Ngày 18/12/2023, Nhóm NCM quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng đã tổ chức buổi seminar định kỳ với sự tham gia của thầy/cô thuộc nhóm NCM quản lý tổng hợp tài nguyên đất nước và dinh dưỡng cây trồng - khoa Tài nguyên và Môi trường.
Mở đầu buổi seminar ThS. Vũ Thị Xuân - Bộ môn Quản lý tài nguyên đã trình bày nghiên cứu “Thực trạng tài nguyên nước Việt Nam dưới tác động của phát triển kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu toàn cầu”.
|
|
ThS Vũ Thị Xuân trình bày báo cáo |
Nghiên cứu đã nêu rõ với hơn 3.500 con sông có chiều dài lớn hơn 10 km, 16 lưu vực sông chính và 2/3 tổng lượng nước chảy vào từ các quốc gia thượng nguồn. Biến đổi khí hậu đang diễn ra làm thay đổi lớn đến diễn biến tài nguyên nước, lượng mưa có sự khác nhau giữa giữa các năm (trong vòng 20 năm, năm cao nhất đạt 2481mm, năm mưa ít với 1623 mm) và phân thành 2 mùa rõ rệt (mùa mưa lượng nước chiếm 75-90%, mùa khô chiếm 10 - 25% tổng lượng nước cả năm).
Bên cạnh đó, lượng mưa phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. Khu vực Miền Trung có lượng mưa lớn hơn các khu vực khác. Quá trình đô thị hóa - công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng tác động lớn đến tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng nước (nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng và chất lượng nguồn nước bị suy giảm). Nhu cầu sử dụng nước cho các ngành tăng trong giai đoạn 2016 - 2030, cụ thể: ngành nông nghiệp tăng từ 76 tỷ m3/năm lên 91 tỷ m3/năm, ngành NTTS tăng từ 10 tỷ m3/năm lên 12 tỷ m3/năm, ngành công nghiệp tăng từ 6 tỷ m3/năm lên 15,6 tỷ m3/năm; khu vực đô thị tăng từ 3 tỷ m3/năm lên 5,7 tỷ m3/năm. Tình hình thiếu hụt nguồn nước đang xảy ra ở một số lưu vực có tốc độ phát triển cao. Bên cạnh đó, chất lượng nước đang bị suy giảm, một số lưu vực đang có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng như lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Chính vì vây, trong giai đoạn tới áp lực của phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra lên tài nguyên nước Việt Nam ngày càng lớn, đòi hỏi những giải pháp trong quản lý, khai thác sử dụng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Cũng tại buổi seminar TS. Ngô Thị Dung thành viên nhóm NCM đã trình bày nghiên cứu” Đánh giá thực trạng chất lượng nước Sông Yên, tỉnh Thanh Hóa”
|
|
TS. Ngô Thị Dung trình bày nghiên cứu |
Nghiên cứu đã thực hiện đánh giá chất lượng nước sông Yên thông qua các thông số quan trắc kim loại nặng (Cu, Zn) theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2015/BTNMT cột B1) và chỉ số WQI được tính toán theo Quyết định số 1460/QĐ-TCMT ngày 12/11/2019. Tính toán dựa vào hiện trạng khảo sát thực địa, số liệu quan trắc, phân tích mẫu nước tại 05 vị trí trên sông Yên trong giai đoạn 2020-2022, kế thừa từ Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các thông số đánh giá chất lượng nước quan trắc được tại 5 vị trí trên sông Yên có sự dao động qua các năm. pH từ 6,1 đến 8,05; DO từ 4,9 đến 8,15; TSS từ 16,8 đến 70,5; BOD5 từ 2,4 đến 10,4; COD từ 10,9 đến 38,8; NO3- từ 0,013 đến 1,2; Zn từ 0,211 đến 1,319; Cu từ 0,041 đến 0,37. Hầu hết các thông số đều không vượt quá giới hạn tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nước mặt cột B1. Chỉ số WQI tổng số cũng cho thấy chất lượng nước mặt dao động từ 64 đến 92 tùy vào các vị trí quan trắc, với khoảng giá trị này, chất lượng nước sông Yên được đánh giá chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên đã có sự suy giảm qua các năm trong giai đoạn nghiên cứu.
“Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy Tobit để xác định giới hạn an toàn của chì trong nước tưới cho rau xà lách trồng trên đất phù sa sông Hồng” do ThS. Nguyễn Thị Giang trình bày cho thấy việc sử dụng nước tưới nhiễm Pb từ 0,1 - 4 ppm cho rau xà lách trồng trên nền đất phù sa sông Hồng trung tính, thành phần cơ giới trung bình đã làm tăng nồng độ Pb trong rau từ 0,19 mg/kg đến 1,43mg/kg và trong đất từ 2,63 – 4,97 mg/kg so với trường hợp được tưới bằng nước không nhiễm Pb. Sử dụng mô hình hồi quy Tobit dựa trên kết quả thí nghiệm trong nhà lưới của 01 vụ trồng rau xà lách đã ước tính được giới hạn an toàn của Pb trong nước tưới cho rau xà lách trồng trên đất phù sa trung tính vùng đồng bằng sông Hồng là dưới 0,9ppm với hàm lượng Pb di động trong đất thấp hơn 7 mg/kg.
Sau phần trình bày của các báo cáo viên, thành viên tham dự buổi seminar có nhiều thảo luận xoay quanh chủ đề. Buổi seminar là cơ hội trao đổi học thuật, cập nhật, cung cấp thêm nhiều kiến thức mới thuộc lĩnh vực tài nguyên nước. Kết quả thảo luận của buổi seminar làm cơ sở để định hướng cho những nghiên cứu trong thời gian tới
Nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước và dinh dưỡng cây trồng - Khoa Tài nguyên và Môi trường