[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Kháng kháng sinh (KKS) gây ra 1,27 triệu ca tử vong mỗi năm. Theo dự báo của WHO, đến năm 2050, mỗi năm có khoảng 10 triệu người tử vong do KKS. Việt Nam được xếp vào nhóm các nước Đông Nam Á chịu nhiều rủi ro do vi khuẩn kháng thuốc.

 

Gia cầm Một Sức khỏe phối hợp với các đối tác Việt Nam và quốc tế tiến hành nghiên cứu điển hình về tồn dư kháng sinh và phòng chống KKS trong chuỗi sản xuất và phân phối gà thịt lông màu. Nghiên cứu tập trung vào “Mức độ tiến hóa và lan truyền của các mối nguy sức khỏe” (virus cúm gia cầm, Campylobacter, Salmonella, KKS và tồn dư kháng sinh), tiến hành theo 2 vòng: nghiên cứu cắt ngang theo chuỗi sản xuất thịt gà (trại/lò mổ/chợ) và nghiên cứu theo dõi dọc chuỗi sản xuất (theo tuổi gà), tập trung vào trang trại.

Kết quả nghiên cứu cắt ngang theo chuỗi sản xuất thịt gà (trại/lò mổ/chợ) cho thấy: Tỷ lệ mẫu (lấy tại chợ – mắt xích cuối của chuỗi sản xuất thịt gà) phát hiện tồn dư kháng sinh tại Việt Nam là 7/81 mẫu (8,6%), tương đương Bangladesh và cao hơn 2 lần so với Ấn Độ (3,7%), gấp 8 lần so với EU (0,05-0,1%).

Nghiên cứu theo dõi dọc chuỗi sản xuất (theo tuổi gà) cho thấy: Kháng sinh Enrofloxacin và Doxycycline là hai loại kháng sinh tồn dư nhiều trong các mẫu thịt và lông gà. 10,2% số mẫu lấy lần cuối (tuổi gà 150 ngày) tại 50 trại gà lông màu có tồn dư kháng sinh (Tilmicosin, Doxycycline, Chlortetracycline, Sulfamonomethoxine). Phân tích E. coli phân lập từ mẫu manh tràng gà cho thấy, tỷ lệ kháng kiểu hình đối với Ampicillin, Sulfonamides, Tetracycline, Chloramphenicol dao động từ 83-100% ở tất cả các lứa tuổi gà.

Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, ruột gia cầm là nguồn lưu cữu chủ yếu của gen kháng (AMR gens) có khả năng lây truyền sang người qua chuỗi thức ăn. Tổng cộng 31 gen kháng đối với 8 nhóm kháng sinh khác nhau đã được phát hiện trong 98% mẫu chất chứa manh tràng gà được thu thập trong khuôn khổ dự án. Có 15 loại kháng sinh có tỷ lệ kháng từ 99-100%. Dự án còn tiến hành phân tích mẫu để xác định tỷ lệ mẫu dương tính với vi khuẩn Campylobacter, và tỷ lệ gen kháng của loại Campylobacter coli và Campylobacter jejuni.

Như vậy, nguy cơ tồn dư kháng sinh và lây truyền gen kháng trong chuỗi sản xuất thịt gà lông màu tại Việt Nam là rất cao. Chiến lược đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng/xuất khẩu chính là động lực thực hiện các cuộc thảo luận cấp Bộ và các cơ quan quản lý. Dự án đề xuất 3 nội dung hợp tác tiềm năng: (1) Thiết lập nghiên cứu mở rộng để thu thập thêm bằng chứng khoa học từ các trang trại gia cầm (gà, vịt,…) ở các tỉnh khác; (2) Nghiên cứu can thiệp triển khai ở một số trang trại (tăng cường năng lực giám sát/quản lý sử dụng kháng sinh thận trọng tại các trang trại; chuyển giao kiến thức về AMU/AMR; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao); (3) Tối ưu hóa Sổ tay an toàn sinh học tại trang trại để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thịt gia cầm (tiêu thụ nội địa và định hướng xuất khẩu).

Nguồn: T.H (Theo Dự án OH Pountry Hub) - https://nhachannuoi.vn/