải trí. Gia tăng thời gian tự do là mốc đánh dấu sự tiến bộ xã hội, là thể hiện sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Thời gian gần đây, kết cấu nhu cầu của nhân dân có sự thay đổi, từ nhu cầu về vật chất chuyển sang nhu cầu tinh thần. Từ đó kéo theo sự thay đổi về thị trường tiêu dùng và kết cấu nghề nghiệp.

          Thứ hai, làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển ngành giải trí. Các học giả cho rằng, phương thức giải trí khác nhau sẽ đòi hỏi các sản phẩm và dịch vụ giải trí khác nhau. Vì vậy, cần phải có các ngành giải trí đáp ứng được các nhu cầu đó. Giải trí đã trở thành một trong những đặc trưng quan trọng của thời đại ngày nay. Ở các nước phát triển, ngành giải trí đang có vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ngành giải trí phải chú trọng phát triển về nhiều mặt, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân, vừa thu được lợi ích kinh tế.

          Thứ ba, làm thế nào để học được cách giải trí thông minh. Thời gian tự do ngày một nhiều, vậy thì phải sử dụng nó như thế nào. Nhà tư tưởng người Anh, Lauson đã nói: “Giải trí thông minh hay không chính là sự kiểm nghiệm nền văn minh”. Giải trí thông minh tức là “mỗi một thành viên trong xã hội đều có thể phát triển tự do một cách toàn diện và phát huy tài năng, sức mạnh của mình một cách tối đa”.

Thể dục thể thao giải trí mặc dù đã xuất hiện từ rất sớm nhưng nghiên cứu mối quan hệ giữa thể thao với giải trí, tác dụng của nó đối với xã hội thì lại chưa được coi trọng ở không ít quốc gia. Khi thế giới bước vào thời kỳ phát triển mới, thể dục thể thao giải trí trở thành mục tiêu của cuộc sống sung túc và trở thành phương pháp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mục tiêu cơ bản của thể dục thể thao là để phát triển con người. Về vấn đề phát triển con người, Mác đã viết: “Trên thực tế, chỉ khi lao động có mục đích của con người kết thúc, vương quốc tự do mới bắt đầu. Trong bất kỳ hình thái xã hội nào, con người văn minh và con người nguyên thủy cũng giống nhau, đều bắt buộc phải đấu tranh với thiên nhiên để thỏa mãn nhu cầu của bản thân và để duy trì sự sống của mình... Rút ngắn ngày làm việc chính là điều kiện cơ bản để hướng đến vương quốc tự do”.

Cuối thế kỷ 20, nhu cầu thể thao gắn kết với giải trí tăng mạnh, đặc biệt ở các nước phát triển. Thể thao gắn kết với giải trí đã trở thành một phần của cuộc sống. Để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, phát triển thị trường, các nhà quản lý, các doanh nghiệp đã cùng nhau hành động để ngành thể thao gắn kết với giải trí trở thành một ngành kinh doanh có lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội cao.

Ở nước ta, thể dục thể thao đã gắn kết với giải trí trong những năm gần đây. Ngay các môn thể thao hiện đại mang tính chất giải trí cũng đã có ở nước ta như: thể thao trên biển, Golf, Bowlling... GDP bình quân ở nước ta hiện nay là 630USD/đầu người, sẽ đạt 1000USD/đầu người trong thời gian tới. Điều kiện để phát triển thể dục thể thao gắn kết với giải ta sẽ ngày càng nhiều.

 

Nguyễn Văn Quảng

Nhóm NCM-Trung tâm GDTC&TT

Tài liệu tham khảo:

1.         GS.TS Dương Nghiệp Chí, TS Lương Kim Chung, TS Lê Tấn Đạt (2008), Giáo trình Thể dục thể thao Giải trí. Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng đã xuất bản – Nhà xuất bản Thể dục thể thao.

2.         Đỗ Hoàng Toàn, Mai Văn Bưu (2001), Giáo trình Quản lý Nhà nước về kinh tế, Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội.

3.         Chu Văn Tuấn (2010), Giáo trình Thống kê doanh nghiệp, Nxb Tài chính, Hà Nội.