Ngày 28/11/2022 Nhóm Nghiên cứu mạnh Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản – Khoa Thủy sản tổ chức buổi seminar khoa học với chủ đề Kỹ thuật sản xuất giống một số loài cá nuôi nước ngọt.
Buổi seminar được tổ chức với sự có mặt của Ban chủ nhiệm Khoa Thủy sản, các thành viên nhóm nghiên cứu mạnh, các bạn sinh viên khóa 64-65 NTTS.
Mở đầu buổi seminar. ThS Nguyễn Công Thiết trình bày bài “Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá Tầm”. Cá tầm là một đối tượng thủy sản có giá trị rất cao, nhất là trứng cá tầm (caviar) rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Tại Việt Nam, cá tầm được đưa vào nuôi từ năm 2005 với những nỗ lực nhằm khai thác nguồn lợi thủy sản nước lạnh tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên đã thu được những kết quả ban đầu.
Hiện nay, cá tầm đã được nhiều địa phương coi là một trong những đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, góp phần vào khai thác tối đa nguồn lợi nước lạnh tại các khu vực phù hợp. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm vừa qua tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức (FAO, 2012).
Bên cạnh phát triển nuôi thương phẩm, việc sản xuất giống các đối tượng cá tầm cũng đã bước đầu được triển khai với một số kết quả khả quan. Seminar giới thiệu về hiện trạng và những điểm cần lưu ý đối với hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tầm tại Việt Nam.
Liên quan đến đối tượng cá tầm. PGS.TS Trần Thị Nắng Thu trình bày bài seminar “Đặc điểm thức ăn cho cá nước lạnh – Cá Tầm” nêu ra các đặc điểm dinh dưỡng cơ bản của cá Tầm, đặc tính ăn và các loại thức ăn, thành phần dinh dưỡng cơ bản của các loại thức ăn dùng cho cá Tầm. Bài trình bày là cơ sở khoa học cho việc ương nuôi cá tầm hiện nay.
Một đối tượng cá nước ngọt cũng được quan tâm hiện nay là cá Lóc Channa argus được ThS Lê Thị Hoàng Hằng nêu ra trong bài trình bày “Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá Lóc Channa argus”.
Bài trình bày là kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài T2017-02-09 về thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá lóc tại Học Viện Nông nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu bao gồm 3 thí nghiệm: Thí nghiệm 1 (đối chứng) thử nghiệm sinh sản tự nhiên - không tiêm kích dục tố; thí nghiệm 2 và 3 thử nghiệm sinh sản nhân tạo sử dụng kích dục tố LRHa+DOM và não thùy thể kết hợp HCG. Kết quả cho thấy thí nghiệm 3 đạt kết quả cao nhất: tỷ lệ cá đẻ: 100%, tỷ lệ thụ tinh: 65%, tỷ lệ nở: 72%. Thí nghiệm 2 cho tỷ lệ cá đẻ: 100%, tỷ lệ thụ tinh: 60%, tỷ lệ nở: 54%. Thí nghiệm 1 cho tỷ lệ cá đẻ: 66,7%, tỷ lệ thụ tinh: 65%, tỷ lệ nở: 70%. Sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím rất khả thi và mở ra triển vọng triển vọng phát triển nghề nuôi cá lóc nói riêng và nuôi thủy đặc sản tại miền bắc Việt Nam. Cá lóc bột ương ở mật độ 4 con/lít có tốc tộ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn cá ương ở các mật độ 6 con/lít và 8 con/lít. Trong quá trình ương, tỉ lệ sống của cá bột đến cá hương tương đối cao, dao động từ 63% đến 71,18%.
Nhóm NCM