Ngày 15/10/2022, nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản và chế biến sản phẩm thực vật, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức mời chuyên gia quốc tế đến trình bày seminar khoa học với chuyên đề “Thực phẩm cho tương lai và các xu hướng mới: cơ hội, thách thức và sự bền vững”. Diễn giả là GS. TS. Anil Kumar Anal, chuyên ngành kỹ thuật thực phẩm và công nghệ xử lý sinh học, thuộc Bộ môn Thực phẩm, Nông nghiệp và Tài nguyên sinh học, Khoa Tài nguyên Môi trường và Phát triển, Học viện Kỹ thuật châu Á (AIT) – Thái Lan.
Tham dự buổi seminar có TS. Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng Khoa CNTP, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy – trưởng nhóm nghiên cứu; các thành viên trong nhóm nghiên cứu mạnh và giảng viên của Khoa. Ngoài ra, còn có các khách mời là các học viên đang theo học chương trình đào tạo thạc sỹ ngành CNTP (lớp tiếng Anh và tiếng Việt), các sinh viên trong câu lạc bộ tiếng Anh và sinh viên quan tâm tham dự.
Mở đầu chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng nhóm nghiên cứu đã giới thiệu ngắn gọn về chuyên môn, quá trình hoạt động khoa học và những công bố quốc tế của GS. TS. Anil Kumar và nhóm nghiên cứu của ông. Mục đích của buổi seminar là giúp giảng viên, học viên cao học và sinh viên của khoa cập nhật thông tin khoa học trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm (CNTP), tiếp cận những xu hướng mới nổi của khoa học thực phẩm khu vực và thế giới, đồng thời đặt nền móng xây dựng mối quan hệ hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu giữa hai khoa trong lĩnh vực CNTP.
GS. TS. Anil Kumar đã bắt đầu bài trình bày với những thông tin ngắn gọn về Học viện Kỹ thuật châu Á (AIT) và những hoạt động đào tạo sau đại học (thạc sỹ và tiến sỹ), trọng tâm về đổi mới trong thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe. Sau đó là những hướng nghiên cứu chỉnh của nhóm chuyên gia do ông phụ trách. Trong bài trình bày, GS. TS. Anil Kumar nhấn mạnh, một thế giới với dân số dự báo là 9,1 tỷ người vào năm 20250 đòi hỏi một lượng thực phẩm vô cùng lớn, và mức tăng trưởng trong sản xuất thực phẩm phải đạt 70% thì mới đáp ứng đủ nhu cầu của con người. Hơn thế nữa, thực phẩm này không chỉ cần đáp ứng nhu cầu về số lượng, mà còn phải đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, thực phẩm chức năng, thực phẩm dùng thay cho thuốc sẽ là mối quan tâm của ngành khoa học thực phẩm. Theo đó, những thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu khoáng chất, vitamin, các chất chống oxi hóa, axit amin, những chất có hoạt tính sinh học chính là xu hướng mới cho thực phẩm của tương lai. Bên cạnh đó, việc hạn chế tổn thất sau thu hoạch, giảm lãng phí thực phẩm, khai thác và nâng cao giá trị từ phế phụ phẩm là giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng. Trong bài trình bày, GS. TS. Anil Kumar nhấn mạnh việc tái sử dụng, thu hồi nguồn vật liệu sinh học từ rác thực phẩm và nông nghiệp, thông qua quá trình chế biến, có thể tạo ra enzyme - chất xúc tác sinh học, nhiên liệu sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, nhựa sinh học, màu thực phẩm sinh học…. Những nghiên cứu này là hết sức tiềm năng vì rác thải nông nghiệp và thực phẩm là nguồn vật liệu khổng lồ cung cấp các hợp chất sinh học. Ví dụ, có thể thu hồi được 50% lượng protein từ rau ăn lá, 64% từ vỏ tôm, 85,3% từ lông gia cầm… Với hàng triệu tấn rác thải nông nghiệp hàng năm, chúng ta có thể thu hồi một cơ số các hoạt chất sinh học quý như peptit, các chất chống oxi hóa, các chất kháng khuẩn có nguồn gốc thực vật…. Nội dung chính của bài trình bày tập trung vào giới thiệu một số kết quả của nhóm nghiên cứu do ông phụ trách: (i) Sử dụng enzyme để tách và thu hồi protein thủy phân, các peptit kháng oxi hóa và kháng khuẩn từ màng vỏ trứng; (ii) Thu hồi protein thủy phân và các axit amin có cấu hình vượt trội từ lông gà; (iii) Thu hồi chất màu anthocyanine từ vỏ quả măng cụt, dùng để tạo màu cho kem; (iv) Thu hồi enzyme Bromelain và protein thủy phân từ vỏ quả dứa; (v) Thu nhận tinh bột kháng tiêu hóa từ vỏ và phụ phẩm của quả chuối, dùng trong chế biến bánh muffin chức năng… Tóm lại, nguồn phụ phẩm của công nghiệp chế biến rau quả, thịt, sữa, vi sinh… đều có thể được tận dụng, khai thác và nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Sau bài chia sẻ của GS. TS. Anil Kumar là những thảo luận sôi nổi giữa diễn giả và giảng viên, học viên cao học của khoa, đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhóm học viên Châu Phi đang học cao học tại khoa. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về tính khả thi của việc đưa những kết quả nghiên cứu đã được công bố đến với doanh nghiệp để ứng dụng trong cuộc sống.
Kết thúc chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Thủy thay mặt giảng viên, sinh viên và học viên của khoa CNTP gửi lời cảm ơn đến GS. TS. Anil Kumar đã chia sẻ một báo cáo vô cùng ấn tượng và giàu thông tin hữu ích. Hy vọng trong thời gian tới, hai bên sẽ có thêm cơ hội để tiếp tục chia sẻ về các chủ đề mới, cũng như duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác trong tương lai.
Một số hình ảnh của buổi seminar khoa học
Nguyễn Thị Bích Thủy - Nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản và chế biến sản phẩm thực vật