leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm 

Chỉ có một tình yêu

Nom dáng bà vẫn nhanh nhẹn chẳng kém gì mấy cách đây 16 năm, chỉ khác mỗi mái tóc đen đã thay bằng mái tóc mây. Cái ngày 1/6/2008 ấy đã đi vào lịch sử chuyển nhượng bản quyền giống ở Việt Nam. Bởi, sự kiện giống lúa lai hai dòng TH3-3 của bà bán cho Cty TNHH Cường Tân với giá 10 tỉ  đồng như một "quả bom tấn" nổ mà sóng xung kích của nó còn rung chuyển đến mãi về sau.

Ở độ tuổi 81, bà vẫn ngày ngày bắt 3 chặng xe buýt từ nhà riêng ở đầu thành phố tới cuối thành phố để làm việc trên cánh đồng hay phòng thí nghiệm của Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nơi đang lưu giữ tập đoàn hơn 500 mẫu giống lúa phục vụ cho việc đánh giá, lai tạo.

Chồng mất đã 35 năm nay, bà bảo đời mình từ đó chỉ có một tình yêu là cây lúa. Sau sự kiện bán bản quyền giống lúa TH3-3 ấy, bà bán tiếp TH3-4, TH3-5 nên đủ nuôi được cán bộ, xây dựng thêm cơ sở vật chất cho viện. Không khí nghiên cứu khoa học lúc đó bừng bừng chứ không hiu hắt như hiện nay, khi nhiều người trẻ lặng lẽ ra đi vì cơ chế.

Trở lại cái chuyện Đoàn Văn Sáu - Giám đốc Cty TNHH Cường Tân - mua bản quyền giống lúa TH3-3 với giá 10 tỉ đồng năm ấy, bà bảo anh hăng hái quá nên mua hơi… đắt. Về sau, bà phải bán rẻ một giống lai 3 dòng là CT 16 với giá chỉ 500 triệu đồng để anh có thể sản xuất được cả hai vụ xuân, mùa trong vùng dồn điền đổi thửa rộng tới mấy trăm hecta của mình như là một sự khuyến mãi vậy:

“Thời kỳ ấy, sau khi pháp lệnh giống ra đời, các nhà khoa học vẫn ít để ý đến chuyện đăng ký bản quyền. Nhưng năm 2005 cô đã đăng ký cho giống TH3-3, đến năm 2007 thì có bằng bảo hộ rồi. Đầu năm 2008, giống Việt Lai 20 của PGS.TS Nguyễn Văn Hoan chuyển nhượng quyền sản xuất cho Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Hải Phòng với giá 300 triệu đồng thì giữa năm 2008, cô bán bản quyền TH3-3 với giá 10 tỉ đồng”.

Trước đó, trên Báo Nông nghiệp Việt Nam có một số bài về nỗi buồn của lúa lai nội, nói chung là ít có hi vọng gì mà chỉ trông vào nhập khẩu lúa lai từ Trung Quốc. Kỳ họp quốc hội nào, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng phải trả lời về chuyện làm sao để nước ta nâng cao tỷ lệ lúa lai và tự chủ dần về giống lúa lai.

Khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải các bài: “Kỷ lục chuyển nhượng bản quyền giống TH3-3: 10 tỉ đồng” và “Gặp kẻ liều mua bản quyền giống lúa TH3-3 giá 10 tỉ đồng” của tôi và nhiều đài, báo khác tiếp tục đưa tin về sự kiện này thì dư luận đã thực sự chú ý đến hạt lúa bé nhỏ nhưng vô cùng quan trọng với xã hội loài người.

Bà nhớ lại: “Sau đó, người ta đi đăng ký bản quyền giống ồ ạt dưới nhiều hình thức khác nhau. Bản quyền giống cộng với truyền thông đã giúp diện tích lúa lai nội mở rộng ra rất nhanh. Năm 2005, khi cô sản xuất giống TH3-3 vẫn còn phải nhờ đến các học sinh cũ, mà người tích cực nhất là anh Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng sau này. Lúc ấy, anh đang học thạc sĩ và là Giám đốc Công ty Giống cây trồng Hải Phòng, nhưng đã giúp cô đưa giống xuống các huyện, xã thuộc thành phố Hải Phòng và lên các tỉnh miền núi. Thế mà mỗi năm cô cũng chỉ sản xuất được vài chục tấn giống TH3-3.

Học xong thạc sĩ, người ta đề bạt anh lên làm Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng nên phải rời xa ngành giống. Sau đó, cô lại hợp tác với khoảng 10 công ty giống khác, ký hợp đồng cung cấp dòng mẹ cho họ. Diện tích sản xuất giống lúc này đã mở rộng ra khá nhiều.

Bởi thế, cô rất băn khoăn khi anh Đoàn Văn Sáu đặt vấn đề mua bản quyền, nếu thế phải giãn hợp đồng với các công ty giống khác thì ngại quá. Cô sang gặp lãnh đạo của Công ty Giống cây trồng Trung ương để đàm phán, họ bảo: “Nếu cô bán được bản quyền giống với giá cao thì chúng em chấp nhận, còn không thì để cho công ty, chúng em trả cô 2 tỉ đồng”.

Trước đó, cô không hề quen biết anh Đoàn Văn Sáu mà chỉ một buổi thấy ông Trần Văn Cận-người bạn học ở trại giống Nam Định dẫn anh lên hỏi mua bản quyền giống TH-3-3. Cô bảo 10 tỉ đồng anh có mua không, dù chẳng có cơ sở nào để định giá mà chỉ buột miệng ra như thế, mục đích là để anh ấy không mua. Thế mà không ngờ anh Sáu “máu” quá, trả lời rằng: “Chú Cận bảo cô là nhà khoa học chân chính nên cô nói thế nào con trả như thế, với một điều kiện, cô giúp con đào tạo kỹ thuật viên và tìm vùng sản xuất”.

 
leftcenterrightdel
Hơn 80 tuổi nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Trâm vẫn ngày ngày ra đồng 

Tuần sau đã thấy anh lên đặt cọc 900 triệu đồng rồi. Để giúp anh sản xuất giống TH3-3, cô đã cử 5 kỹ sư trẻ vào các tỉnh Bình Định, Quảng Nam hay trong Tây Nguyên tìm đất. Trước đây, việc tổ chức sản xuất hạt lai rất vất vả bởi nông dân miền Bắc ít ruộng, chọn được khu đủ điều kiện cách ly rất khó khăn. Nếu chọn được rồi thì có khi chỉ 10ha cũng phải làm việc với cả trăm hộ dân.

 

Thế mà nhờ có truyền thông trên Báo Nông nghiệp Việt Nam và các báo, đài khác mà người dân cả nước biết đến lợi ích của việc sản xuất hạt lai. Có ông giám đốc HTX ở tỉnh Bình Định còn đăng ký tới 100ha, chấp nhận cấy tay dù nông dân ở đây vốn quen gieo thẳng. Năm đó không ngờ cuối vụ bị rầy nặng do cách ly về thời gian, rầy của cả vùng dồn lại khu ruộng sản xuất hạt lai. Anh Đoàn Văn Sáu phải về quê kéo ra 30 người để phun thuốc BVTV trừ rầy. Còn chuyện khử lẫn nền do nông dân Bình Định tự làm nhưng không đến nơi đến chốn nên hiệu quả của vụ sản xuất đó bị hạn chế”.   

Cũng theo bà Trâm, sau sự kiện “quả bom” chuyển nhượng giống lúa TH 3-3 với giá 10 tỉ đồng “nổ” trong dư luận, nhiều nhà khoa học nông nghiệp nói chung và chọn tạo giống nói riêng không chấp nhận chỉ hưởng lương, sống trong nghèo khổ mà đã nghĩ đến chuyện bán bản quyền. Đi trước một bước, từ năm 1999, Viện Sinh học Nông nghiệp đã không hưởng lương từ ngân sách mà tự nuôi nhau nhờ bán bản quyền giống.

Sau khi bán bản quyền giống lúa TH-3-3, từ một nhà khoa học ít người biết, ở một ngành nghề ít người quan tâm, bà Trâm trở thành nổi tiếng. Cũng qua đó mà hình ảnh nhà chọn tạo giống lúa lai trở thành thỏi nam châm hấp dẫn giới trẻ nghiên cứu khoa học. Ngoài hướng dẫn các sinh viên làm đề tài tốt nghiệp về lúa lai, bà còn hướng dẫn nhiều đề tài thạc sĩ, tiến sĩ về lúa lai. Dù không trực tiếp viết bài nhưng bà đã trả lời vài chục bài phỏng vấn trên các báo, đài cũng về chuyện lúa lai...

 
leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm là biểu tượng về tình yêu khoa học cho giới trẻ. 

Đừng để nông dân tự "bơi" trong "biển mạng"

Theo bà, thời nay, người dân đang "bơi" trong biển thông tin của mạng xã hội - nơi rác thì nhiều mà vàng thì ít do luật chưa được chặt. Truyền thông chính thống bị lép vế, báo chí nhiều khi bị đánh đồng với mạng xã hội. Người dân ít đọc báo, nghe đài, xem ti vi mà chỉ xem trên mạng xã hội, nơi có nhiều thông tin bị phóng đại, thổi phồng lên:

“Mấy đứa cháu ở quê chồng cô tại Nam Định mới đây hỏi: “Bà có biết giống lúa Nhật năng suất cao hơn 3 tạ/sào, cơm ngon lắm vẫn quảng cáo trên mạng không, mua hộ chúng cháu với? Cấy giống Hương Cốm của bà cơm ngon thật nhưng năng suất chỉ được có 2 tạ/sào thôi”.

Cô mới bảo rằng các cháu đừng mua giống trôi nổi như thế dễ bị giả lắm! Thị trường giống giả xuất hiện nhiều mấy năm nay, nhất là sau Covid-19, bùng nổ chuyện livestream bán hàng. Nhìn qua quảng cáo giống VST 899, tôi thấy bọn bán hàng giả đã lấy hình ảnh của giống lúa tốt là TBR 225 để bán hàng của mình.

Thậm chí, một số cơ sở mạ khay, máy cấy trước nhu cầu VST 899 đã đi mua giống giả này về cung cấp cho nông dân. Truyền thông phải hướng nông dân vào các chỉ đạo của cơ quan nông nghiệp chứ không phải là các quảng cáo trên mạng như vậy. Nhà nước phải có chế tài về chuyện này chứ nhà khoa học chỉ biết đưa sản phẩm tử tế ra cho xã hội mà thôi.

 
leftcenterrightdel
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm: "Truyền thông phải hướng nông dân vào các chỉ đạo của cơ quan nông nghiệp" 

Nông dân thường bao biện là mình nhạy cảm với cái mới, thích cái mới nhưng cơ sở của nó là gì thì họ không chịu tìm hiểu đầy đủ . Giờ có nhiều cái mới lắm, một nhà khoa học như cô đã quá già, đôi khi lại cũ nên không thể phê phán họ được. Cô chỉ biết rằng những gì mà người ta chưa làm thử, chưa trình diễn ở gần huyện mình, tỉnh mình, chưa được cơ quan quản lý về nông nghiệp khuyến cáo thì không nên làm. Nếu định khởi nghiệp với cái mới đó thì phải tự mình đi đến tận ngọn nguồn tìm hiểu sau đó mới làm.

Liều lĩnh áp dụng cái mới nên nông dân thường phải lĩnh hậu quả. Nhưng theo cô, trong việc người dân mua phải giống giả rao bán trên mạng hiện nay vấn đề không phải là dân trí thấp mà là cách quản lý Nhà nước đang yếu kém.

Xưa, trước mỗi vụ sản xuất, đôi khi các HTX cũng áp đặt đấy nhưng sự áp đặt ấy là có cơ sở. Bây giờ ông trưởng thôn dựa vào khuyến nông viên có thể trình độ cũng không được khá cho lắm nên việc vận động nông dân bị thiếu cơ sở khoa học. Do vận động thiếu cơ sở, nói lại không hấp dẫn như bọn vẫn quảng cáo giống giả trên mạng nên nông dân không đủ tin mà nghe theo.

"Phải quản lý chặt, không cho quảng cáo giống giả trên mạng cũng như bán giống giả trong thực tế đời sống, đồng thời những người chịu trách nhiệm về giống, thời vụ, phân bón phải có kiến thức nhất định thì mới quản được nông dân trong vùng mình quản lý sản xuất, đạt hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm kết luận.

 

Nguồn: nongnghiep.vn