TS. Nguyễn Hải Núi

Khoa Kế toán và Quản trị Kinh doanh

Giới thiệu: Rừng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề phát triển bền vững kinh tế nói chung và sinh kế của người dân nói riêng tại các nước đang phát triển. Sự quan trọng của rừng được thể hiện ở cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.Hiện nay, nhà nước đã và đang triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Chương trình được ban hành trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được ở giai đoạn trước và định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng là khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa người nông dân và doanh nghiệp với quy mô phù hợp, hình thành chuỗi giá trị, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.Văn Chấn là huyện có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng trồng toàn huyện là 24.624,5ha, trong đó có 4.220,0ha là rừng trồng chưa thành rừng. Cây keo và bồ đề trên địa bàn huyện Văn Chấn được coi là thế mạnh của huyện và là nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ dồi dào cho việc chế biến, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ gỗ. Gỗ xẻ từ cây keo và bồ đề rất được thị trường trong nước và cả thị trường nước ngoài ưu chuộng. Ngoài ra, chúng còn có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn, chống cháy rừng, hạn chế lũ quét.Chuyển đổi từ quản lý rừng truyền thống sang quản lý rừng bền vững theo các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản trị rừng thế giới là việc còn khá mới mẻ. Song, từ năm 2016 đến nay, cùng với sự chỉ đạo của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn cũng đang nỗ lực hướng đến mục tiêu quản lý rừng bền vững, góp phần đảm bảo lợi ích bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Thực tế khẳng định cây keo và bồ đề đã đóng góp quan trọng cho kinh tế của huyện Văn Chấn. Tuy nhiên, năng suất trồng keo và bồ đề của người dân chưa cao do khó khăn về giống, phân bón, quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm gỗ keo và bồ đề của địa phương cũng chưa được chứng nhận, dẫn tới giá bán sản phẩm còn nhiều bấp bênh. Đồng thời, sự liên kết giữa hộ dân phụ thuộc vào rừng với các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm còn nhiều hạn chế. Từ đó, sinh kế của người dân phụ thuộc vào rừng nói riêng và sự đóng góp của cây keo và bồ đề vào kinh tế chung của toàn huyện chưa tương xứng với tiềm năm. Do vậy, để góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới tại huyện Văn Chấn, đảm bảo hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường của các bên tham gia, đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội đối với địa phương nói chung và các hộ dân tham gia nói riêng, việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất gỗ keo và bồ đề theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có tính thời sự, tính cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng về thực tiễn.

Mô tả dự án:

- Địa điểm triển khai dự án: Dự án thực hiện tại 9 xã của huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái, trong đó có 7 xã (Đồng Khê, Cát Thịnh, Tân Thịnh, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Nghĩa Tân, Thượng Bằng La) thuộc nhóm hỗ trợ 70%  và 2 xã (Bình Thuận và Minh An) thuộc nhóm hỗ trợ 100% chi phí về giống và phân bón.

- Tóm tắt nội dung của dự án: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ keo và bồ đề huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái xây dựng và liên kết các tác nhân (như sơ đồ dưới đây) theo mô hình chuỗi giá trị sản xuất gỗ keo và bồ đề với mục tiêu trồng, khai thác và phát triển gỗ keo và bồ đề theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Mô hình chuỗi liên kết của dự án dự kiến:

Hình 1. Sơ đồ chuỗi giá trị sản xuất gỗ keo huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

leftcenterrightdel
 

Giải thích về sơ đồ chuỗi giá trị sản xuất gỗ keo và bồ đề huyện Văn Chấn:

- Thứ nhất, doanh nghiệp giữ vai trò là tác nhân chính phối hợp với các đơn vị chuyên môn tư vấn cho các hộ trồng rừng đạt chứng chỉ FSC, cung cấp giống chất lượng cao cho các hộ trồng rừng, giám sát hợp đồng mua bán sản phẩm gỗ keo và bồ đề, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của các hợp tác xã chế biến gỗ, tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng rừng. 

- Thứ hai, các hộ trồng rừng giữ vai trò cốt lõi trong việc cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến gỗ đồng thời cũng nhận hỗ trợ về giống, phân bón, tư vấn kỹ thuật, marketing để phát triển thị trường của doanh nghiệp. Các hộ trồng rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt hoạt động trồng rừng, kế hoạch trồng rừng theo FSC-FM với sự hướng dẫn của tác nhân chính của chuỗi.

- Thứ ba, Các cơ sở chế biến phụ trách vận chuyển gỗ keo và bồ đề, xẻ, cung cấp cho doanh nghiệp. Các đơn vị này hoạt động theo hợp đồng cam kết với doanh nghiệp

Ngoài ra, chuỗi giá trị sản xuất gỗ còn có thể nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và nhà nước, hỗ trợ thủ tục hành chính hoặc kỹ thuật của chính quyền địa phương.

- Hình thức liên kết: Thông qua hợp đồng kinh tế ký kết giữa các đối tác tham gia dự án và hộ trồng rừng, cam kết về thu mua nguyên vật liệu, cung cấp nguyên vật liệu, cam kết về giá cả, hình thức thanh toán, chất lượng sản phẩm.

Hiệu quả kinh tế - xã hội

- Hiệu quả kinh tế: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ keo và bồ đề dự kiến sẽ có hiệu quả kinh tế tích cực cụ thể như sau:

+ Các tác nhân như doanh nghiệp, các hộ trồng rừng, hợp tác xã, các xưởng xẻ CoC, gia tăng doanh thu và lợi nhuận (hoặc có doanh thu và lợi nhuận) ổn định. Cụ thể, theo ước tính với diện tích được hỗ trợ là 1.200 ha với sản lượng trung bình khoảng 70m3/năm (theo khảo sát) thì lượng gỗ khai thác khoảng 84.000m3/năm, thu nhập của các hộ trồng rừng tăng so với khi bán gỗ không được cấp chứng chỉ FSC là khoảng 24 triệu đồng/hộ/năm giai đoạn 2020-2023. Ngoài ra việc chăm sóc, trồng rừng theo quy trình sẽ góp phần làm tăng sản lượng gỗ khai thác đối với những diện tích được cấp chứng chỉ FSC, qua đó tăng hiệu quả kinh tế hơn nữa cho các hộ trồng rừng. Các hộ trồng rừng còn được hưởng hỗ trợ của dự án về giống, phân bón. Đối với doanh nghiệp, tham gia vào chuỗi với vai trò tác nhân chính ước tính sẽ giúp công ty tăng lợi nhuận so với khi kinh doanh gỗ không có chứng chỉ FSC, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định.

leftcenterrightdel
 

+ Hệ thống mạng lưới trong chuỗi phát triển đồng đều, chuyên nghiệp, tạo việc làm ổn định có thu nhập tốt cho nhiều lao động trên địa bàn, Cụ thể, so với mô hình hoạt động chế biến hiện nay, với cam kết đầu ra và khai thác, tận dụng hết nguyên liệu khi thu hoạch để chế biến, ước tính thu nhập của các hộ trồng rừng tăng 10%.

+ Tạo ra những cơ hội để khai thác chuỗi theo khía cạnh du lịch sinh thái tạo nguồn thu nhập mới, để người dân cải thiện thu nhập. Đồng thời, dự án thực hiện sẽ giúp gắn kết lợi ích từ trồng rừng với người dân, tăng trách nhiệm của người dân đối với rừng hơn.

+ Xây dựng chuỗi sản phẩm từ gỗ có chứng chỉ rừng FSC, với định hướng xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ ra các nước phát triển, là một thị trường tiềm năng giúp nâng cao thu nhập cho lao động trong các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi.

- Hiệu quả xã hội: Góp phần tích cực vào phát triển đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, đóng góp vào ngân sách địa phương. Cụ thể:

+ Giải quyết việc làm cho người lao động thuộc vùng dự án: Các xưởng xẻ tạo việc làm cho 200 lao động với thu nhập bình quân 5,5-6 triệu đồng/tháng.

+ Đóng góp nghĩa vụ về thuế với ngân sách địa phương của các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia vào chuỗi.