Tổ chức sinh hoạt Đảng theo chuyên đề là nhiệm vụ quan trọng trong nâng cao ý thức và tinh thần của Đảng viên trong xây dựng đất nước và xây dựng tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh. Chi bộ khoa Tài nguyên và Môi trường, Đảng bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phân công các tổ Đảng chuẩn bị các chuyên đề và tổ chức thành công sinh hoạt các chuyên đề theo từng Quý. Chuyên đề quý 3 năm 2024 với chủ đề Vai trò của vi sinh vật trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và định hướng xây dựng chương trình đào tạo tại một số trường Đại học của Việt Nam được tổ chức tại phòng họp khoa Tài nguyên và Môi trường từ 15.30-17.00 ngày 9/9/2024. Nội dung của chuyên đề tập trung nhấn mạnh Đảng và nhà nước luôn quan tâm đến vai trò của vi sinh vật, công nghệ vi sinh trong các lĩnh vực của cuộc sống. Thay mặt Tổ Đảng Vi sinh vật, đồng chí Nguyễn Thế Bình đã trao đổi các nội dung về cơ sở lý luận, vai trò thực tiễn và định hướng xây dựng chương trình đào tạo.

leftcenterrightdel
 Đ/C Nguyễn Thế Bình trình bày chuyên đề 

Về sơ sở lý luận:

Đảng Cộng sản Việt Nam: những quyết định lịch sử và những bài học kinh nghiệm. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) - đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đã rút ra bốn bài học kinh nghiệm, trong đó bài học số 2 có nêu ra: "Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan". Nghị quyết số: 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo bài học tôn trọng thực tiễn khách quan, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển để đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Chỉ đạo của Chính phủ. Chính phủ cũng nhận thức rõ vai trò to lớn của Khoa học công nghệ và Giáo dục Đại học trong việc phát triển nền kinh tế. Đặc biệt chú trọng đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao xứng tầm với yêu cầu của thời đại, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hướng tới giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.

 

Về vai trò của vi sinh vật và công nghệ vi sinh trong thực tiễn:

Hiện nay và trong tương lai, công nghệ vi sinh vẫn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp (hỗ trợ lưu trữ, sản sinh nước và chất dinh dưỡng; cải thiện, cân bằng môi trường hóa– lý – sinh của đất, nước, phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, nước; tăng cường sức đề kháng của vật nuôi; nâng cao khả năng chống chịu của cây trồng; hạn chế sâu bệnh, tiêu diệt côn trùng; phân hủy, chuyển hóa chất thải, phế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ vi sinh…); công nghệ thực phẩm (sản xuất axit citric, bột ngọt, nước mắm, xì dầu, giấm ăn, thức uống có cồn...); y tế (chế tạo các chất hoạt hóa sinh học, chế phẩm chuẩn đoán, vaccine, probiotic…) và bảo vệ môi trường (xử lý chất thải hữu cơ; phân hủy độc tố; cải tạo đất; phục hồi môi trường; khắc phục sự cố tràn dầu…). Muốn bắt kịp xu thế toàn cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố đóng vai trò nòng cốt. Vì vậy, trong quá trình đào tạo sinh viên đại học không thể thiếu sự quan tâm đặc biệt tới VSV nói chung và ngành công nghệ vi sinh vật nói riêng.

Về định hướng trong xây dựng chương trình đào tạo tại một số trường Đại học của Việt Nam:

Ngành Khoa học môi trường

- Theo Chương trình đào tạo điều chỉnh, ký ngày 18/10/2023 của Trường Đại học Khoa học tự nhiện – Đại học Quốc gia Hà Nội thì Vi sinh vật được dạy với tên môn học là Vi sinh vật môi trường với 3 tín chỉ thuộc học phần bắt buộc với Lý thuyết 30 tiết; thực hành 30 tiết và tự học 30 tiết.

- Theo Chương trình đào tạo áp dụng cho khoá 50 của Trường Đại học Cần Thơ có một số môn học sau: Môn Vi sinh vật môi trường (2 tín chỉ - bắt buộc); Thực tập vi sinh vật học môi trường (2 tín chỉ - bắt buộc); Công nghệ sinh học trong môi trường (2 tín chỉ - bắt buộc).

- Theo Chương trình đào tạo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP. Hồ Chí Minh có môn học Vi sinh vật môi trường (3 tín chỉ - bắt buộc).

Ngành Khoa học đất

- Theo Chương trình đào tạo của Trường Đại học Khoa học tự nhiện – Đại học Quốc gia Hà Nội thì môn Sinh học đất là môn bắt buộc với 4 tín chỉ; Ngoài ra còn đưa thêm 2 môn học liên quan đến Vi sinh vật vào học phần tự chọn định hướng đến chuyên sâu: Kỹ thuật vi sinh phân tử trong đánh giá suy thoái đất (3 tín chỉ) và Vi sinh vật đất ứng dụng (3 tín chỉ).

- Theo Chương trình đào tạo của ngành Khoa học đất – Quản lý đất và công nghệ phân bón của Trường Đại học Cần Thơ dành cho khoá 50 có xuất hiện các môn học sau: Môn Vi sinh vật trong nông nghiệp (2 tín chỉ - bắt buộc); Ứng dụng vi sinh trong xử lý ô nhiễm hữu cơ (2 tín chỉ); Phân hữu cơ vi sinh (2 tín chỉ - bắt buộc).

Đối với một số ngành khác: Nông nghiệp công nghệ cao; Khoa học cây trồng; Bảo vệ thực vật

- Theo Chương trình đào tạo của Đại học nông lâm Huế thì tất cả các ngành trên đều đưa môn Vi sinh vật học trong trồng trọt (2 tín chỉ - bắt buộc) vào để giảng dạy trong chương trình.

- Theo Chương trình đào tạo của Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đưa môn Vi sinh vật nông nghiệp (2 tín chỉ - bắt buộc) vào chương trình đào tạo.

Như vậy xuất phát từ thực tiễn (vai trò của Vi sinh vật và công nghệ vi sinh vật trong cuộc sống) kết hợp với chủ trương đường lối của Đảng, mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ (tôn trọng thực tiễn khách quan, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển) rất nhiều trường Đại học của Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng chương trình đào tạo (có các môn học liên quan đến vi sinh vật) bám sát nhu cầu thực tiễn của xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới phát triển một nền kinh tế xanh và tuần hoàn trong tương lai.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Đồng chí Trần Trọng Phương, Bí thư chi bộ khoa TNMT, Đảng uỷ viên đã chủ trì phần thảo luận. Các Đảng viên đã nhất trí với chủ trương sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của đất nước và quyết tâm quán triệt đầy đủ các nghị quyết của Đảng, phấn đấu vì đất nước Việt Nam giàu đẹp và phồn vinh. Đồng chí cũng đánh giá cao những nội dung được thảo luận rất đúng và trúng trong bối cảnh cải tiến chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.

                                                                                                                                                  Chi bộ khoa Tài nguyên và Môi trường