Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang diễn ra một cách nhanh chóng tạo sức ép cạnh tranh, thách thức lớn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đại dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có cho nền kinh tế Việt Nam và buộc các đơn vị kinh tế phải nỗ lực thay đổi để thích ứng. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực hiệu quả, tồn tại và phát triển.
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) cũng không nằm ngoài vòng quay đó, hơn nữa đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chịu sự cạnh tranh khốc liệt trước sự thay đổi của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, để tồn tại và phát triển các HTX, tổ hợp tác buộc phải lựa chọn con đường “chuyển đổi số” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Đặc biệt thông qua chuyển đổi số sẽ giúp cho HTX tìm kiếm được một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu hóa nguồn lực. Tuy nhiên, hiện nay chuyển đổi số trong phát triển kinh tế tập thể tại nước ta mới trong giai đoạn bước đầu và diễn ra còn chậm.
Ngày 20/12/2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Nhóm nghiên cứu “Hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp” - Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế số: Quan điểm, cách tiếp cận và giải pháp”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và trực tuyến trên nền tảng zoom. Mục tiêu của hội thảo là làm rõ quan điểm, cách tiếp cận thông qua các bằng chứng lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất các giải pháp cho phát triển kinh tế tập thể trong bối cảnh mới.
Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Nông Nghiệp Việt Nam có GS.TS Trần Đức Viên - Hội đồng Học viện; PGS.TS Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện; TS. Vũ Ngọc Huyên - Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Xuân Cường - Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; PGS.TS Đỗ Quang Giám - Trưởng Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh; PGS.TS Trần Quang Trung - Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh “Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp”.
Về phía khách mời, có sự tham dự của các tổ chức trong và ngoài nước: Bà Bertine Schieven – Giám đốc Tổ chức Agriterra Khu vực Châu Á; Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Giám đốc Tổ chức DGRV Việt Nam; GS.TS Phạm Thị Mỹ Dung - Chuyên gia về lĩnh vực KTTT và HTX; TS. Nguyễn Minh Tú - Chuyên gia về lĩnh vực KTTT và HTX; Ông Tăng Văn Phiến - Giám đốc HTX Dịch vụ vạn chài Hạ Long (Quảng Ninh); Ông Thái Phước Lộc - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Trà Vinh; Ông Nguyễn Công Hiển - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và Xây dựng Minh Thành (Yên Thành - Nghệ An); Bà Vì Thị Thu Hà - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ và Kết nối cung cầu Mộc Châu (Sơn La) cùng trên 120 đại biểu là các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học... đến từ các cơ quan, các viện nghiên cứu, trường Đại học, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, HTX... Tham dự hội thảo còn có các giảng viên và sinh viên, học viên của Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự phát triển kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đồng thời khẳng định xu hướng tất yếu của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX… tại Việt Nam.
Sau bài phát biểu khai mạc là phần trình bày của các diễn giả với 10 bài tham luận về quan điểm, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành từ các tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế tập thể và HTX ở Cộng hòa Liên bang Đức, Hà Lan và ở Việt Nam. Nội dung phiên thứ nhất là các quan điểm phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế số và các gợi ý cho Việt Nam. Nội dung phiên thứ hai là thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một số HTX ở Việt Nam.
Một số hình ảnh trình bày bài tham luận
Tiếp theo là phần thảo luận sôi nổi giữa các thành viên tham dự Hội thảo, những câu hỏi và những câu trả lời, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, hợp tác để cùng phát triển. Nội dung thảo luận xoay quanh các vấn đề như: Quan điểm về phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế số; Lộ trình và lựa chọn nội dung thích hợp cho chuyển đổi số đối trong các HTX; Lợi ích và chi phí từ việc chuyển đổi số đối với HTX; Xác định những vướng mắc trong quá trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số của các đơn vị thuộc khối kinh tế tập thể để từ đó làm căn cứ cho các đề xuất về chính sách, giải pháp thực chuyển đổi số trong phát triển kinh tế tập thể...
Một số hình ảnh thảo luận tại buổi Hội thảo
Cuối cùng, phát biểu bế mạc và tổng kết tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Bảo Dương đã thay mặt cho Ban tổ chức bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các diễn giả, các đơn vị và toàn thể các đại biểu đã tham dự, trình bày và đóng góp các ý kiến vô cùng quý báu để làm nên sự thành công của Hội thảo. PGS.TS Phạm Bảo Dương cũng mong rằng các nhà khoa học và các HTX tiếp tục chủ động hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng chung tay xây dựng phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế số.
Trần Thị Thương - Nhóm Hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp