Trong khuôn khổ Hợp tác quốc tế với Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây (GAAS), sáng ngày 15/7/2024, Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng cùng với Nhóm nghiên cứu mạnh Cây màu đã tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề “Nghiên cứu chọn tạo và kinh nghiệm sản xuất hạt giống ngô lai tại Việt Nam và Quảng Tây”. Buổi seminar có sự tham gia của các thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Cây màu; TS. Chu Anh Tiệp – Bộ môn Canh tác- Khoa Nông Học và 7 chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Ngô (GAAS). Mục tiêu của buổi thảo luận nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống và sản xuất hạt giống ngô tại hai đơn vị.
|
|
Hình ảnh 1 Hoạt động seminar của nhóm Nghiên cứu mạnh Cây màu, Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Ngô, Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây |
Trong chuyên đề “Kết quả nghiên cứu chọn tạo giống ngô tại Việt Nam” Tiến sĩ Phạm Quang Tuân đã trình bày tổng quan tình hình sản xuất ngô thương phẩm ở Việt Nam trong 5 năm gần đây. Sản xuất ngô thương phẩm có xu hướng giảm dần về diện tích và sản lượng nhưng năng suất ngô hạt bình quân của cả nước lại tăng lên. Đó là kết quả của việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là các giống ngô mới. Tại Việt Nam, bộ giống ngô mới phục vụ sản xuất ngày càng phong phú đa dạng và chất lượng cao, nổi bật là nhóm giống ngô chuyển gen kháng sâu, thuốc trừ cỏ, nhóm ngô sinh khối chuyên biệt năng suất cao và nhóm giống ngô thực phẩm chất lượng phục vụ ăn tươi được chọn tạo trong nước và nhập nội. Qua bài trình bày, TS. Tuân đã giới thiệu các thành tựu chọn tạo giống ngô lai tại Việt Nam nói chung và tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng nói riêng. Nhóm nghiên cứu mạnh Cây màu bước đầu đạt một số kết quả về chọn tạo giống với 6 giống ngô lai đơn đã được công nhận lưu hành và bảo hộ giống. Đồng thời có nhiều giống ngô thực phẩm chất lượng ăn tươi ngon đang được nhóm hoàn thiện công tác khảo nghiệm, công nhận lưu hành trong thời gian tới. Hai nhóm nghiên cứu Ngô của hai đơn vị cùng cam kết trao đổi và hỗ trợ nhau trong công tác thử nghiệm, khảo nghiệm giống ngô mới.
|
|
Hình ảnh 2 Tiến sĩ Phạm Quang Tuân trình bày và thảo luận chuyên đề 1 tại buổi seminar |
Chuyên đề thảo luận tiếp theo là “Hiện trạng sản xuất hạt giống ngô lai tại Việt Nam” do ThS. Vũ Thị Bích Hạnh trình bày. Nội dung chuyên đề bao gồm: 1) Nhu cầu sử dụng hạt giống ngô lai trong sản xuất ngô thương phẩm tại Việt Nam; 2) Các quy định pháp lý trong sản xuất hạt giống ngô; 3) Các kỹ thuật sản xuất hạt giống ngô lai quy ước đang được áp dụng ; 4) Vùng sản xuất ngô lai: Những thuận lợi và khó khăn; 5) Sản xuất ngô lai tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng; 6) Những đề xuất trong hợp tác nghiên cứu sản xuất hạt giống ngô lai với Viện Nghiên cứu ngô (Quảng Tây). Các chuyên gia đã thảo luận về hệ thống sản xuất, kiểm định kiểm nghiệm trong quy trình sản xuất hạt giống ngô lai tại Việt Nam và Trung Quốc; đặc biệt là các quy định kiểm soát chất lượng hạt dòng bố, mẹ trước khi cung cấp cho sản xuất hạt F1.
|
|
Hình ảnh 3 ThS. Vũ Thị Bích Hạnh trình bày và thảo luận với đại biểu về chuyên đề 2 |
TS. Huang Kaijian, chuyên gia Di truyền chọn giống ngô của Viện Nghiên cứu ngô thuộc GAAS trình bày chuyên đề “Maize Production, Research and Seed Industry in Guangxi, China”. Theo TS. Huang, diện tích, sản lượng ngô tại Quảng Tây lần lượt chiếm 15% và 11-12% tổng diện tích và sản lượng ngô Trung Quốc. Hàng năm, diện tích trồng ngô tại Quảng Tây dao động từ 530-600 nghìn hecta, sản lượng tương ứng đạt 2.700 tấn. Năng suất ngô hạt trung bình đạt 4,5 tấn/ha. Diện tích ngô thức ăn chăn nuôi chiếm 90% và ngô làm lương thực thực phẩm chiếm 10%. Ông cho rằng khí hậu ở Quảng Tây có nhiều điểm tương đồng với miền Bắc Việt Nam, chịu tác động của biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. TS. Huang giới thiệu về chương trình chọn tạo giống ngô theo định hướng chọn giống chống chịu điều kiện bất thuận (hạn, đất nghèo dinh dưỡng, ngập úng); chống chịu sâu (đục thân, sâu keo, sâu xanh); chống chịu bệnh khô vằn, gỉ sắt, than đen…. Viện Nghiên cứu ngô, GAAS có rất nhiều bộ môn như Nguồn gen, Sinh lý thực vật, Công nghệ sinh học, Di truyền chọn giống (ngô chăn nuôi, ngô ăn tươi, ngô thực phẩm)…tham gia vào chương trình chọn tạo giống ngô ôn đới và nhiệt đới. Cũng như tại Việt Nam, công tác chọn tạo được thực hiện bởi Viện nghiên cứu, Đại học kỹ thuật Nông nghiệp; còn công đoạn sản xuất thương mại và phân phối được thực hiện bởi các công ty tư nhân. Tại Quảng Tây, các giống ngô chuyển gen cũng được nghiên cứu chọn tạo và ứng dụng vào sản xuất.
|
|
Hình ảnh 4 Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu ngô, Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây, Trung Quốc trình bày hai chuyên đề tại buổi seminar |
Kết quả chọn tạo các giống ngô thực phẩm ăn tươi tại Quảng Tây được trình bày bởi ông Zhai Ruining với các nội dung như sau: 1) Thực trạng phát triển ngành ngô thực phẩm ăn tươi ở Quảng Tây; 2) Lợi thế phát triển của ngành ngô thực phẩm ăn tươi ở Quảng Tây; 3) Những vấn đề tồn tại trong phát triển ngành ngô thực phẩm ăn tươi ở Quảng Tây; 4) Giới thiệu giống ngô thực phẩm của Viện nghiên cứu ngô Quảng Tây. Quảng Tây là khu vực có lịch sử trồng và sử dụng ngô nếp lâu đời, giàu nguồn giống ngô nếp địa phương. Đây cũng là nơi đầu tiên ở Trung Quốc phát triển chọn tạo giống ngô ngọt và cho ra đời trên 20 giống ngô ngọt. Ngô ngọt và ngô nếp là cây có chu kỳ sản xuất ngắn, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng hương vị độc đáo. Ngô ngọt và ngô nếp là loại cây trồng đặc trưng của Quảng Tây, được người trồng và người tiêu thụ ưa chuộng. Năm 2023, Quảng Tây có từ 1,2-1,5 triệu mẫu Anh trồng ngô nếp và ngô ngọt, mỗi loại chiếm 50% diện tích nói trên, tập trung tại các huyện Hưng An, Pingguo, Thành Thành, Liễu Châu và Lai Tân. Tương tự như Việt Nam, sản xuất ngô thực phẩm ăn tươi ở Quảng Châu có xu hướng tăng trưởng với các thuận lợi về khí hậu và nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn. Ngoài ăn tươi, ngô thực phẩm được chế biến đóng gói hút chân không, làm sinh tố, sữa ngô. Và các tác động của biến đổi khí hậu cũng đang là trở ngại lớn đối với ngành trồng ngô ở Quảng Tây. Bên cạnh đó, năng lực chế biến của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, sản xuất quy mô nhỏ, không tập trung. Công tác bảo quản chế biến thiếu đồng bộ. Hiện nay, Viện Nghiên cứu ngô có trên 20 sản phẩm giống nổi bật, được công nhận lưu hành trong vùng và trong tỉnh.
Những thảo luận nổi bật tại buổi seminar tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm khắc phục khó khăn, hạn chế trong nghiên cứu chọn tạo giống và sản xuất hạt lai của chuyên gia Việt Nam, Trung Quốc. Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây và Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng đều mong muốn thảo luận chi tiết hơn về việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật ngắn hạn, thăm quan, học tập các mô hình chọn giống, sản xuất hạt giống, chế biến ngô thực phẩm tại Trung Quốc trong thời gian tới./.
Vũ Thị Bích Hạnh – Nhóm Nghiên cứu mạnh Cây màu