Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường, 2020).
Thực hiện nhiệm vụ được giao về việc xây dựng văn bản quy định chi tiếtLuật Bảo vệ môi trường 2020 với nội dung về kinh tế tuần hoàn, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung quy định tiêu chí lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Để hoàn thiện Dự thảo Nghị định với nội dung quy định tiêu chí lộ trìnhvà cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức buổi đối thoại chính sách và tham vấn về chủ đề “Kinh tế tuần hoàn trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và đề xuất cho lĩnh vực nhựa và bao bì”. Hoạt động được hỗ trợ bởi Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam).
Hội thảo được tổ chức qua ứng dụng Zoom trong ngày 24/09/2021. Nội dung chương trình đối thoại gồm 03 phần: (1) Phương pháp tiếp cận, cập nhật tiến trình xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật về kinh tếtuần hoàn nhằm thực thi hiệu quả Luật BVMT 2020; (2) Kinh nghiệm quốc tế về thực hiện kinh tế tuần hoàn; và (3) Đề xuất thực hiện kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nhựa và bao bì cho Việt Nam.
Đến dự Hội thảo có TS. Mai Thế Toản – Phó Viện Trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện tổ chức WWF, Ngân hàng Thế giới, tổ chức PACE, các doanh nghiệp, các nhà quản lý và các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Có 60 đại biểu tham dự chương trình đối thoại. Đại diện nhóm NCM kinh doanh, thương mại và phát triển bền vững, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia chương trình đối thoại.
|
|
Các đại biểu tham gia chương trình đối thoại
|
Trong 3 giờ đồng hồ, các đại biểu đã nghe 05 báo cáo viên trình bày các báo cáo theo 03 chủ đề của chương trình đối thoại. Nhìn chung, các báo cáo có chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của chương trình đối thoại. Phần trao đổi, thảo luận khá sôi nổi đã cho thấy sự quan tâm của các đại biểu đến các chủ đề được trình bày trong báo cáo.
Có thể nói sau 3 giờ làm việc, chương trình đối thoại đã thành công tốt đẹp. Sự thành công của chương trình góp phần khẳng định tầm quan trọng của xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Nguyễn Anh Trụ
Nhóm nghiên cứu mạnh kinh doanh, thương mại và phát triển bền vững
Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh