Chiều ngày 15 tháng 01 năm 2024, tại Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) “Bảo quản và chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật” đã làm việc với đoàn chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Y tế công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER), Trường đại học Y tế công cộng về lĩnh vực hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo liên quan đến An toàn thực phẩm, Một sức khỏe, Đánh giá nguy cơ.
Mở đầu, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, đại diện nhóm Nghiên cứu mạnh đã giới thiệu hướng nghiên cứu cũng như kết quả nghiên cứu của Khoa, của nhóm NCM liên quan đến Công nghệ thực phẩm, An toàn thực phẩm, Một sức khỏe và Quản lý chất lượng, năng lực của nhân sự cũng như trang thiết bị, cơ sở vật chất của đơn vị.
TS. Phạm Đức Phúc, Giám đốc trung tâm đã giới thiệu về các kết quả nghiên cứu, hệ thống mạng lưới liên kết trong nước và quốc tế về chương trình An toàn thực phẩm, Một sức khỏe (One Health) và nguồn tài trợ liên quan. Chương trình và mạng lưới Một sức khỏe là cách thức tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe của con người, động vật và môi trường. Nó tập trung nghiên cứu, đánh giá và quản lý các vấn đề sức khỏe công cộng liên quan đến sự tương tác giữa con người, động vật và môi trường. Nó nhìn nhận rằng sự xuất hiện và lây lan của các bệnh truyền nhiễm, cả ở con người và động vật, có thể có nguồn gốc từ cùng một nguồn lây nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường chung. Phương pháp Một sức khỏe đòi hỏi sự cộng tác giữa các lĩnh vực khác nhau như y học, thú y, môi trường học, sinh thái học và các lĩnh vực liên quan khác. Bằng cách làm việc cùng nhau, các chuyên gia từ các lĩnh vực này có thể nắm bắt được sự phức tạp của các vấn đề sức khỏe và tạo ra các giải pháp toàn diện và hiệu quả.
Tiếp đó là các thảo luận liên quan đến việc hợp tác nghiên cứu, đào tạo. Nhóm cần quan tâm đến những kẽ hở, lỗ hổng liên quan đến quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm; Gắn vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng thông qua chuỗi thực phẩm; Tập trung đề xuất kinh phí nghiên cứu từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn Sáng kiến về Một sức khỏe; Xây dựng chung các khóa tập huấn, đánh giá nguy cơ, truyền thông nguy cơ; Trao đổi sinh viên.
Đoàn công tác cũng được giới thiệu và thăm các phòng nghiên cứu về lĩnh vực Công nghệ thực phẩm thuộc Trung tâm nghiên cứu xuất sắc và Đổi mới sáng tạo, nơi trang thiết bị được sắp xếp và bố trí theo chuẩn ISO. Với điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất như trên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có thể hợp tác tốt với các đơn vị trong và ngoài nước trong đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ xã hội.
Một số hình ảnh buổi làm việc
Nhóm Nghiên cứu mạnh Bảo quản và Chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật