Ngày 21 tháng 11 năm 2022 bộ môn Quy hoạch đất đai, Khoa Tài nguyên và Môi trường, nhóm NCM Quy hoạch không gian lãnh thổ sử dụng đất và môi trường, đã tổ chức Seminar khoa học ”đổi mới chính sách đất đai trong nông nghiệp để phát triển sinh kế bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế và số hóa” do PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày. Tham dự Seminar gồm các thành viên của nhóm NCM cùng các thầy giáo, cô giáo và sinh viên trong khoa Tài nguyên và Môi trường.
Trong phần mở đầu tác giả đã trình bày khái niệm về đất đai, vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế xã hội; chính sách đất đai và sự cần thiết phải đổi mới chính sách đất đai trong nông nghiệp.
Phần nội dung, 03 vấn đề được thảo luận gồm
1. Cơ sở khoa học của đổi mới chính sách đất đai trong nông nghiệp đảm bảo sinh kế bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế và số hóa. Trong phần này khái niệm đất đai được nhìn nhận một cách tổng hợp, toàn diện: đó là một thực thể mang ý nghĩa chính trị, thể hiện chủ quyền; là tài nguyên; là tư liệu sản xuất, là nguồn sinh kế quan trọng; là tài sản, là nguồn lực để phát triển; là của cải chính; là không gian sống bao gồm đầy đủ cả ba chiều về thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai; là một tài sản văn hóa đối với mỗi cá nhân và cộng đồng. Tác giả cũng đã làm rõ khái niệm và xu thế tất yếu của hội nhập kinh tế và số hóa đồng thời khẳng định Quản lý đất đai là một lĩnh vực luôn phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống KTXH. Do vậy việc đổi mới chính sách đất đai trong nông nghiệp theo hướng hội nhập và số hóa để đảm bảo sinh kế bền vững là hết sức cần thiết.
2. Sinh kế bền vững và vai trò của nguồn lực đất đai trong đảm bảo sinh kế bền vững. Trong phần này tác giả đã trình bày khái niệm sinh kế là bao gồm năng lực, tài sản và các hoạt động kiếm sống. Sinh kế bền vững là một sinh kế có thể đối phó và phục hồi trước những sức ép và cú sốc, duy trì hoặc nâng cao năng lực, tài sản và cung cấp các cơ hội kiếm sống bền vững cho thế hệ tiếp theo, đóng góp lợi ích vào sinh kế của những người khác tại địa phương và trên toàn cầu trong ngắn và dài hạn. Đồng thời đã chỉ rõ mục tiêu sinh kế hướng đến việc xác định cách mà các nguồn vốn tự nhiên được tạo ra và sử dụng; quyền đất đai là cơ sở để người nông dân tiếp cận các loại tài sản khác hay các sinh kế thay thế. Do vậy đảm bảo an ninh đối với tiếp cận đất đai là một mục tiêu sinh kế và giúp con người đạt được các mục tiêu khác như bình đẳng giới và sử dụng bền vững các nguồn lực.
3. Một số ý kiến trao đổi và đề xuất giải pháp đổi mới chính sách đất đai trong nông nghiệp để phát triển sinh kế bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế và số hóa
Trong phần này tác giả đã nêu ra thực tế tồn tại và giải pháp liên quan đến liên quan đến đổi mới chính sách pháp luật về đất đai, đó là các vấn đề về khái niệm đất nông nghiệp (theo điều 10, Luật Đất đai 2013) thiếu một số loại đất phục vụ, hỗ trợ cho sử dụng đất nông nghiệp; việc phân loại đất nông nghiệp theo mục đích sử dụng chưa thống nhất giữa các Luật; chưa có bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác nhau. Về thực hiện quyền sử dụng đất nông nghiệp trong tích tụ, tập trung ruộng đất. Về tài chính đối với đất nông nghiệp; về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp và quy định trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Thực trạng tồn tại và giải pháp liên quan đến quá trình thực hiện chính sách đất nông nghiệp, đó là các vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ nông dân; tình trạng chuyển nhượng lại đất được giao hoặc bỏ hoang đất do không có khả năng sử dụng hiệu quả; cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn hạn chế. Việc cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động sử dụng đất nông nghiệp chưa được thực hiện đầy đủ và thường xuyên. Quỹ đất nông nghiệp trước đây giao cho các nông lâm trường hiện nay chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả.
Thực trạng tồn tại và giải pháp thay đổi phương thức quản lý về đất đai phù hợp với hội nhập kinh tế và số hóa, đó là việc giám sát sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả. Chưa có cơ sở dữ liệu đất đai tổng thể đến từng lô đất nông nghiệp; chưa có thông tin đầy đủ về sản xuất nông nghiệp của các nước. Quản lý chất lượng đất chủ yếu theo mục đích sử dụng đất.
Phần kết luận đã khẳng định việc đổi mới chính sách đất đai trong nông nghiệp đảm bảo sinh kế bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế, số hóa là rất cần thiết và cần tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp: đổi mới chính sách pháp luật về đất đai; thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; thay đổi phương thức quản lý về đất đai.
Sau phần trình bày của tác giả, các thầy/cô tham dự buổi seminar đã có những trao đổi liên quan đến các chủ đề được đề cập như cần làm rõ nội hàm khái niệm đất nông nghiệp và bổ sung một số loại đất hỗ trợ sử dụng đất nông nghiệp; bổ sung phân loại đất nông nghiệp theo chức năng; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác nhau và theo các chức năng khác nhau của đất nông nghiệp; hoàn thiện chính sách đất đai trong nông nghiệp theo hướng khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận đất đai của người dân; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tổng thể . .. Nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn đối với ngành Quản lý đất đai trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.