Trần Quang Trung, Lê Thị Minh Châu

Nhóm NCM Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp

Cùng với cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế tri thức một cách mạnh mẽ. Áp lực của việc chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính “sống còn” đối với sự tồn tại của nhiều tổ chức kinh tế,xã hội. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với vai trò quy tụ nông dân để hình thành điểm đầu trong các chuỗi giá trị hàng hóa nông sản cũng không phải là ngoại lệ. Chuyển đổi số hiểu một cách chung nhất là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các chủ thể về cách thức tổ chức quản lý và phương thức sản xuất kinh doanh dựa trên việc ứng dụng các công nghệ,kỹ thuật số. Về mặt lợi ích, chuyển đổi số được xem là xu thế hiệu quả cho phát triển bền vững đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với các tổ chức kinh tế đó là cắt giảm chi phí vận hành,tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... (Nguyễn Minh, 2021).

          Đối với HTX nông nghiệp,chuyển đổi số được hiểu là quá trình thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, cách thức tổ chức quản lý dựa trên các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số, được khái quát lại thông qua 5 nhóm công nghệ nổi bật sau: (1) Internet vạn vật (IoT); (2) Trí tuệ nhân tạo (AI); (3) Dữ liệu lớn (Big data); (4) Điện toán đám mây (Cloud); và (5) Chuỗi khối (Blockchain). Thực tế hiện nay ở Việt Nam, chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp được thể hiện ở những khía cạnh sau:

          - Đối với hoạt động sản xuất: Các chương trình, phần mềm được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…), tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, kiểm soát dịch bệnh... Công nghệ IoT, Big data, Blockchain bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số, cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực... ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

          - Đối với hoạt động phân phối: Bên cạnh hoạt động phân phối trực tiếp qua các thương lái, các loại nông sản Việt như gạo, thịt, cá, trứng, hoa, quả… trong những năm gần đây đã được chào bán trên các sàn thương mại điện tử và dần được người tiêu dùng đón nhận, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang kéo dài.

          - Đối với hoạt động quản lý: Chuyển đổi số được thực hiện với các hình thức như sử dụng phần kế toán và quản lý, xây dựng website, sử dụng thư điện tử, ứng dụng các hình thức thanh toán điện tử…

Có thể nói các điểm sáng trong chuyển đổi số ở một số HTX nông nghiệp gây ấn tượng khá tốt nhưng thực tế đó vẫn là kết quả thực hành còn rời rạc, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số ít HTX nông nghiệp và địa phương. Phần lớn các HTX nông nghiệp vẫn chưa thực hiện chuyển đổi số hoặc có thực hiện nhưng phạm vi và mức độ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số vào các khâu sản xuất, quản lý, logicstic, thương mại nông sảnvẫn còn sơ khai. So với mục tiêu của nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh, chính xác vốn đòi hỏi sự kết hợp các cảm biến, robot, GPS, công cụ lập bản đồ và phần mềm phân tích dữ liệu để điều chỉnh chính xác quá trình tác động của máy móc, cải thiện quản lý thời gian, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước và các chế phẩm cần thiết, đảm bảo sức khỏe tốt hơn, năng suất cao hơn, sự phát triển tối ưu hơn của các loại cây trồng, vật nuôi, gia tăng lợi nhuận, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường… chuyển đổi số ở các HTX nông nghiệp còn cách rất xa. Nhà nước cũng đã có các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho HTX nông nghiệp thông qua việc lồng ghép với các chương trình mỗi xã một sản phẩm, công tác tập huấn hàng năm... nhưng nhìn chung khả năng các HTX nông nghiệp bị “chậm chuyến tàu” chuyển đổi số là hiện hữu.

Cụ thể, chỉ có 1.718/17.060HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng trong số đó chỉ có 240 HTX nông nghiệp sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh.[1] Chuyển đổi số trong các HTX này phần lớn tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số trong khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng, nhất là đối với các HTX nông nghiệp kiểu cũ được chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao chuyển đổi vốn mang lại nhiều lợi ích nhưng việc triển khai nó trong các HTX nông nghiệp lại chậm chạp như thế? Phải chăng mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của HTX nông nghiệp hiện nay chưa phù hợp? Hay do các hạn chế của HTX nông nghiệp như trình độ, năng lực của đội ngũ quản lý và người lao động, quy mô sản xuất nhỏ? Hoặc giả như cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn chưa sẵn sàng cho việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số của HTX nông nghiệp???

Kết quả khảo sát liên quan đến chuyển đổi số của HTX nông nghiệp năm 2020[2] kết hợp với các công bố về chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp cho thấy các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng “chậm chuyến tàu” nói trên được tổng hợp như sau:

- Thứ nhất, chuyển đổi số đối với các lĩnh vực khác đã trở nên quen thuộc nhưng trong phát triển HTX nông nghiệp vấn đề này vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Bản thân HTX nông nghiệp (cả cán bộ quản lý và thành viên HTX) chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chuyển đổi số. Phần lớn các HTX nông nghiệp đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Những HTX nông nghiệp này không biết triển khai chuyển đổi số bắt đầu từ đâu,làm thế nào cho phù hợp với điều kiện của HTX mình. Mặc dù đã có một số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất, thương mại nông sản nhưng cách làm dường như vẫn theo tư duy cũ, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số là phải dựa trên 4 nền tảng chính của nó, gồm: nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng dữ liệu và nguồn nhân lực.

- Thứ hai,quy mô hoạt động của HTX nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất kinh doanh truyền thống. Hơn nữa, năng lực tài chính của hầu hết các HTX nông nghiệp không mạnh nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Thứ ba, hạn chế về năng lực và trình độ, nhất là công nghệ thông tin của cán bộ quản lý HTX. Hầu hết các HTX nông nghiệp được tổ chức với Hội đồng quản trị có độ trung bình cao (50 - 60 tuổi), chủ yếu quản lý điều hành hoạt động của HTX theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ trẻ, có kỹ năng sử dụng công nghệ chiếm rất ítnên năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật của các HTX nông nghiệp còn rất hạn chế.

- Thứ tư, lực lượng lao động, thành viên của HTX nông nghiệp đa số xuất phát từ nông dân, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Nhìn chung, họ đang thiếu các kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin…

- Thứ năm, nền tảng cơ sở vật chất để ứng dụng công nghệ thông tin của HTX nông nghiệp còn lạc hậu, nhiều HTX nông nghiệp chưa có máy tính, thiết bị kết nối internet. Trong khi đó, các yêu cầu đối với HTX nông nghiệp là phải sử dụng chữ ký điện tử để khai báo thuế, ứng dụng phần mềm kế toán để lập báo cáo tài chính, áp dụng hóa đơn điện từ (bắt đầu từ năm 2022)… Một số HTX nông nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình OCOP cần xây dựng website hay tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng hầu hết không tự làm chủ những phương tiện này. Một số ít các HTX có thể vận hành được nhưng mức độ khai thác chưa cao.

- Thứ sáu, cơ sở hạ tầng thông tin chưa tạo ra cơ hội cho HTX nông nghiệp vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; chưa tạo ra nền tảng kết nối để Chính phủ nắm bắt tình hình, quản lý HTX nông nghiệp và điều hành ngành nông nghiệp của đất nước.

Nhằm nâng cao vai trò của HTX nông nghiệp trong việc định hướng, làm đầu mối giúp nông dân kết nối với thị trường, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… để phát triển kinh tế hộ nông dân, thực hiện chuyển đổi số trong các HTX nông nghiệp được coi là động lực quan trọng. Trong thời gian tới, vấn đề chuyển đổi số ở các HTX nông nghiệp cần có các quan điểm và giải pháp sau:

- Thứ nhất,cần nhận thức rõ rằng chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp phải bắt đầu từ các thành viên của HTX là hộ nông dân và lấy hộ nông dân làm trung tâm cho các hoạt động chuyển đổi số.Triết lý thành công của chuyển đổi số là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm, nên cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp. Do vậy, các thành viên HTX nông nghiệp là các hộ nông dân yếu thế buộc phải tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy để lựa chọn bước đi phù hợp, thực hiện tiến trình ứng dụng công nghệ số vừa có tính tự nguyện, vừa bắt buộc.Không thể có doanh nghiệp và HTX nông nghiệp chuyển đổi số thành công nếu không có nông dân số. Các HTX nông nghiệp trong chuỗi liên kết số đóng vai trò cầu nối nhận đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp thông qua các ứng dụng số (apps), tạo lập các hợp đồng kinh tế thông minh, bền vững, đồng thời làm thay đổi nhận thức của thành viên HTX và nông dân khác, đưa họ cùng tham gia chuyển đổi số.

- Thứ hai, hiện nay vấn đề HTX nông nghiệp thông minh, bền vững… đang được đề cập nhiều nhưng đó chỉ là cách gọi đa dạng của HTX nông nghiệp chuyển đổi số theo các góc nhìn từ việc ứng dụng các công nghệ hàng đầu hiện nay, được tích hợp trong quá trình chuyển đổi số.Các HTX nông nghiệp cần thận trọng khi triển khai bởi chuyển đổi số không phải là sự cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “phá hủy” nhiều cái cũ. Với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp cần phải được triển khai ngay, làm chắc chắn từng bước, làm không ngừng.  Mỗi HTX nông nghiệp và thành viên của nó phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng.Việclựa chọn thứ tự ứng dụng các công nghệ số cho phù hợp với khả năng thực tế ở từng giai đoạn, từng hoạt động mới là sự sáng tạo trong chuyển đổi số của HTX nông nghiệp.

- Thứ ba, chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp không thể đơn độc mà không có nông dân số, cộng đồng nông thôn số, chính quyền nông thôn số các cấp. Vì thế, để thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp cần tạo ra sự chuyển đổi đồng bộ của nông dân số, cộng đồng nông thôn số, chính quyền nông thôn số các cấp. Trước hết, cán bộ trong hệ thống chính quyền các cấp và người dân nông thôn phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong chuyển đổi số, từ đó thay đổi tư duy trong mọi việc. Đối với chính quyền các cấp, có hai trọng trách cần thực hiện: 1) Đi đầu chuyển đổi số để trở thành chính quyền số, khẩn trương thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi công việc và cung cấp dịch vụ cho HTX nông nghiệp; 2) Dẫn dắt chuyển đổi số ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy chuyển đổi số cho HTX nông nghiệp, ví dụ như kê khai thuế trực tuyến, nộp báo cáo tài chính trực tuyến, áp dụng hóa đơn điện tử…, đầu tư xây dựng hạ tầng số…

Thứ tư, thực hiện quản lý số đối với HTX nông nghiệp nhằm chuẩn hóa và minh bạch thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả cơ quan quản lý và HTX nông nghiệp. Mặt khác, cần thiết phảixây dựng bộ dữ liệu số lớn của ngành nông nghiệp, nông thôn phục vụ cho dự báo sản xuất và thương mại nông sản. Trên cơ sở đó, HTX nông nghiệp và thành viên, nông dân khác có thể điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.



[1] Thông tin do Liên minh HTX Việt Nam cung cấp tại Hội thảo Phát triển HTX nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, tổ chức trực tuyến ngày 15/10/2021.

[2] Kết quả khảo sát HTX thuộc phạm vi đề tài “Khởi nghiệp trong hợp tác xã gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện năm 2020.