Seminar khoa học định kì của Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi
Cập nhật lúc 15:58, Thứ hai, 18/12/2023 (GMT+7)
Ngày 18/12/2023, Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi đã tổ chức buổi seminar khoa học định kì. Tham dự buổi seminar có sự tham gia của các Thầy Cô trong nhóm nghiên cứu mạnh và sinh viên Khoa Chăn nuôi.
Ngày 18/12/2023, Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi đã tổ chức buổi seminar khoa học định kì. Tham dự buổi seminar có sự tham gia của các Thầy Cô trong nhóm nghiên cứu mạnh và sinh viên Khoa Chăn nuôi.
|
Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của PGS.TS Nguyễn Bá Mùi về chủ đề: "“Khả năng sản xuất của cừu Phan Rang và con lai F1 (Dorper x Phan Rang) tại Ninh Thuận”. Bài trình bày nêu rõ: Cừu là vật nuôi thích hợp nhất tại Ninh Thuận, do có khả năng chịu kham khổ tốt với khí hậu khô, nóng và có thể được chăn thả trên địa hình đồi núi và đồi gò bán sơn địa.Trong cơ cấu giống cừu Việt Nam hiện nay, giống cừu Phan Rang bản địa chiếm tỷ lệ lớn nhất (ước tính trên 95%) nhưng công tác giống cừu chưa được chú trọng dẫn đến nhiều đàn cừu do giao phối cận huyết trong thời gian dài dẫn tới mức độ đồng huyết cao, dẫn tới suy thoái chất lượng giống, giảm khả năng sinh sản, khối lượng nhỏ hơn so với trước đây. Để hạn chế đồng huyết, làm gia tăng sức sống cũng như năng suất của đàn cừu Phan Rang, đề tài đã tiến hành lai tạo cừu Phan Rang với cừu ngoại Dopper để cải tạo đàn cừu địa phương và tạo ra con lai có sức sản xuất cao hơn. Kết quả cho thấy cừu lai F1 Dorper x Phan Rang có tốc độ sinh trưởng cao hơn 12-20 %, tỷ lệ thịt xẻ và thịt tinh và hàm lượng lipit rong thịt cao hơn so với cừu Phan Rang. Như vậy, sử dụng cừu cái Phan Rang làm nái nền cho phối với cừu đực Dopper để năng cao khả năng sinh trưởng và cho thịt của con lai.
|
Tiếp theo, PGS.TS. Phan Xuân Hảo đã trình bày bài seminar với chủ đề: “Khả năng sinh trưởng, năng suất sinh sản của lợn PS1 và PS2 nuôi tại Ninh Bình”. Đây là 2 tổ hợp lai tại ra từ lợn ông bà LVN (Landrace Pháp x Landrace Mỹ và YVN (Yorkshire Pháp x Yorkshire Mỹ). Kết quả cho thấy PS1 và PS2 đều sinh trưởng tốt, trong đó PS2 cao hơn PS1. Năng suất sinh sản của lợn nái PS1 và PS2 đều đạt năng suất tốt. Như vậy cần tiếp tục nghiên cứu và chuyển giao hai tổ hợp lợn nái bố mẹ PS1 và PS2 vào sản xuất.
Sau bài chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Bá Mùi và PGS.TS Phan Xuân Hảo, các thầy cô trong nhóm nghiên cứu mạnh Giống và công nghệ chăn nuôi đã trao đổi sôi nổi và đưa ra nhiều thảo luận về khả năng phát triển của các giống cừu và giống lợn cũng như hiệu quả của các phép lai tạo con thương phẩm trong thực tiễn sản xuất.
Nhóm NCM Giống và Công nghệ chăn nuôi