Ngày 16 tháng 10 năm 2023, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công seminar khoa học tháng 10 với các chuyên đề sau:
Chuyên đề 1: “Phương pháp tiếp cận Nền tảng sinh thái nông nghiệp đa bên (AMSP)” cho phát triển chuỗi lúa gạo bền vững” do PGS. TS. Trần Thị Định – bộ môn Công nghệ chế biến trình bày.
Chuyên đề 2: Xu hướng tiêu dùng thực phẩm và nhận thức về an toàn thực phẩm của người Việt Nam” - do TS. Nguyễn Thị Hoàng Lan - Bộ môn Thực phẩm dinh dưỡng trình bày.
Chuyên đề 3: “Doanh nghiệp sản xuất nông sản quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ nông dân - Thực trạng và giải pháp hỗ trợ” do TS. Vũ Thị Kim Oanh - bộ môn Công nghệ sau thu hoạch trình bày.
Tham dự Seminar có cán bộ, giảng viên và sinh viên trong khoa Công nghệ thực phẩm.
|
|
PGS. TS. Trần Thị Định - bộ môn Công nghệ chế biến |
Mở đầu chương trình seminar, PGS.TS. Trần Thị Định đã chia sẻ chủ đề: ““Phương pháp tiếp cận Nền tảng sinh thái nông nghiệp đa bên (AMSP)” cho phát triển chuỗi lúa gạo bền vững”. Trong bài tham luận, PGS. Trần Thị Định đã cung cấp các thông tin tổng quan về hệ thống thực phẩm bền vững gồm (i) các yếu tố liên quan đến môi trường, điều kiện tự nhiên, đổi mới công nghệ và hạ tầng, kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội, và nhân khẩu học, (ii) vận hành của chuỗi cung ứng thực phẩm xuyên suốt từ sản xuất (“đồng ruộng”) đến tiêu thụ (“bàn ăn”), và (iii) tác động của những hoạt động này đến thực phẩm, môi trường, và kinh tế-xã hội. Hệ thống thực phẩm bền vững phải đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, và chế độ ăn lành mạnh cho tất cả mọi người và thế hệ tương lai, cải thiện phúc lợi kinh tế-xã hội, và hạn chế gây tác động xấu tới môi trường.
Tiếp theo tác giả trình bày về thực trạng chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam, những thành tựu đạt được và những khó khăn, thách thức mà chuỗi lúa gạo đang đối mặt, từ đó đề xuất các nhóm giải pháp để phát triển chuỗi theo hướng bền vững, có trách nhiệm, minh bạch và có khả năng phục hồi. Trong số các giải pháp, Nền tảng sinh thái nông nghiệp đa bên (Agroecological Multistakeholder Platforms - AMSP) là phương pháp tiếp cận hiện được sử dụng phổ biến hiện nay. Ở Việt Nam tồn tại 3 loại hình AMSP: (i) AMSP được dẫn dắt bởi tổ chức phát triển, (ii) AMSP được dẫn dắt bởi tổ chức xã hội nghề nghiệp, (iii) AMSP được dẫn dắt bởi chính phủ. Đặc tính của mỗi tổ chức này như lĩnh vực ưu tiên, mục tiêu, hoạt động, các bên liên quan, tác động liên quan đến việc ban hành chính sách và thực thi chính sách về sinh thái nông nghiệp được làm rõ. Cuối cùng, những khuyến nghị được đưa ra để tăng cường hoạt động AMSP trong chuyển đổi sinh thái nông nghiệp.
Tham dự seminar có cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa Công nghệ thực phẩm. Bài tham luận đã mang tới cho người nghe bức tranh tổng quát với nhiều kiến thức mới, hữu ích về hệ thống thực phẩn và phát triển chuỗi lúa gạo bền vững. Kết quả của nghiên cứu không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy, học tập mà còn trong nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, và sinh viên trong cùng lĩnh vực.
|
|
TS. Nguyễn Thị Hoàng Lan - Bộ môn Thực phẩm dinh dưỡng. |
Chương trình Seminar được tiếp nối với bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Hoàng Lan - Bộ môn Thực phẩm và Dinh dưỡng với chủ đề “Xu hướng tiêu dùng thực phẩm và nhận thức về an toàn thực phẩm của người Việt Nam”. Về tiêu thụ thực phẩm, tiêu thụ rau quả đã tăng nhưng chỉ đạt khoảng 70% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành. Tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ rau quả là 22%. Tỷ lệ tiêu thụ thịt tăng nhanh đặc biệt ở khu vực thành thị, mức tiêu thụ bình quân là 155,3 gam/người/ngày. Tiêu thụ bình quân đầu người về gạo giảm, các thực phẩm sinh năng lượng khác tăng, nên mức bình quân năng lượng đầu người không thay đổi nhiều. Năng lượng trung bình trong khẩu phần đạt 2023 kcal/người /ngày. Cơ cấu năng lượng tính chung toàn quốc nằm trong mức khuyến nghị hợp lý cho người Việt Nam. Tỷ lệ người dân có hiểu biết và thực hành đúng về an toàn thực phẩm tăng lên rõ rệt. Về xử lý ngộ độc thực phẩm 78% số người lựa chọn đưa người bệnh đến cơ sở y tế điều trị so với 44,9% năm 2010; tỷ lệ người dân được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống về an toàn thực phẩm tăng gấp 2 lần so với năm 2010.
|
|
TS. Vũ Thị Kim Oanh - bộ môn Công nghệ sau thu hoạch |
Kết thúc chương trình seminar khoa học là bài trình bày của TS. Vũ Thị Kim Oanh với chủ đề: “Doanh nghiệp sản xuất nông sản quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ nông dân - Thực trạng và giải pháp hỗ trợ”. Hiện nay ở nước ta có trên 95% cơ sở bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản là thuộc quy mô vừa và nhỏ và quy mô hộ nông dân. Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé về mặt vốn, lao động hoặc doanh thu. Trong những năm qua, các DNNVV đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của nước nhà (đóng góp khoảng 40% GDP và 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, 15% tổng thu ngân sách … Ngoài ra, những doanh nghiệp này đã góp phần giải quyết hơn 60% lao động phi nông nghiệp trong cả nước). Tuy nhiên thực trạng hoạt động của khối doanh nghiệp này còn gặp phải không ít các khó khăn, thách thức: trong đó điển hình là khó khăn trong tổ chức sản xuất nguyên liệu đảm bảo chất lượng và đồng bộ với số lượng lớn; thiếu vốn; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; thiếu nhân lực chất lượng cao,… do vậy cần có các cơ chế chính sách và giải pháp phù hợp về quy hoạch vùng nguyên liệu, chính sách tín dụng, chỉnh sách liên kết, đào tạo nguồn nhân lực,… để hỗ trợ các DNNVV trong giai đoạn hiện nay nhằm khắc phục những khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển.
Các kết quả của nghiên cứu được trình bày trong chương trình Seminar không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực giảng dạy, học tập mà còn trong nghiên cứu khoa học cho giảng viên, nghiên cứu viên, và sinh viên trong lĩnh vực thực phẩm.
---- Đỗ Thị Hồng Hải - Trợ lý Khoa học tổng hợp ----