Căn cứ Quyết định số 2654/QĐ-HVN ngày 4 thánh 06 năm 2024 của Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam về việc giao cho các đơn vị, cá nhân triển khai các nội dung công việc theo kết luận của Hội nghị: “Hợp tác phát triển nông nghiệp tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất giai đoạn 2024 – 2025” (đợt 1). Nhóm nghiên cứu Khoa Công nghệ thực phẩm nhận được nhiệm vụ tập huấn kỹ thuật bảo quản quả bưởi sau thu hoạch cho 50 hộ nông dân trồng bưởi tại xã Trần Phú, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Để thực hiện tốt công tác, nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy và TS. Nguyễn Thị Hạnh đã phối hợp với chuyên viên phòng kinh tế huyện Chương Mỹ, lãnh đạo xã Trần Phú để đi tiền trạm và triển khai tập huấn một cách thuận lợi.
Thời gian tập huấn thực hiện vào ngày 18/7. Được sự phối hợp tốt của Phòng kinh tế huyện và lãnh đạo xã, 50 hộ nông dân đã tập trung đầy đủ, nhận tài liệu, chế độ và tập trung nghe các báo cáo viên chia sẻ thông tin.
Mục đích của buổi tập huấn nằm trong khuôn khổ hợp tác phát triển nông nghiệp tại 3 huyện trên địa bàn Hà Nội của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với hơn 1000 ha trồng bưởi tại huyện Chương Mỹ, vấn đề tăng năng suất, giảm chi phí, đảm bảo an toàn trong trồng trọt, an toàn thực phẩm, đồng thời kéo dài thời gian bảo quản cho quả là việc làm cần thiết. Để giải quyết điều đó, không chỉ đơn thuần tập trung riêng vào công đoạn bảo quản sau thu hoạch. Chất lượng quả và thời gian bảo quản quả phụ thuộc lớn vào tất cả các công đoạn TRƯỚC THU HOẠCH – TRONG THU HOẠCH và SAU THU HOẠCH. Do vậy nội dung tập huấn được tập trung khai thác với 06 phần như sau:
Phần 1. Giới thiệu chung về bưởi và các giống bưởi được quan tâm
Phần 2. Kỹ thuật vệ sinh vườn và chăm sóc cây sau thu hoạch: gồm có kỹ thuật vệ sinh vườn sau thu hoạch, kỹ thuật tỉa quả, tỉa cành, chăm sóc cây.
Phần 3. Sâu, bệnh hại cây bưởi, quả bưởi và cách phòng chống, trong đó gần 20 loại sâu bệnh được giới thiệu về đặc điểm gây bệnh và biện pháp phòng trừ.
Phần 4. Kỹ thuật thu hoạch quả, gồm có: xác định thời điểm quả chín, xác định thời điểm thu hoạch, kỹ thuật và phương pháp thu hoạch
Phần 5. Kỹ thuật bảo quản quả sau thu hoạch, trong đó gồm: lựa chọn nguyên liệu và yêu cầu điều kiện bảo quản; vật liệu, hóa chất, phương pháp và kỹ thuật bảo quản; kỹ thuật xếp bưởi đóng thùng.
Phần 6. Mô hình thực hiện bưởi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó, công tác đi thăm thực tế tại vườn, hướng dẫn trực tiếp cho các hộ nông dân cũng được thực hiện.
Mỗi phần nội dung chính đều được phân tích cụ thể, ví dụ minh họa, hình ảnh sinh động và có liên hệ trực tiếp với thực tiễn sản xuất. Vấn đề cốt lõi nhất xuyên suốt cả quá trình đó là công tác vệ sinh và nâng cao sức khỏe, phẩm cấp cho cây trồng một cách thân thiện, bền vững.
Việc vệ sinh vườn giúp giảm sâu, bệnh, giảm chi phí thuốc và phun thuốc, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất và chất lượng của quả. Việc chăm sóc cây sau thu hoạch (tỉa cành, bao quả, bón phân, phun thuốc) sẽ hỗ trợ quá trình phát triển của cây, giảm chi phí cho phòng trừ bệnh hại, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của quả.
Về thu hoạch cần chọn đúng thời điểm quả chín, chất lượng quả đạt được tốt nhất. Khi chọn đúng thời điểm thu hoạch, quả tránh được sự hô hấp mạnh, tránh được nước, hơi nước có chứa nấm mốc, bào tử nấm mốc bám trên quả, nhiễm vào vết cắt. Sử dụng đúng dụng cụ thu hoạch giúp vết cắt gọn, phẳng hơn, quả ít bị tạp nhiễm đất, tạp nhiễm vi sinh vật. Xử lý quả bằng cách rửa bằng nước sạch, lau bằng cồn và hong khô nhanh cũng là những biện pháp làm giảm các chất bụi bẩn, giúp mã quả sáng đẹp, giảm bớt lượng vi sinh vật trên vỏ quả. Đệm lót quả, vận chuyển quả đúng quy cách và bảo quản quả ở nơi sạch sẽ, thoáng mát cũng giúp quả bảo quản được thời gian lâu hơn.
Về bảo quản quả sau thu hoạch cần phân loại quả theo chủng loại, kích cỡ, khối lượng để bảo quản. Quả mang bảo quản không bị vết xước, giập, không bẩn. Chọn các loại hóa chất, vật liệu thân thiện để bảo quản. Hiệu quả hơn cho việc phòng trừ bệnh do nấm là sử dụng nước vôi trong, vôi đặc và cồn loãng. Quá trình thực hiện cần đi găng tay nylon để tránh nhiễm vi sinh vật từ tay người sang quả. Bảo quản quả trong điều kiện tương đối kín (túi bao, màng bao, bạt phủ) và mát (bảo quản trong cát) để tránh mất nước cũng như hạn chế quá trình hô hấp của quả. Không xếp chồng quả lên quá cao sẽ gây hiện tượng đè các quả lên nhau, nhanh hỏng. Kiểm tra bưởi thường xuyên trong quá trình bảo quản để loại bỏ các quả bị hư hỏng, tránh lây nhiễm. Đóng bưởi vào các thùng, hộp xốp, hộp carton có ngăn cách, có đục lỗ để quả tránh bị va chạm trong quá trình vận chuyển.
Tất cả các công đoạn trên tưởng chừng rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được nhưng trên thực tế, theo thói quen, việc sử dụng găng tay, vật liệu sạch để đặt quả, vật liệu thấm nước tốt, bốc hơi nhanh chưa được thực hiện tốt. Quả sau thu hoạch thiếu chỗ chứa, chỗ để không sạch, không thoáng, phủ bạt ngoài vườn nên tỉ lệ hư hỏng cao. Công cụ cắt là kéo sắc chuyên dụng lúc có, lúc không, bẻ cành, bẻ quả cho tiện nên quả được thu hoạch, bảo quản trong điều kiện không tốt. Vào thời gian nồm ẩm, quả chất đống mốc hàng loạt, giá có khi chỉ còn 3000-4000 VNĐ/quả, đồng thời quả hỏng, nấm bệnh, ruồi và sâu bệnh nhiều, dẫn đến lây lan dịch bệnh trong vườn.
Từng kỹ thuật nhỏ trong chăm sóc cây, phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản đã được nhóm báo cáo viên phân tích kỹ lưỡng và chỉ ra cách thức để khắc phục những điểm còn đang tồn tại.
Mô hình thực hiện xuất khẩu bưởi sang thị trường Mỹ và châu Âu đã được TS. Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ. Để bưởi có thể xuất khẩu được, các khâu trong chuỗi đều phải đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng, cảm quan và vệ sinh đảm bảo với yêu cầu của quốc gia nhập khẩu. Các quy định, tiêu chuẩn và quy trình cụ thể được giới thiệu nhằm mong muốn các hộ gia đình trồng bưởi không ngừng cải tiến phương pháp trồng trọt, chăm sóc bưởi, đồng thời tập trung hơn nữa về kỹ thuật sơ chế và bảo quản bưởi. Các hộ nông dân nếu muốn xuất khẩu có thể tham khảo mô hình này để xây dựng lộ trình của mình.
Sau buổi tập huấn tại hội trường, nhóm báo cáo viên xuống địa bàn trồng bưởi, xem thực tế vùng trồng cùng với các hộ nông dân, phát hiện được nhiều loại sâu bệnh, ốc sên xuất hiện khắp mọi bộ phận của cây. Đã có các hướng dẫn sử dụng biện pháp sinh học để giảm thiểu các loại sâu, bệnh và động vật hại cây bưởi. Ngoài ra, khi đi tham quan các khu vực chứa bưởi khi thu hoạch, chưa thấy có địa điểm nào đạt đủ yêu cầu vệ sinh, thoáng khí cho công tác sơ chế và bảo quản. Điều này khuyến cáo thêm với địa phương để cùng đồng hành hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã để xây dựng mô hình khu sơ chế, khu bảo quản, sao cho quả bưởi giữ được lâu hơn, đẹp hơn. Đồng thời hợp tác xã nên kết hợp với một số doanh nghiệp để tăng cường công tác giới thiệu, bao tiêu sản phẩm, giúp tăng hiệu quả kinh tế cho cây bưởi và người nông dân có động lực hơn trong việc chăm sóc, bảo quản quả bưởi.
Các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn sẵn sàng giải đáp khó khăn, thắc mắc của các hộ nông dân để sớm đưa thương hiệu bưởi của Chương Mỹ đi tới thị trường xa hơn.
Một số hình ảnh tập huấn
|
Lãnh đạo xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ phát biểu khai mạc tập huấn |
|
PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy chia sẻ thông tin về kỹ thuật trong các khâu trước thu hoạch, trong thu hoạch và sau thu hoạch quả bưởi |
|
TS. Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ thông tin về mô hình thực hiện xuất khẩu bưởi sang thị trường Mỹ và châu Âu |
|
Tập huấn chăm sóc, bảo quản quả tại thực địa |