Các trường ĐH cần sớm công bố tổ hợp xét tuyển có 2 môn học này để thu hút sinh viên học ngành nghề STEM (Khoa học - Kỹ thuật - Công nghệ - Toán).

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ có nhiều thay đổi. Trong đó, thay đổi lớn nhất là học sinh sẽ thi 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn sau: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Với phương án này, lần đầu tiên, môn Tin học và Công nghệ được đưa vào môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Lãnh đạo trường trung học phổ thông đều cho rằng đây là bước đi cần thiết, đáp ứng xu hướng phát triển xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ

Quan trọng trong định hướng ngành nghề STEM

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Văn Tụy (Ninh Bình) chia sẻ, việc đưa môn Công nghệ và Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là hoàn toàn phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài việc đây sẽ là 2 môn thi để các em lựa chọn làm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì việc bổ sung môn Công nghệ và Tin học còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học).

Đồng thời, khi đưa 2 môn này vào làm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ góp phần thúc đẩy việc dạy và học của giáo viên, học sinh tại các trường trung học phổ thông nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hai môn học là những thành phần cơ bản tạo nên giáo dục STEM ở giáo dục phổ thông và đại học.

Ảnh minh họa. Doãn Nhàn

Cũng theo thầy Nam, với thời đại công nghệ như hiện nay, việc đưa 2 môn Công nghệ và Tin học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thu hút nhiều học sinh quan tâm và lựa chọn, giúp các em có định hướng sớm hơn với những ngành nghề liên quan đến kỹ thuật, công nghệ.

Để chuẩn bị tốt cho sự thay đổi này, nhà trường đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, máy tính cho phòng tin học và các thiết bị dạy học phục vụ cho 2 môn này.

Đồng thời, nhà trường cũng đã khảo sát, phân loại đối tượng học sinh có nhu cầu lựa chọn đăng ký dự thi 2 môn này để tăng cường việc ôn tập, bồi dưỡng, luyện tập cho học sinh giúp các em đạt được kết quả tốt.

Đồng quan điểm, thầy Lê Quốc Thiện - Tổ trưởng tổ Tin học, Trường trung học phổ thông Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc đưa môn Tin học vào môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông chính là nắm bắt kịp với xu thế thời đại công nghệ 4.0.

Tin học và Công nghệ đóng vai trò chủ chốt trong việc trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết để hiểu và áp dụng các công nghệ mới, từ đó mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các ngành thuộc lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học). Điều này không chỉ giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho tương lai mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số.

Vì là năm đầu tiên 2 môn này được đưa vào làm môn thi tốt nghiệp, nhà trường đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất lẫn công tác giảng dạy để đảm bảo môn Tin học và Công nghệ được giảng dạy một cách hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Về cơ sở vật chất, nhà trường đã đầu tư nâng cấp phòng học Tin học với hệ thống máy tính hiện đại, kết nối Internet tốc độ cao, đảm bảo mỗi học sinh đều có thể thực hành trên thiết bị cá nhân.

Về công tác giảng dạy, trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể cho từng giai đoạn trong năm học, gồm cả việc ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi.

Giáo viên của tổ Tin học cũng được tập huấn, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy, cập nhật các kiến thức mới, đảm bảo tốt nội dung chương trình.

Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ tổ chức các bài kiểm tra định kỳ môn học, để đánh giá mức độ hiểu bài của học sinh, từ đó thầy cô sẽ thực hiện việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Còn theo thầy Trương Minh Trình, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lý Tự Trọng (Khánh Hòa) chia sẻ, việc đưa 2 môn Công nghệ và Tin học vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là bước đi cần thiết nhất là với những nghề nghiệp thuộc lĩnh vực STEM.

Bên cạnh đó, lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh phụ thuộc lớn vào các tổ hợp môn xét tuyển đại học. Bởi khi các em lựa chọn các môn học để làm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì các em phải biết được tổ hợp của các môn mình chọn sẽ được các trường đại học xét tuyển ra sao, xét vào những ngành nào.

Tuy nhiên, có thể số lượng học sinh chọn thi các môn Tin học và Công nghệ sẽ không nhiều vì đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới, hầu như chưa có trường đại học nào có sử dụng tổ hợp xét tuyển có 2 môn này.

Đây là 2 môn học liên quan đến nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật nhưng chưa có trường đại học nào có tổ hợp xét tuyển 2 môn này nên hầu hết các em vẫn thiên về các tổ hợp có các môn như: Toán; Vật lí; Hóa học; Ngoại ngữ; Sinh học…

Đề xuất môn học có mặt trong tổ hợp xét tuyển đại học

Bàn về vấn đề này, theo thầy Nam, từ năm 2025, với phương án học sinh được tự chọn một số môn thi ngoài các môn thi bắt buộc, 2 môn này sẽ lần đầu xuất hiện trong kỳ thi trung học phổ thông và được sử dụng để xét tuyển vào đại học.

Vì vậy, các em không chỉ mong muốn dừng lại ở mức thi và xét tốt nghiệp mà nó còn liên quan đến việc chọn ngành, nghề tại trường đại học. Nếu các trường đại học đưa môn Tin học và Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển hoặc sử dụng kết quả của 2 môn này sẽ có thêm nhiều cơ hội và lựa chọn cho các thí sinh.

Đồng thời, việc sớm đưa tổ hợp xét tuyển cũng giúp các em tự tin và yên tâm hơn khi đăng ký các môn học từ lớp 10 cũng như sớm có định hướng, sự chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng hơn khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Bên cạnh đó, rất mong các trường đại học có thể sớm ban hành phương án tuyển sinh và các tổ hợp xét tuyển phù hợp, tạo điều kiện cho nhà trường và học sinh có kế hoạch, định hướng rõ ngay từ đầu năm học.

Đồng quan điểm, theo thầy Trình, các trường đại học nên sớm công bố các tổ hợp, hoặc có dự thảo đề xuất các tổ hợp năm 2025 và dài hơn nữa là các năm tiếp theo để học sinh và nhà trường tiện theo dõi.

Đưa ra một số lời khuyên cho học sinh, thầy Thiện chia sẻ, các em nên chú trọng vào việc hiểu rõ các khái niệm cơ bản trong môn học. Đồng thời, dành nhiều thời gian thực hành, đặc biệt là trên máy tính với môn Tin học cũng như lập kế hoạch học tập rõ ràng, phân bổ thời gian giữa các môn học hợp lý để tránh bị quá tải.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên Việt Nam theo học ngành nghề STEM, tính trên tổng số sinh viên đang thấp so với một số nước trong khu vực và châu Âu. Tỷ lệ sinh viên học ngành STEM năm 2021 của Singapore là 46%, Malaysia 50%, Hàn Quốc 35%, Phần Lan 36% và Đức 39%. Trong khi cũng năm 2021, tỷ lệ này của Việt Nam là 28%. Riêng đối với các ngành khoa học tự nhiên và toán, tỷ lệ SV theo học của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 1,5%, bằng 1/3 so với Phần Lan, 1/4 so với Hàn Quốc và 1/5 so với Singapore và Đức.

Ngoài ra, việc phân bố Việt Nam học ngành STEM ở các vùng miền cũng không đồng đều. Vùng Đông Nam bộ chiếm 58,2%, đồng bằng sông Hồng là 50,2%; vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt xấp xỉ 15%, trung du và miền núi phía bắc xấp xỉ 10%, trong khi Tây nguyên chỉ xấp xỉ 2%.[1]

 

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://thanhnien.vn/can-som-dua-2-mon-hoc-moi-vao-to-hop-xet-tuyen-dh-tu-nam-2025-18524082921514809.htm