Ngày 27 tháng 02 năm 2023 Bộ môn Quy hoạch đất đai, Khoa Tài nguyên và Môi trường, nhóm NCM Quy hoạch không gian lãnh thổ sử dụng đất và môi trường, đã tổ chức Seminar khoa học ” Đánh giá tác động, sự phù hợp thực tiễn của quy định trong Luật Đất đai về Phân loại đất liên quan đến chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật đất đai (sửa đổi)” do PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày. Tham dự Seminar gồm các thành viên của nhóm NCM cùng các thầy giáo, cô giáo và sinh viên trong khoa Tài nguyên và Môi trường.
|
|
PGS.TS. ĐỗThị Tám trình bày báo cáo tại hội thảo |
|
|
|
Các thầy, cô và các sinh viên trao đổi trong buổi hội thảo |
|
Trong phần mở đầu tác giả đã trình bày khái niệm về đất đai; chính sách đất đai và vai trò của đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Phần nội dung, 03 vấn đề được thảo luận gồm
1. Cơ sở chính trị, khoa học, thực tiễn và căn cứ pháp lý liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Trong phần này tác giả đã nêu khái niệm Chính sách đất đai là tổng thể quan điểm, chủ trương, đường lối, phương pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để tác động vào lĩnh vực đất đai nhằm thực hiện các mục tiêu mà Nhà nước mong muốn (Trần Thị Minh Châu, 2007). Đó là các phương thức hành động, bao gồm cả Hiến pháp, Luật, văn bản dưới luật và các quy định, biện pháp được cơ quan Nhà nước ban hành và thực hiện nhằm chi phối cấu trúc, quan hệ, sự vận hành của đất đai trong thực tiễn (Nguyễn Văn Sửu, 2010a). Đồng thời khẳng định vai trò của chính sách đất đai nói chung là có tác dụng biến hiện vật đất đai thành giá trị tạo ra ngân sách và nguồn vốn cho phát triển KTXH đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và cho thấy đất đai là nguồn vốn đặc biệt quan trọng đối với sinh kế bền vững của đồng bào DTTS.
Tiếp đó tác giả đã khái quát một số cơ sở chính trị, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiến văn bản và căn cứ pháp lý liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là Nghị quyết số 22 (Khoá VI) ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển KT-XH miền núi; Chiến lược ổn định và phát triển KT-XH đến năm 2000 (Đại hội VII); Nghị quyết số 05-NQ/HNTW ngày 10/6/1993 Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng (khoá VII) về tiếp tục đổi mới và phát triển KTXH nông thôn; Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 29/12/1997 Hội nghị lần thứ ba BCHTW Đảng (khoá VIII) về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, cần kiệm để công nghiệp hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu KT-XH đến năm 2000; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010; Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng lần thứ X (2006); Kết luận số 22-KL/TW, ngày 25/5/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về việc tổng kết Hội nghị lần thứ 7 BCHTW (khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 31/10/2012 Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương khóa XI Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc”; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong Luật Đất đai năm 2003, tại điều Điều 60 về Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và Luật Đất đai năm 2013:“Điều 27. Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Điều 110. Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều 129. Hạn mức giao đất nông nghiệp. Điều 133. Đất nông nghiệp do tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng. Điều 192. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện.
Quốc hội cũng đã ban hành một số Nghị quyết có liên quan đến đồng bào DTTS. Đó là Nghị quyết số 539/NQ-UBTVQH13 ngày 30/10/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Nghị quyết số 113/2015/ QH13 ngày 27/11/2015 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn lêin quan đến DTTS vùng miền núi và trung du. Nghị quyết 88/2020/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
2. Phương pháp nghiên cứu
Trong phần này tác giả đã đề cập đến phương pháp tiếp cận chính là: tiếp cận tổng hợp và hệ thống; tiếp cận phát triển bền vững; tiếp cận sinh thái cảnh quan; tiếp cận liên ngành, đa ngành; tiếp cận đa chiều về quan niệm đất đai; tiếp cận Khung phân tích Áp lực – Trạng thái - Đáp ứng (PSR), khung phân tích SWOT; khung sinh kế bền vững. Đồng thời trình bày các phương pháp nghiên cứu chính: Phương pháp thu thập tài liệu, số liệu thứ cấp; Phương pháp phân tích, đánh giá tổng hợp và Phương pháp chuyên gia.
3. Thực trạng vấn đề phân loại và sử dụng đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Trong phần này tác giả đã nhận xét một số tồn tại sự phù hợp/không phù hợp của quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đó là:
Về chính sách, pháp luật đất đai: Trong Luật đất đai (sửa đổi) cũng như trong các văn bản pháp lý chưa làm rõ nội hàm các khái niệm “người dân tộc thiểu số”, “người bản địa” nên trong các chính sách về đất đai chưa có những quy định riêng liên quan đến đồng bào DTTS. Chưa có các tiêu chí và cách phân loại “vùng dân tộc thiểu số”. Vai trò của người DTTS trong việc lưu giữ tri thức cũng như bảo vệ rừng, bảo vệ đất chưa được ghi nhận rõ ràng trong Luật. Đồng thời chỉ ra shiếu sự đồng nhất trong cách phân loại, quản lý đất đai, quản lý rừng của đồng bào DTTS. Ví dụ giữa Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật đa dạng sinh học.
Liên quan đến quá trình thực hiện chính sách pháp luật về đất đai: Quá trình phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngày càng tăng thêm sức ép lên việc sử dụng đất đai của người DTTS dẫn đến tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào và kéo theo việc di cư thiếu kiểm soát và nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp. Một số hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng DTTS được hỗ trợ đất đai để sản xuất nhưng do không có đủ khả năng (vốn, kỹ thuật, nhân lực, nhạy bén thị trường…) nên họ đã chuyển nhượng lại đất đai. Tại Điều 52, Luật Đất đai (2013) có quy định Trường hợp cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện (Điều 52) và tiếp tục trong Luật sửa đổi; tuy nhiên hiện nay chưa có đánh giá về tác động, hiệu quả của việc thực hiện. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở vùng đồng bào dân tộc sinh sống (giao thông, thủy lợi, cơ sở bảo quản, chế biến, chợ, công nghệ số… ) và hạ tầng xã hội (trường học, trạm y tế…) còn hạn chế. Trình độ dân trí của đồng bào DTTS chưa cao, khả năng tiếp cận các thông tin về kinh tế thị trường, về sử dụng đất, chuyển đổi số, khoa học công nghệ trong quản lý sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn. Việc hiểu biết về pháp luật đất đai còn hạn chế dẫn đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất chưa đầy đủ, chưa đúng, không nắm rõ giá trị đất.
Về phương thức quản lý đất đai: Việc phân loại đất theo mục đích sử dụng chưa thống nhất giữa các văn bản pháp lý có liên quan. Có sự chồng chéo các mục đích sử dụng đất trong một khu vực. Chưa có bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng sử dụng đất cho các mục đích sử dụng đất khác nhau (hiện mới chỉ có đánh giá thích hợp đất cho mục đích nông nghiệp). Việc bỏ hoang đất, chưa sử dụng hiệu quả, sử dụng sai mục đích được giao vẫn còn. Công tác giám sát sử dụng đất chưa triển khai sâu rộng, hiệu quả. Chưa có cơ sở dữ liệu đất đai tổng thể đến từng lô đất, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có một số loại đất mặc dù không chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chất lượng đất có sự thay đổi theo chiều hướng xấu. Ngược lại, có một số loại đất, mặc dù có thay đổi mục đích sử dụng đất (trong nội bộ nhóm đất) nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng đất như cũ hoặc tốt hơn.
4. Một số kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về phân loại đất có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số
Trong nội dung này tác giả đã thảo luận về một số kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đó là:
Hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai đối với đồng bào dân tộc: Bổ sung vào Điều 3, Luật Đất đai (sửa đổi) khái niệm “đồng bào dân tộc thiểu số”. Làm rõ nội hàm các khái niệm “người dân tộc thiểu số”, “người bản địa”, “vùng dân tộc thiểu số”, “đồng bào dân tộc thiểu số”, “đất đai”, “đất rừng”, “rừng” … . Xây dựng tiêu chí và cách phân loại vùng DTTS. Đồng thời bổ sung thêm các điều khoản quy định riêng về quản lý sử dụng đất (trong Hiến pháp, Luật đất đai và các Luật liên quan) đối với đồng bào DTTS nhằm đảm bảo cho tiếp cận đất đai và đảm bảo sinh kế bền vững; bảo đảm chính sách đất đai cho đồng bào DTTS trong Luật Đất đai. Làm rõ các quy định và công nhận vai trò của “người dân tộc thiểu số”, “người bản địa” trong quản lý sử dụng đất tại mỗi vùng. Công nhận quyền và nghĩa vụ của cộng đồng DTTS giống như các chủ rừng, công nhận diện tích đất rừng gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng đối với đồng bào DTTS (ví dụ rừng tâm linh, rừng đầu nguồn nước…).
Tăng cường hiệu lực thực hiện chính sách pháp luật về đất đai đối với đồng bào DTTS: Thực hiện giao đất, giao rừng đúng đối tượng sử dụng đất. Tại khoản 2, Điều 27 nên nghiên cứu mở rộng quy định cho phép Cộng đồng dân cư sử dụng đất được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập (kèm theo có quy định ràng buộc chặt chẽ). Việc ưu tiên quỹ đất thu hồi từ các nông, lâm trường để giao cho địa phương quản lý và giao cho đồng bào DTTS cần được cụ thể trong Luật đất đai (sửa đổi). Tại Điều 19 cần bổ sung những quy định cụ thể hơn để đảm bảo người DTTS có thể tiếp cận được với hệ thống thông tin đất đai (cụ thể là về ngôn ngữ và cơ sở dữ liệu). Và tại Điều 67 bổ sung các hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người DTTS có thể tiếp cận được thông tin.
Thay đổi phương thức quản lý về đất đai phù hợp: Thống nhất cách phân loại đất theo mục đích sử dụng, làm rõ chế độ sử dụng đất đối với một số loại đất có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Tại Điều 10. Phân loại đất Cần xem xét tách đất lâm nghiệp ra khỏi đất nông nghiệp và xác định chính xác khái niệm “đất lâm nghiệp”. Tại điểm c, khoản 2, Điều 63. cần ghi rõ giao cho Chính phủ quy định rõ các khu vực: khu vực quản lý nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất. Tại Điều 66. Cần bổ sung khái niệm Đất Quốc phòng, đất an ninh vào điều 66 hoặc điều 3. Điều 128. Khoản c, điều 1, cần làm rõ các loại đất không phải là đất ở phù hợp với Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Điều 204. cần làm rõ hơn khái niệm và chế độ sử dụng đối với “đất rừng tín ngưỡng”. Điều 209. cần bổ sung phân loại đất theo chức năng, đặc biệt đối với vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào DTTS sống. Đồng thời thay đổi quản lý sử dụng đất theo hướng quản lý chất lượng đất. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nếu vẫn đảm bảo được chất lượng đất và chức năng của đất như thế sẽ phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Phần kết luận đã khẳng định việc đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS là rất cần thiết và cần tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp: đổi mới chính sách pháp luật về đất đai; thực hiện chính sách pháp luật về đất đai; thay đổi phương thức quản lý về đất đai.
Sau phần trình bày của tác giả, các thầy cô và sinh viên tham dự buổi seminar đã có những trao đổi liên quan đến các chủ đề được đề cập và khẳng định nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn đối với ngành Quản lý đất đai trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang xin ý kiến tham vấn đối với Dự thảo Luật đất đai sửa đổi.