Ngày 13/05/2024, Khoa Chăn nuôi đã tổ chức seminar khoa học tháng 5 với các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: Hệ thống đánh giá chất lượng thịt bò và thịt lợn ở Hàn Quốc, do TS. Hán Quang Hạnh - Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa trình bày.

Chuyên đề 2: Đánh giá chất lượng thịt, trứng gà và hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Hàn Quốc, do ThS. Trần Bích Phương  - Bộ môn Sinh học động vật trình bày.

Tham dự seminar có cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Chăn nuôi.

TS. Hán Quang Hạnh trình bày tại seminar 

Mở đầu chương trình seminar là bài trình bày của TS. Hán Quang Hạnh với tiêu đề: “Hệ thống đánh giá chất lượng thịt bò và thịt lợn ở Hàn Quốc”. Hệ thống đánh giá chất lượng thịt đã được triển khai ở Hàn Quốc từ năm 1989 và thử nghiệm đối với thịt bò từ năm 1992, đến nay việc phân cấp thịt là bắt buộc đối với thịt bò và thịt lợn. Trước tiên, thịt bò được kiểm tra an toàn thực phẩm, nếu đạt mới đưa vào phân cấp chất lượng. Thịt bò được đánh giá dựa vào năng suất thân thịt (hạng A, B, C) và chất lượng thịt (1++, 1+, 1, 2, 3) tạo thành 15 cấp. Thịt lợn được đánh giá sơ bộ ban đầu (độ dày mỡ lưng và khối lượng thân thịt) và đánh giá chi tiết (chất lượng cảm quan thịt) tạo thành 3 cấp (1+, 1, 2). Việc đánh giá chất lượng và phân cấp thịt đã giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội địa, cải tiến năng suất chăn nuôi và chất lượng sản phẩm.

ThS. Trần Bích Phương trình bày seminar 

Tiếp nối chương trình là bài trình bày của ThS. Trần Bích Phương với tiêu đề “Đánh giá chất lượng thịt, trứng gà và hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Hàn Quốc”.  Theo cô chia sẻ, từ năm 1989, Hàn Quốc đã áp dụng thực hiện hệ thống đánh giá MAFRA (MAFRA là chứng nhận hữu cơ do Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc ban hành), và từ đó đến nay Hàn Quốc đã hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng trứng, thịt gà và thịt vịt. Thịt gà và thịt vịt đánh giá bằng các chỉ tiêu: Ngoại hình, tình trạng vỗ béo, độ bám dính của mỡ, độ sạch sau khi làm lông, độ tươi, vết thương, màu sắc da, tình trạng xương,… Trứng được đánh giá qua ngoại hình, Soi trứng (Vỏ trứng, Kích thước buồng khí), Độ tươi. Ngoài ra, Hàn Quốc còn có hệ thống truy xuất nguồn gốc thịt gà thịt vịt, người tiêu dùng chỉ cần điện thoại thông minh, quét mã số trên bao bì là có thể kiểm tra được miếng thịt sản xuất ở đâu.

Rất mong Việt Nam sớm có hệ thống phân cấp chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong nước so với sản phẩm nhập khẩu.

 

Khoa Chăn nuôi.