Trần Quang Trung

Nhóm NCM Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp

1. Đặt vấn đề

          Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, kinh tế tập thể nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng đều đã thể hiện được vai trò của mình tùy theo từng giai đoạn khác nhau. Cùng với việc thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chính sách của Nhà nước đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì việc chuyển đổi mô hình HTX nông nghiệp kiểu cũ sang mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 là cần thiết và đúng đắn.

Về chủ trương, hoạt động của HTX nông nghiệp tiếp tục đổi đổi mới cả về nội dung và phương thức với việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích hài hòa, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nói cách khác, HTX từ chỗ là đơn vị kinh tế tự chủ chuyển sang thành viên HTX tự chủ kinh tế. Theo đó, HTX nông nghiệp giờ đây hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng có khác là lợi ích các thành viên HTX và mọi quyết định đều phải có sự thông qua của tất cả các thành viên. Như vậy, HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 không những không làm triệt tiêu kinh tế hộ gia đình mà còn tạo ra một môi trường mới để hộ nông dân tham gia là thành viên HTX, chủ thể phát huy mọi năng lực, tiếp cận với vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật, gắn với thị trường…

Về mặt thực tiễn, kể từ sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, số lượng HTX nông nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng cho năm 2019, số HTX nông nghiệp đăng ký thành lập mới là hơn 1.800 HTX, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên cả nước gần 15.300 HTX. Tuy nhiên, số HTX nông nghiệp hoạt động thực sự có hiệu quả không nhiều (khoảng trên 40% tổng số HTX) và tỷ lệ HTX nông nghiệp tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho các thành viên chưa đến ¼ số nông sản tiêu thụ.[1] Phần lớn HTX nông nghiệp sau khi chuyển đổi về hình thức vẫn chưa có sự chuyển biến về mặt nội dung, cung cấp dịch vụ cho thành viên vẫn “trung thành” với các khâu truyền thống là làm đất, thủy lợi nội đồng[2], phun thuốc BVTV…Tỷ lệ HTX nông nghiệp tổ chức các khâu dịch vụ khác như gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế… chưa đạt đến 30% số HTX. Có thể nói rằng HTX nông nghiệp phát triển “rầm rộ” về số lượng nhưng hiệu quả hoạt động của HTX và lợi ích mà HTX mang lại cho cộng đồng, cho xã hội như “chủ trương đề ra” lại chưa tương xứng. Mặt khác, vẫn còn tình trạng nông dân “không buồn” vào HTX nông nghiệp hoặc nông dân đã là thành viên HTX nông nghiệp nhưng cũng “không buồn” nghĩ rằng mình đang là thành viên.

Tại sao lại có tình trạng như vậy? Có phải người nông dân “chỉ khư khư ôm lấy mấy sào đất của mình”, không muốn vào HTX nông nghiệp? Hay do HTX nông nghiệp chưa mang lại lợi ích thiết thực nên nông dân không muốn tham gia? Hoặc giả việc tham gia HTX nông nghiệp cho có phong trào và theo yêu cầu của chính quyền địa phương?[3] Cần phải làm gì để HTX nông nghiệp phát huy được vai trò của nó đối với phát triển nông nghiệp bền vững và Xây dựng nông thôn mới phồn vinh?

2. Nhận thức về vai trò của HTX đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Phong trào hợp tác xã được khởi xướng tại Châu Âu từ cuối thế kỷ 18 gắn với cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Xuất phát từ việc các cơ sở nhỏ lẻ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp quy mô lớn mới được hình thành và có nguy cơ bị phá sản, với tinh thần tự cứu lấy mình, những cơ sở nhỏ lẻ mang tính chất hộ cá thể liên kết lại với nhau để thành lập HTX như là một nhóm liên kết hoạt động và tồn tại vì lợi ích của nhau. Hoạt động theo tinh thần này, các HTX nông nghiệp ở Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… đã phát huy được vai trò trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển HTX nông nghiệp của các nước trên thế giới cho thấy có một số nguyên tắc cơ bản trong việc thành lập và hoạt động của HTX nông nghiệp, đó là: (i) Thành viên của HTX giúp đỡ lẫn nhau; (ii) Thành viên của HTX tự chịu trách nhiệm; (iii) Thành viên của HTX tự quản lý tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; và (iv) Mỗi thành viên HTX có quyền biểu quyết như nhau.

Xét về mặt tổ chức hoạt động, có một số mối quan hệ kép được hình thành trong HTX, gồm: (i) Thành viên HTX vừa là chủ sở hữu HTX vừa là người mua (sử dụng) dịch vụ của HTX; (ii) Thành viên HTX bán sản phẩm, dịch vụ ra thị trường (thị trường bên ngoài) và thành viên HTX sử dụng dịch vụ do HTX cung cấp (thị trường bên trong); (iii) Thành viên HTX vẫn là người sở hữu các tài sản của mình để sản xuất, kinh doanh, nhưng đồng thời cũng sở hữu một phần trong tài sản, lợi nhuận của HTX. Về mặt hạch toán, HTX cung cấp dịch vụ cho các thành viên có thu tiền để trang trải các chi phí hoạt động của HTX, còn các thành viên sản xuất sản phẩm để bán ra thị trường và cũng phải hạch toán để đảm bảo duy trì, phát triển kinh tế của thành viên.Như vậy, thành viên HTX chịu trách nhiệm bán hàng cho thị trường bên ngoài, còn HTX chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho các thành viên của mình.

Tóm lại, bản chất của HTX là một nhóm các thành viên nhỏ lẻ tự nguyện gắn kết lại với nhau và hoạt động theo nguyên tắc “tự quản” theo “quy chế nội bộ” mà các thành viên cùng thống nhất. HTX thực hiện cung cấp dịch vụ đầu vào và hỗ trợ tiêu thụ đầu ra cho các thành viên. Do đó, doanh thu của HTX là thu phí sử dụng dịch vụ từ các thành viên, còn doanh thu bán sản phẩm là của thành viên HTX chứ không phải của HTX.Vì vậy, khi đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX không phải tập trung vào việc đánh giá xem HTX đó thu được lợi nhuận là bao nhiêu mà phải chú trọng đánh giá thu nhập từng thành viên HTX có được nhờ sử dụng các dịch vụ do HTX cung ứng là bao nhiêu, so với thu nhập của những người/hộ không tham gia HTX thì thế nào.

Vấn đề đặt ra ở đây là vai trò của HTX nông nghiệp trong phát triển nông nghiệp bền vững và Xây dựng nông thôn mới phồn vinh ở nước ta được nhận diện như thế nào và thực tế hiện nay vai trò đó của HTX nông nghiệp đã được thể hiện chưa?

Do đặc điểm của lịch sử, đại bộ phận các hộ nông dân Việt Nam hiện nay đều có quy mô nhỏ, ruộng đất manh mún và đặc biệt là sức mạnh thị trường gần như không đáng kể. Trong khi đó, quy luật phát triển của thị trường là sản phẩm hàng hóa muốn đến được người tiêu dùng thì phải có “dòng chảy” được khai thông. Nói một cách hoa ngữ, nông sản bán ra thị trường phải được tổ chức theo chuỗi cung ứng nếu nhìn nhận ở khía cạnh khai thông “dòng chảy hàng hóa”, hoặc là chuỗi giá trị nếu muốn nhấn mạnh đến lợi ích của các bên tham gia vào việc tạo nên “dòng chảy hàng hóa”. Trong dòng chảy này, người nông dân được coi là “thượng nguồn” mang đặc điểm của rất nhiều “khe nước” nhỏ tạo thành.Với đặc điểm như vậy, nông dân có những điểm bất lợi lớn như sau:

- Bị ép giá: Nông dân nhỏ thường bị lép vế trong việc đàm phán giá mua đầu vào. Tại một địa phương (cấp huyện, xã) không có nhiều công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, nông dân đơn lẻ phải mua giá cao do không có nhiều cơ hội lựa chọn. Đối với việc bán sản phẩm, nông dân đơn lẻ cũng gặp vấn đề tương tự. Không có nhiều người thu gom ở địa phương và số ít người thu gom này có thể dễ dàng thỏa thuận để ép giá mua nông sản của nông dân.

- Không có khả năng dự báo nhu cầu thị trường: Nông dân nhỏ thường sản xuất theo “phong trào”, kiểu cái gì nhiều người làm thì tôi cũng làm. Hệ quả là cung vượt cầu, dẫn đến tình trạng “rớt giá” và thường xuyên xảy ra việc “giải cứu nông dân”.

- Sản phẩm có tính cạnh tranh thấp: Do nông dân sản xuất đơn lẻ nên sản phẩm không đồng đều về chất lượng, chủng loại, không có truy xuất nguồn gốc, không có chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn được nước nhập khẩu thừa nhận… Đây chính là rào cản lớn cho việc xuất khẩu nông sản ở nước ta hiện nay.

- Khó khăn trong việc tiếp nhận vốn, khoa học kỹ thuật, cải thiện năng lực thị trường do doanh nghiệp không thể nào liên kết hiệu quả được với nhiều hộ nông dân với “tính nết” và mức độ “hiểu biết” khác nhau. Mặt khác, nếu có chính sách hỗ trợ thì việc thực hiện cũng sẽ thiếu hiệu quả khi Nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp với hơn 10 triệu hộ nông dân...

Vậy ai sẽ là người đóng vai trò quy tụ nông dân để trở thành đối tác của doanh nghiệp nếu không phải là HTX nông nghiệp? Bởi vì, chỉ có HTX nông nghiệp mới gắn bó lâu dài được với nông dân do nó mang tính “cộng đồng” và tính “địa phương”, chứ không phải như doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế khác chủ yếu thực hiện “liên kết vãng lai”, đến với nông dân khi dễ dàng tìm kiếm lợi ích và sẽ bỏ đi nếu khó khăn. Nói một cách khái quát hơn, phát triển nông nghiệp bền vững đòi hỏi phải khai thông được dòng chảy của nông sản hàng hóa, kết nối được nông dân với thị trường. Điều đó có nghĩa là phải xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa nông sản và trong các chuỗi giá trị này HTX nông nghiệp đóng vai trò cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.

3. Những vấn đề dặt ra đối với HTX nông nghiệp hiện nay

Thứ nhất,chưa tạo dựng được một môi trường “lành mạnh” để HTX nông nghiệp có thể “tự sống”. Hành lang pháp lý và cơ chế chính sách phát triển HTX chưa đồng bộ, thiếu hấp dẫn, chẳng hạn như việc chậm ban hành các văn bản dưới luật, văn bản chỉ đạo thực hiện tổ chức lại HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng rất khác nhau giữa các địa phương, các nút thắt về đất đai, tiếp cận khoa học kỹ thuật, vốn tín dụng… chưa được tháo gỡ. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở một khía cạnh nào đó lại trở thành “hà hơi, tiếp sức” cho sự trì trệ, ỉ lại của các HTX nông nghiệp. Bên cạnh đó, cơ chế liên kết, hợp tác trong nội bộ HTX nông nghiệp và giữa HTX nông nghiệp với các tổ chức kinh tế khác như doanh nghiệp chưa phát huy được. Điều đó thể hiện ở việc lượng nông sản hàng hóa tiêu thụ qua kênh HTX nông nghiệp chưa nhiều (dưới 25% tổng lượng nông sản bán ra thị trường).

Thứ hai,ở nhiều địa phương việc thực hiện chính sách “dồn điền, đổi thửa” và “tích tụ ruộng đất” chưa được triển khai đúng với chủ trương nên quy mô “vài sào ruộng” đối với nhiều nông dân không đủ lớn để họ “bõ công” gắn bó với ruộng đồng, do vậy họ cũng “chẳng buồn” quan tâm đến việc tham gia HTX nông nghiệp, kể cả khi HTX nông nghiệp chứng minh được lợi ích của thành viên HTX nông nghiệp cao hơn hẳn so với người không tham gia.

Thứ ba,quản lý nhà nước về HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng chưa có cơ quan đầu mối và chịu trách nhiệm chính ở cả cấp trung ương và địa phương về kinh tế hợp tác nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng. Đối với HTX nông nghiệp, ở cấp trung ương hiện có 3 cơ quan tham gia trực tiếp quản lý, giám sát là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực của các HTX nông nghiệp còn thấp, chủ yếu tận dụng lao động tại địa phương và phải cạnh tranh với sức hút lao động từ các ngành, lĩnh vực khác có mức độ hấp dẫn cao hơn. Phần lớn cán bộ quản lý HTX nông nghiệp chưa được đào tạo, bồi dưỡng trước khi đảm nhiệm các vị trí quản lý HTX, do đó còn lung túng trong công tác quản lý, điều hành, hạch toán kết quả kinh doanh và chưa nhạy bén với hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.

Thứ năm, việc chuyển đổi HTX nông nghiệp kiểu cũ sang mô hình mới hoạt động theo Luật HTX 2012 còn nhiều vấn đề bất cập như xử lý mối quan hệ sở hữu, tư cách thành viên (từ hộ sang cá nhân),… Hệ quả là nhiều HTX nông nghiệp đã hoàn tất thủ tục chuyển đổi nhưng chưa có sự thay đổi về phương thức và nội dung hoạt động, thậm chí đăng ký tạm dừng hoạt động.

Thứ sáu, vấn đề nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí còn sai về về kinh tế hợp tác nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng. Nhiều cán bộ ở địa phương chưa phân biệt được bản chất của HTX với doanh nghiệp, HTX kiểu cũ và HTX kiểu mới. Thậm chí, một số cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở còn can thiệp “thô bạo” vào hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp. Ngay cả bản thân các thành viên HTX nông nghiệp cũng chưa nhận thức đầy đủ được vai trò của HTX nông nghiệp và trách nhiệm của thành viên HTX.

4. Một số kiến nghị

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về bản chấtcủa HTX nông nghiệp và vai trò của nó đối với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong điều kiện kinh tế thị trường theo xu hướng hội nhập quốc tế. Cần kịp thời nhận diện, phân tích đánh giá và tổng kết các mô hình HTX nông nghiệp phát triển tốt để làm cơ sở triển khai nhân rộng nhằm phát huy vai trò của HTX nông nghiệp trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới phồn vinh.

Thứ hai, tạo dựng một môi trường pháp lý hoàn thiện để HTX nông nghiệp có thể “tự sống” được bằng chính sức của nó thông quaviệc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển HTX nông nghiệp, đặc biệt là chính sách về cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tài chính – tín dụng, khoa học – công nghệ và thị trường.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế liên kết, hợp tác giữa nông dân với HTX nông nghiệp, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, trong đó HTX nông nghiệp đóng vai trò kết nối nông dân với doanh nghiệp, với thị trường để nông dân thấy được lợi ích của việc tham gia HTX nông nghiệp so với việc đứng ngoài như trường hợp của “Hai Lúa” ở Nam bộ trước đây.

Thứ tư, tăng cường thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa và tích tụ ruộng đất nhằm tạo điều kiện cho những nông dân muốn gắn bó với ruộng đồng có thêm đất để sản xuất. Khi đó, nông dân mới “bõ công” để tính đến việc tham gia HTX nông nghiệp nếu điều đó đem đến lợi ích thiết thực cho họ.

Thứ năm, kiện toàn công tác quản lý nhà nước đối với HTXtừ Trung ương đến địa phương theo hưởng bố trí cơ quan đầu mối, chuyên trách về kinh tế hợp tác nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan đến quản lý, giám sát HTX nông nghiệp.



[1]  Số liệu thống kê năm 2019, Cục Kinh tế hợp tác - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

[2] Sau khi chuyển hoạt động tưới tiêu sang Công ty Thủy nông quản lý, HTX được thuê làm dịch vụ thủy lợi nội đồng, ví dụ như ở Ứng Hòa – Hà Nội và nhiều nơi khác ở Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long.

[3] Tiêu chí số 13: Một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phải có ít nhất 1 HTX hoạt động hiệu quả.