Tính đến hiện nay, Việt Nam đã có hơn 500 cơ sở đào tạo về trình độ đại học, tương đương mỗi năm sẽ có hàng trăm nghìn tân Cử Nhân, tân Kỹ Sư ra trường, trong đó có ngành Công Nghệ Thực Phẩm. Dành 12 năm đèn sách cộng thêm cả chặng đường đại học ít nhất là 3,5 năm thì sinh viên Việt Nam vẫn đứng trước tình trạng thất nghiệp và mông lung. Trong bài viết này, cùng Foodnk tìm hiểu tại sao sinh viên Công Nghệ Thực Phẩm mông lung về sự nghiệp nhé!
Tổng quan về ngành Công Nghệ Thực Phẩm
Định nghĩa
Công Nghệ Thực Phẩm (Food Technology) là một ngành học liên quan đến quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và quản lý các sản phẩm thực phẩm. Ngành này tập trung vào ứng dụng các kiến thức về khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng, an toàn và giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm thực phẩm.
Ngành Công Nghệ Thực Phẩm bao gồm nhiều lĩnh vực như công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ bảo quản thực phẩm, công nghệ phân tích thực phẩm, công nghệ dinh dưỡng, và quản lý chất lượng thực phẩm.
Sinh viên Công Nghệ Thực Phẩm học được gì?
- Kiến thức chuyên sâu về thực phẩm: Sinh viên học ngành này sẽ được tiếp cận với kiến thức về các quy trình công nghệ sản xuất, phân tích hóa học và vi sinh vật, nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, cùng với các kiến thức về quản lý chất lượng và quy trình sản xuất.
- Kỹ năng thực tế và thích ứng: Trong quá trình học, sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ năng làm việc trong môi trường sản xuất, phân tích và kiểm định thực phẩm, giúp thích ứng nhanh chóng với yêu cầu công việc thực tế.
- Cơ hội nghề nghiệp đa dạng: “Ăn, uống” nằm trong nhu cầu sinh học của con người và là yếu tố tất yếu để con người tồn tại. Chính vì thế, Công Nghệ Thực Phẩm luôn cung cấp nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng.
- Đóng góp vào sức khỏe cộng đồng: Với kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm, người học có thể đóng góp vào sức khỏe cộng đồng. Bằng cách đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các vấn đề liên quan đến thực phẩm.
- Phát triển cá nhân: Học Công Nghệ Thực Phẩm không chỉ giúp sinh viên có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, mà còn giúp phát triển các kỹ năng quản lý dự án, làm việc nhóm, giao tiếp, và giải quyết vấn đề. Người học cũng sẽ trở nên kiên nhẫn, tỉ mỉ và có khả năng phân tích trong công việc.
Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Công Nghệ Thực Phẩm có rộng mở?
Chắc chắn là rộng mở, tất cả các công việc bạn đã và đang làm đều ít nhiều liên quan đến chuỗi cung ứng thực phẩm, và trên phạm vi toàn cầu. VD: Bạn làm ở trang trại ư? Cũng là công việc liên quan đến thực phẩm vì đây là nguồn cung nguyên liệu.
Công Nghệ Thực Phẩm đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày, bên cạnh đó nhu cầu của mỗi người là đa dạng nên ở vị trí này, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn nhiều vị trí phù hợp được liệt kê một số ít sau:
1. Nhân viên kiểm định chất lượng (QA): Chỉ huy, chịu trách nhiệm toàn bộ về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bộ phận QA có trách nhiệm lập kế hoạch chất lượng theo từng đơn hàng, hướng dẫn các phòng ban lập kế hoạch chất lượng cho phòng ban của mình và giám sát bộ phận QC thực thi.
2. Nhân viên kiểm soát chất lượng (QC): Nhận sự phân công công việc từ QA, giám sát, kiểm tra chất lượng và tính số lượng hàng trong ngày theo tình hình lao động thực tế, bố trí người lao động theo kế hoạch sản xuất, báo cáo lao động và sản lượng sản xuất trong ngày. Các kiểm tra được đặt xen kẽ giữa các công đoạn sản xuất và ở khâu thành phẩm để kiểm tra chất lượng của các sản phẩm.
>> Xem thêm: Nhân viên QC, QA thực phẩm sẽ làm gì trong ngành công nghiệp thực phẩm?
3. Nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS): Làm việc dưới sự chỉ đạo từ QC, kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào đầu ra, xử lý sự cố, đảm bảo tuân thủ quy trình và tiêu chuẩn, kiểm soát môi trường làm việc và báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng.
4. Kỹ thuật viên sản xuất: Đảm nhiệm công việc trong quá trình sản xuất thực phẩm. Cài đặt, vận hành và bảo trì các thiết bị và máy móc sản xuất, giám sát quy trình sản xuất và đảm bảo tuân thủ quy trình và tiêu chuẩn sản xuất.
5. Kỹ sư sản xuất (Production engineer): Đảm nhiệm vai trò quản lý quy trình sản xuất và tối ưu hóa hiệu suất. Phân tích, đánh giá và cải tiến các quy trình và hệ thống sản xuất, đảm bảo tăng cường năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
>> Xem thêm: Công việc Sản xuất trong nhà máy Thực phẩm có đủ hấp dẫn sinh viên chuyên ngành?
6. Nhân viên bếp, Đầu bếp: Chuẩn bị, chế biến và nấu các món ăn dựa trên công thức và quy trình. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng và thẩm mỹ của các món ăn.
7. Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D): Tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm các sản phẩm mới. Đảm nhận vai trò trong việc tìm hiểu xu hướng thị trường, phân tích nhu cầu và phát triển các công thức, quy trình và công nghệ mới cho sản phẩm.
8. Chuyên gia dinh dưỡng (Nutritionist): Tư vấn về chế độ dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm và giúp cải thiện sức khỏe qua ăn uống. Tham gia vào việc phân tích và đánh giá giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và đưa ra lời khuyên cho cá nhân hoặc tổ chức.
9. Trình dược viên: Tư vấn và cung cấp thông tin về thuốc và sản phẩm y tế. Giải đáp thắc mắc và hướng dẫn sử dụng thuốc và sản phẩm y tế đúng cách.
10. Nhân viên phòng thí nghiệm (Laboratory staff): Thực hiện các thí nghiệm và phân tích trong phòng thí nghiệm. Ghi nhận dữ liệu, xử lý mẫu và đảm bảo tuân thủ quy trình và tiêu chuẩn phòng thí nghiệm.
>> Xem thêm: Chuyên viên R&D thực phẩm là gì? Sẽ làm gì trong ngành thực phẩm?
11. Giám sát viên sản xuất (Production supervisor): Quản lý và giám sát quá trình sản xuất. Đảm bảo tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, phân công công việc và giám sát hiệu suất lao động.
12. Nhân viên bộ phận thu mua: Đảm nhiệm việc mua sắm và quản lý nguồn cung ứng nguyên liệu và thiết bị cho quá trình sản xuất. Đàm phán, kiểm tra chất lượng và theo dõi giá cả và nguồn cung ứng.
13. Nhân viên vận hành máy: Đảm bảo hoạt động và vận hành các máy móc và thiết bị trong quá trình sản xuất. Thực hiện kiểm tra, bảo trì và sửa chữa máy móc khi cần thiết.
>> Xem thêm: Nhân viên sản xuất là làm công việc cụ thể gì trong Nhà máy sản xuất thực phẩm?
14. Giảng viên đại học: Nếu có hứng thú với việc truyền đạt kiến thức và tham gia vào hoạt động nghiên cứu, bạn có thể theo đuổi sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các tổ chức liên quan với bậc học ít nhất là thạc sĩ.
Ngoài ra bạn còn có thể đảm nhiệm các vị trí có liên quan đến kiến thức chuyên ngành như: Bộ phận kinh doanh, Content Marketing, Trợ lý Kỹ Thuật và Trợ lý Nghiên cứu…
15. Content Marketing: Với kiến thức chuyên sâu về thực phẩm, bạn có thể làm việc trong lĩnh vực Content Marketing. Nhiệm vụ của bạn là tạo nội dung chất lượng về thực phẩm, viết bài blog, viết nội dung truyền thông và quảng cáo để thu hút khách hàng và tăng cường thương hiệu.
16. Bộ phận kinh doanh: Bạn có thể làm việc trong bộ phận kinh doanh của các công ty thực phẩm. Nhiệm vụ của bạn là tìm kiếm và phát triển thị trường, xây dựng mối quan hệ với đối tác và khách hàng, đưa ra các chiến lược tiếp thị và quản lý bán hàng.
>> Xem thêm: Kỹ sư kinh doanh, một việc làm đủ sức hấp dẫn kỹ sư công nghệ thực phẩm?
17. Trợ lý Kỹ Thuật: Bạn có thể đảm nhận vị trí trợ lý kỹ thuật trong các công ty thực phẩm. Nhiệm vụ của bạn là hỗ trợ bộ phận kỹ thuật trong việc nghiên cứu, phát triển và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật.
18. Trợ lý Nghiên cứu: Nếu bạn có đam mê nghiên cứu, bạn có thể làm việc trong vai trò trợ lý nghiên cứu tại các viện nghiên cứu thực phẩm. Nhiệm vụ của bạn là hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu, tham gia vào các dự án nghiên cứu và đảm bảo tuân thủ quy trình và tiêu chuẩn.
19. Du học và tìm kiếm việc làm ở nước ngoài: Đây là định hướng dành cho những bạn có đủ nền tảng về tài chính, ngoại ngữ và muốn thử thách bản thân trên thị trường lao động quốc tế. Hoặc bạn có thể săn học bổng, tìm tài trợ nếu có khả năng. Nhiều bạn trẻ hiện nay đang chọn hướng đi này, và ngành thực phẩm quốc tế chắc chắn là rộng mở hơn rất nhiều so với thị trường trong nước.
Nếu bạn có ý tưởng độc đáo, nắm vững kiến thức chuyên ngành, xây dựng một kế hoạch kinh doanh chi tiết và tìm kiếm nguồn tài chính hợp lý. Sẵn lòng học hỏi, đổi mới và đối mặt với thách thức, bạn có thể khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm theo các hướng:
20. Phát triển sản phẩm: Tìm hiểu nhu cầu thị trường và phát triển các sản phẩm thực phẩm độc đáo, khác biệt và có giá trị cao. Tạo ra những sản phẩm sáng tạo, có lợi ích sức khỏe và đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.
21. Cung cấp dịch vụ chuyên ngành: Xây dựng một công ty cung cấp các dịch vụ chuyên ngành như tư vấn về chất lượng thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, phân tích thực phẩm, và quản lý sản xuất thực phẩm.
22. Kinh doanh trực tuyến: Tận dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử để kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực thực phẩm. Xây dựng một trang web hoặc nền tảng trực tuyến để bán sản phẩm thực phẩm, tư vấn về chế biến và dinh dưỡng, hoặc chia sẻ kiến thức chuyên ngành.
23. Khai thác xu hướng thực phẩm sạch và hữu cơ: Tập trung vào sản xuất và cung cấp các sản phẩm thực phẩm sạch, hữu cơ và tự nhiên. Xây dựng một hệ thống nuôi trồng và sản xuất thực phẩm bền vững, không sử dụng hóa chất độc hại và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao.
24. Xuất khẩu sản phẩm thực phẩm: Nếu bạn có khả năng sản xuất các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, khai thác cơ hội xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.
25. Cung cấp máy móc thiết bị thực phẩm: Ngành Công Nghệ Thực Phẩm cũng dạy cho sinh viên về máy móc, thiết bị thông qua các bộ môn liên quan đến kỹ thuật, thiết kế. Song song với kiến thức đó sinh viên còn được học về quy trình công nghệ nên việc chế tạo máy móc thực phẩm sẽ chất lượng hơn so với những sinh viên chỉ học về điện hay cơ điện.
Những khó khăn nào cần đối diện khi quyết định theo ngành?
Bất cứ ngành nghề nào cũng có khó khăn mà người theo nghề cần phải đối diện, tuy nhiên trong bài viết này, Foodnk xin phép được nêu những khó khăn phổ biến mà sinh viên đang phải đối diện nhé!
Trong quá trình học
Chương trình học của sinh viên khối ngành kỹ thuật nói chung hay ngành Công Nghệ Thực Phẩm nói riêng thì khá là nặng. Ngoài những môn học đại cương trong những năm đầu, sinh viên theo ngành này sẽ học về vi sinh, hóa sinh, hóa lý, vật lý, kỹ thuật thực phẩm, phương pháp nghiên cứu khoa học cơ bản, phương pháp bố trí, thiết kế thí nghiệm, điện và kỹ thuật điện. Ngoài ra, còn cần nắm kiến thức để có thể đọc, vẽ bản vẽ kỹ thuật và thiết kế máy móc bằng phần mềm AutoCAD.
Khi đã đi làm
Nếu may mắn được nhận vào một công ty thì đây là những khó khăn mà bạn có thể sẽ đối diện:
- Yêu cầu phải nắm được kiến thức chuyên môn cao: Để tham gia vào thị trường lao động sinh viên phải nắm vững kiến thức vì đây là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng.
- Sự cạnh tranh trong ngành: Có nhiều sinh viên và chuyên gia trong ngành, đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực để vượt qua đối thủ và nổi bật trong sự cạnh tranh. Cần có sự kiên nhẫn và sẵn sàng học hỏi để nâng cao kỹ năng và đáp ứng yêu cầu của ngành.
- Đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ: Một trong những đặc thù ngành là sự chính xác và tỉ mỉ là yếu tố vô cùng quan trọng. Việc làm việc với các quy trình sản xuất, phân tích thực phẩm và quản lý chất lượng yêu cầu sự tỉ mỉ và cẩn thận. Sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm.
- Yêu cầu về sự đổi mới và tiến bộ: Ngành Công Nghệ Thực Phẩm không ngừng phát triển và thay đổi theo xu hướng mới và tiến bộ trong công nghệ. Người theo ngành cần cập nhật kiến thức và sẵn sàng học hỏi để theo kịp sự phát triển. Chính vì thế, nó đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng thích nghi với các tiến bộ công nghệ và quy trình mới.
- Áp lực công việc: Đặc biệt là trong môi trường sản xuất và kiểm định thực phẩm, áp lực là điều bắt buộc phải đối diện. Thời hạn chặt chẽ, yêu cầu chất lượng cao và sự đảm bảo an toàn thực phẩm có thể tạo ra áp lực công việc đáng kể.
- Giờ làm việc kéo dài và mức lương không như mong đợi: Có rất nhiều vị trí làm việc sau tốt nghiệp, tuy nhiên bài viết này chỉ nói đến các vị trí phổ biến như QA, QC, KCS và RnD. Nếu may mắn làm việc ở vị trí QA hay R&D thì thời lượng giờ làm phổ biến có thể là 8 tiếng/ngày với mức lương trung bình 9.000.000 – 10.000.000 đ/tháng. Còn nếu ở vị trí QC, KCS thì thời gian làm việc có thể lên đến 12 tiếng/ca hoặc thậm chí là hơn thế nhưng mức lương cho sinh viên mới ra trường ở mức trung bình khoảng: 5.000.000 – 8.000.000 đ/tháng.
Tại sao sinh viên Công Nghệ Thực Phẩm mông lung về sự nghiệp?
Thực trạng về vấn đề kinh tế và việc làm tại Việt Nam hiện nay
- Về kinh tế: Sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu xấu đi từ cuối năm 2022, kéo dài sang đầu năm 2023, kết quả tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp xuất suy giảm. Tính đến tháng 3/2023, đã có hơn 60.000 doanh nghiệp đóng cửa.
- Về tỉ lệ thất nghiệp: Doanh nghiệp đóng cửa dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 2/2023 lên đến là 2,3% quy ra hơn 240.000 lao động thiếu việc làm.
Như vậy, qua thống kê trên bất cứ ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng, trong đó có cả ngành Công Nghệ Thực Phẩm. Kinh tế ảnh hưởng nên nhu cầu ăn uống cũng bị hạn chế. Đây cũng là một trong số lý do khiến sinh viên hoang mang.
Tại sao lại mông lung về định hướng sau 4 năm đại học?
Nguyên nhân khách quan
- Cung lao động nhiều hơn so với nhu cầu tuyển dụng: Một trong những khó khăn trong việc tìm kiếm việc là do sự chênh lệch giữa cung và cầu lao động. Số lượng sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực này tăng lên, trong khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp không đủ để tiếp nhận tất cả các sinh viên. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh lớn và khó khăn trong việc tìm được việc làm phù hợp.
- Chưa được tư vấn nghề nghiệp rõ ràng: Thiếu thông tin về thị trường lao động, các ngành nghề phù hợp và yêu cầu công việc khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu nghề nghiệp và lựa chọn hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp.
- Chương trình đào tạo chưa giúp sinh viên tiếp cận được công việc thực tế: Một nguyên nhân khác là chương trình đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công việc thực tế. Thiếu sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thiếu tiếp cận với công việc thực tế và doanh nghiệp khiến sinh viên gặp khó khăn khi bước vào thị trường lao động.
Nguyên nhân chủ quan
- Thiếu kỹ năng mềm khi còn ở ghế nhà trường: Trong quá trình học tập, sinh viên có thể thiếu kỹ năng quản lý thời gian, giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo và giải quyết vấn đề. Thiếu kỹ năng mềm làm giảm khả năng cạnh tranh và thích ứng với môi trường làm việc.
- Hạn chế về Tiếng Anh, không chủ động học ngoại ngữ, tin học: Sự hạn chế về Tiếng Anh và kỹ năng tin học làm giảm cơ hội việc làm. Trong lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm, Tiếng Anh là một kỹ năng quan trọng để giao tiếp với đối tác quốc tế và tiếp cận kiến thức mới. Thiếu kỹ năng tin học cũng giới hạn khả năng sử dụng công nghệ và phần mềm trong công việc.
- Nắm không vững kiến thức trong quá trình học: Sinh viên có thể chưa nắm bắt được những kiến thức cốt lõi trong lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm hoặc không áp dụng được kiến thức vào thực tế công việc. Làm giảm khả năng cạnh tranh và thể hiện năng lực trong quá trình tìm việc.
- Tính tự cao quá mức khi có bằng Giỏi: Một yếu tố chủ quan khác là tính tự cao quá mức khi có bằng Giỏi. Sinh viên có thể tự tin quá mức vào thành tích học tập và coi đó là đủ để đạt được công việc tốt. Tuy nhiên, thị trường lao động cần nhiều hơn chỉ thành tích học tập, đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ làm việc.
- Sự bị động trong quá trình tìm việc: Chờ đợi cơ hội việc làm đến mà không chủ động tìm kiếm, không tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, thực tập hoặc mở rộng mạng lưới quan hệ. Sự bị động giới hạn cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp và phát triển sự nghiệp.
- Luôn than trách và đổ lỗi cho số phận: Tư duy than trách và đổ lỗi cho số phận làm giảm khả năng tự quản lý và chịu trách nhiệm trong việc phát triển sự nghiệp. Thay vì tìm cách cải thiện và vượt qua khó khăn, sự than trách và đổ lỗi khiến bản thân không chủ động tìm kiếm cơ hội và giải quyết vấn đề.
- Thiếu mạng lưới kết nối công việc: Sự thiếu mạng lưới kết nối công việc làm giảm cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp. Cần xây dựng mạng lưới quan hệ với giảng viên, đồng nghiệp, người đi làm trong lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm để có cơ hội tìm kiếm thông tin, hỗ trợ và cơ hội việc làm.
Làm sao để đi đúng hướng và hết mông lung cho sinh viên Công Nghệ Thực Phẩm?
Đối với đối tượng đang dự định học
- Tìm hiểu kỹ càng và chọn lọc thông tin đúng đắn về ngành mình chọn: Trước khi quyết định học ngành Công Nghệ Thực Phẩm, hãy tìm hiểu kỹ về ngành này. Đặt câu hỏi về cấu trúc chương trình học, nội dung môn học, cơ hội nghề nghiệp và yêu cầu công việc. Đảm bảo bạn có thông tin đầy đủ và chính xác để xác định mục tiêu nghề nghiệp và hướng đi phù hợp.
- Tham gia những buổi workshop, webinar định hướng chuyên ngành: Tham gia các buổi workshop, webinar và sự kiện liên quan đến lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm. Đây là cơ hội để bạn tiếp cận kiến thức mới, gặp gỡ và giao lưu với các chuyên gia, người đi làm trong ngành và nhận được lời khuyên, hướng dẫn về hướng đi và phát triển sự nghiệp.
- Tham gia vào cộng đồng chuyên về kiến thức chuyên ngành để tham gia thảo luận và đặt câu hỏi nếu có thắc mắc: Đây là cách tuyệt vời để thảo luận, chia sẻ kiến thức và đặt câu hỏi nếu có thắc mắc. Bạn có thể học hỏi từ những người có kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới quan hệ trong ngành.
- Tìm cho mình một Mentor trong ngành: Tìm kiếm và xin hỏi các chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm trong lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm để trở thành Mentor của bạn. Mentor có thể hỗ trợ và cung cấp lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn bạn trong quá trình học tập và phát triển sự nghiệp.
- Tìm hiểu về những người đã thành công trong lĩnh vực để biết hành trình của họ: Bằng cách này bạn có thể hiểu rõ hơn về hành trình, thách thức và cơ hội trong ngành. Hãy tìm hiểu về những thành công của họ, bài học họ đã học được và cách họ đã xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực này.
Đối với sinh viên đang trong quá trình học
Nếu các bạn đã chọn theo ngành, vừa ra trường thì hy vọng qua bài viết này các bạn có sự rạch ròi hơn cho lựa chọn trước đó của mình. Và sau đây là một số vấn đề bạn cần làm để không gặp tình trạng mông lung như người đã tốt nghiệp:
- Nắm vững kiến thức chuyên ngành và tăng cường tương tác với thầy cô thông qua các buổi định hướng chuyên ngành. Sẵn sàng đặt câu hỏi nếu có thắc mắc và tham gia nghiên cứu thực tế để lấy được nhiều kinh nghiệm. Đây sẽ là điểm nổi bật của bạn so với các ứng viên cùng khóa khi ra trường.
- Tích cực cải thiện GPA, tuy không phải là tất cả nhưng đó là những gì nhà tuyển dụng nhìn nhận và đánh giá bạn khi chưa có kinh nghiệm.
- Tìm kiếm những cuộc thi tài năng về lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm, có thể là người dự thi hoặc người quan sát để thêm kiến thức hiểu biết.
- Nếu bạn có ý định du học sau đại học, hãy chuẩn bị ngay bây giờ vì rất nhiều cơ hội cho lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm với học bổng Toàn phần ở nước ngoài.
- Tìm hiểu về chương trình Talent của các công ty lớn như Netsle, CocaCola, Pepsico… Hầu như năm nào cũng có.
Đối với sinh viên đã ra trường
- Xác định mục tiêu nghề nghiệp: Bạn cần xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp. Hãy đặt ra câu hỏi về những gì bạn muốn đạt được và mong muốn làm trong lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm?
- Nâng cao kỹ năng và trình độ chuyên môn: Biến thách thức thành cơ hội, dành thời gian chưa đi làm để tìm hiểu thêm và ôn lại những kiến thức đã học. Học thêm chứng chỉ đào tạo về chuyên ngành như GMP, ISO, IFS, BRC, FSSC, HACCP…
- Đầu tư thời gian học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để cho mình một cơ hội rộng mở hơn.
- Tìm kiếm kinh nghiệm thực tế: Để tăng cường kinh nghiệm và định hình hướng đi của mình, hãy tìm kiếm cơ hội thực tập, dự án, hoặc làm việc tạm thời trong lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm.
- Tìm kiếm sự tư vấn và hướng dẫn từ các chuyên gia nghề nghiệp hoặc người đã có kinh nghiệm.
- Xây dựng mạng lưới quan hệ bằng cách tham gia vào các hội thảo, sự kiện, nhóm ngành và mạng xã hội chuyên ngành để tạo quan hệ và kết nối với những người có cùng lĩnh vực và sở thích.
- Cuối cùng là chuẩn bị cho mình một CV thật là chỉnh chu và một thái độ sẵn sàng học hỏi mọi thứ.
Kết luận
Thông qua bài viết này, Foodnk mong rằng bạn sẽ tìm được thông tin bổ ích và tìm được hướng đi đúng đắn cho lựa chọn của mình. Ngoài ra, trên trang còn rất nhiều bài viết có thể giải đáp được vấn đề và thắc mắc của bạn về chuyên ngành. Chúc các bạn tự tin, kiên nhẫn và sẵn sàng học hỏi để đạt được thành công trong lĩnh vực Công Nghệ Thực Phẩm nhé!
Phương Thảo - https://www.foodnk.com/