PGS. TS Đỗ Quang Giám, TS. Nguyễn Hải Núi
Khoa Kế toán và Quản trị Kinh doanh
Nhu cầu đào tạo nói chung và đào tạo nhân lực trình độ đại học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn là rất lớn, trong khi ngân sách của Nhà nước hạn hẹp, thì việc xã hội hóa đào tạo đại học ở nước ta cũng là chiến lược phù hợp. Trong đó, ngân sách Nhà nước tập trung vào những ngành mà nhu cầu nhân lực thực tế có, nhưng xã hội ít hoặc không đầu tư, hoặc những ngành học đáp ứng chiến lược phát triển của quốc gia và những ngành đào tạo trong lĩnh vực NN&PTNT gắn với nhiệm vụ chính trị, quốc phòng an ninh của đất nước. Tuy nhiên, Nhà nước cần đầu tư ngân sách cho ngành nghề nào, bao nhiêu, trường nào thực hiện nhiệm vụ cũng là một câu hỏi lớn cần giải đáp.
Nhóm nghiên cứu Khoa Kế toán và Quản trị Kinh doanh đã tiến hành nghiên cứu“Dự báo nhu cầu nhân lực cần đạo tạo trình độ đại học các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên” do PGS.TS Đỗ Quang Giám làm chủ nhiệm. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm hoàn thiện hồ sơ để Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm tổ chức rà soát, đánh giá, dự báo nhu cầu nhân lực cần đào tạo trình độ đại học các ngành thuộc lĩnh vực NN&PTNT phục vụ thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để triển khai Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.
Nghiên cứu sử dụng các phương pháp tiếp cận gồm tiếp cận vĩ mô/thể chế, tiếp cận theo lĩnh vực/ vùng, hệ thống, tiếp cận có sự tham gia. Dữ liệu thứ cấp thu thập từ báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các báo cáo chuyên đề cũng như các nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia. Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua khảo sát các sở NN&PTNT của 63 tỉnh/thành phố, các đơn vị sử dụng lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm và cung ứng nguồn nhân lực, các trường đại học đại diện, các nhà khoa học, chuyên gia. Đặc biệt, nghiên cứu tiến hành khảo sát trực tiếp tại 10 tỉnh/thành phố gồm Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, ĐăkLăk, Lâm Đồng, Huế, Nghệ An, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội, Thái Bình. Bên cạnh các phương pháp phân tích truyền thống như thống kê mô tả, thống kê so sánh, thang đo Likert, nghiên cứu áp dụng các mô hình dự báo gồm Dự báo giản đơn, dự báo trung bình động (moving average), dự báo san bằng mũ (exponential smoothing) và dự báo ARIMA (autoregressive integrated moving average) cho phép có thể dự báo số liệu tương lai được xem là phương pháp phù hợp với dự báo nhu cầu nhân lực cần đào tạo cho giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021-2025). Nghiên cứu sử dụng các phần mềm chuyên dụng trong tổng hợp, xử lý, phân tích số liệu và dự báo như EXCEL, SPSS, EVIEWS.
Thực trạng ngành đào tạo đại học lĩnh vực NN&PTNT tại các trường đại học cho thấy sự giống nhau ở các ngành phổ biến, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn chung của cả nước. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa các trường được chọn ở một số ngành đặc thù như Khoa học đất, Khai thác thủy sản, Công nghệ chế biến thủy sản, Nông nghiệp công nghệ cao, quản lý thủy sản, công nghệ chế biến thủy sản... Xét trên khía cạnh số chỉ tiêu tuyển sinh, 2 nhóm ngành nông nghiệp và lâm nghiệp có mức suy giảm về nhu cầu đào tạo mạnh nhất, lần lượt giảm 20,06%/năm và 17,43%/năm trong giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn 2011-2015. Ngược lại, nhu cầu đào tạo đối với nhóm ngành thủy sản tăng 1,44%, trong khi các ngành đào tạo khác hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp cơ bản giữ ổn định. Theo số liệu thống kê hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đào tạo nhân lực trình độ đại học cho các ngành thuộc lĩnh vực NN&PTNT nước ta đang có xu hướng giảm mạnh so với quy hoạch nhân lực của Bộ NN&PTNT.
Nhu cầu nhân lực trình độ đại học của cả nước đối với các ngành phục vụ thực hiện cơ chế đặt hàng tại các cơ quan, đơn vị Sở NN&PTNT có xu hướng tăng giai đoạn 2010-2015, tuy nhiên đến giai đoạn 2016-2020 xu hướng giảm thấy rõ ở tất cả các khu vực, vì trong giai đoạn này các cơ quan, các đơn vị sự nghiệp thực hiện Nghị quyết 18&19 về tinh giản biên chế. Giai đoạn 2021-2025, theo khảo sát ở các tỉnh thành, nhu cầu nhân lực lĩnh vực NN&PTNT đặc biệt là các ngành phục vụ thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng được đánh giá là rất cần bổ sung, và có xu hướng tăng dần. Thực tế cho thấy trong số 28 ngành thì những ngành có nhu cầu lớn bao gồm: chăn nuôi, lâm sinh, nuôi trồng thủy sản, nông học, khoa học cây trồng, kinh tế nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng công trình thủy, quản lý tài nguyên rừng (trên dưới 1000 người)..., trong khi những ngành có nhu cầu thấp đó là: Khoa học đất, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Kinh doanh nông nghiệp , Khoa học thủy sản, Thủy văn học, Kỹ thuật cấp thoát nước… (dưới 100 người); một số ngành mới đưa vào khảo sát như: Quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo thì nhu cầu tăng lên nhưng ở mức khiêm tốn, riêng ngành sản xuất và kinh doanh nông nghiệp vùng biên giới thì nhu cầu hầu như không có nhu cầu.
Kết quả dự báo cho thấy nhu cầu trình độ đại học các ngành thuộc lĩnh vực NN&PTNT cả nước năm 2021 là 6.349 người, có sự tăng trưởng rõ rệt và sẽ đạt con số 9.204 vào năm 2025. Thứ nhất, khối các cơ quan, đơn vị sự nghiệp có sự biến động không nhiều từ 2.640 năm 2021 lên 2711 năm 2025. Trong đó, khối các sở NN&PTNT khoảng hơn 100 người, khối Bộ là khoảng 828 người và con số này ở cấp huyện, xã là 746 người. Thứ hai, khối các đơn vị sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng lớn từ 3.709 năm 2021 lên 6.493 năm 2025. Sự tăng trưởng lớn này là xuất phát từ khối các DN/HTX ngoài nhà nước, còn khối các doanh nghiệp Thủy lợi, lâm nghiệp nhà nước thì mỗi năm cần bổ sung khoảng 187 người.
Để đánh giá rõ hơn kết quả dự báo, nghiên cứu có xem xét sự cân đối nhu cầu nhân lực trình độ đại học cần đào tạo, cũng như sự tác động cảu KHCN. Kết quả cho thấy, hàng năm Bộ NN&PTNT cần giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công trong đào tạo trình độ đại học các ngành đã lựa chọn khoảng từ 5400 đến 7800 chỉ tiêu cho giai đoạn 2021-2025. Các ngành được ưu tiên cho thực hiện cơ chế này được dựa theo hai tiêu chí là mức độ quan trọng cao đối với sự phát triển của ngành NN&PTNT và mức độ xã hội hóa thấp.
Để thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công trong đào tạo trình độ đại học các ngành thuộc lĩnh vực NN&PTNT sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&PTNT và các khối cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, và các địa phương. Thứ nhất, về phía Bộ, Bộ cần cụ thể hóa kế hoạch và tiến hành tổ chức thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; triển khai giao cho các trường đại học ở mỗi vùng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức giá phí đặt hàng; bố trí ngân sách để triển khai ngay trong năm 2021. Thứ hai, khối các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT cần xác định nhu cầu nhân lực một cách chính xác và phù hợp với định hướng của toàn ngành. Thứ ba, Các địa phương cần có chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp trình độ đại học được đào tạo theo nhiệm vụ đặt hàng đào tạo đại học cho các ngành thuộc lĩnh vực NN&PTNT sử dụng ngân sách nhà nước.