Trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy và xây dựng mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La”, ngày 29/8/2024, nhóm nghiên cứu mạnh Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thực trạng mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Sơn La” tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Mục tiêu của hội thảo là tham vấn ý kiến chuyên gia cho mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo chuỗi giá trị; và thực trạng khởi nghiệp, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp HTX nông nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo chuỗi giá trị trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội thảo 

Tham dự hội thảo có các đại biểu từ các cơ quan gồm đại diện của Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La; Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La; Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Nhai; UBND xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các HTX, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. 

Tại hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày tham luận và bài nghiên cứu tập trung vào các nội dung: Thực trạng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp HTX thủy sản gắn với chuỗi giá trị giai đoạn 2017-2023 trên địa bàn tỉnh Sơn La và đề xuất giải pháp; Thuận lợi và khó khăn trong khởi nghiệp nuôi trồng thủy sản đối với HTX Đầu tư phát triển nông nghiệp và du lịch; và Phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản theo mô hình HTX tại Quỳnh Nhai.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo 

Theo Liên minh HTX tỉnh Sơn La, năm 2023 toàn tỉnh có 23/53 HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản, 01 Liên hiệp HTX thủy sản Sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai. Năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 2.981 ha, số lồng nuôi ước đạt 6.772 lồng; với tổng sản lượng thuỷ sản cả năm 2023 ước đạt 10.046 tấn, trong đó: sản lượng khai thác ước đạt 1.651 tấn; Sản nuôi trồng ước đạt 8.395 tấn. Tỉnh Sơn La đã hỗ trợ xây dựng 280 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn, trong đó có 16/22 chuỗi thủy sản của các Hợp tác xã tại địa bàn các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Phù Yên, Mường La; cấp nhãn hiệu chứng nhận cho Cá tầm Sơn La; Cá Sông Đà Sơn La; xây dựng Đề án Phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó kinh phí thực hiện đề án dự kiến 154.600 triệu đồng. Tuy nhiên, phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Về phía HTX thủy sản, cũng gặp những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; ngoài ra, những khó khăn trong hoạt động quản lý điều hành HTX, tiếp cận vốn cho phát triển SXKD; các vướng mắc trong xây dựng hoàn thiện thể chế nội bộ, các giấy tờ, thủ tục, xây dựng phương án SXKD, công tác kế toán, thuế theo đúng quy định cũng còn nhiều vướng mắc. Các hộ thành viên của HTX thiếu kinh nghiệm trong nuôi cá lồng, thiếu kiến thức phòng trừ dịch bệnh cho cá; Chưa có chuỗi liên kết nên bị ép giá.

Qua hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận và đưa ra các ý kiến, cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy khởi nghiệp HTX nông nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Sơn La như: các cơ quan chính quyền cần tư vấn, hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến nông; ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao; tăng cường liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX với người nuôi; xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến thương mại; hỗ trợ tài chính … 

Hội thảo đã kết thúc thành công và hiệu quả. Nhóm nghiên cứu đề tài đánh giá cao những ý kiến trao đổi của các đại biểu, đó là một trong những yếu tố để hoàn thiện giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp HTX nông nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Nhóm NCM Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp