Ngày 9/9, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ I với chủ đề: Nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các Trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu; các đơn vị quản lý đất đai thuộc Bộ TN&MT; đại diện các Bộ, Sở, Ban ngành liên quan; lãnh đạo một số huyện của tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh cùng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực TN&MT.

leftcenterrightdel
hứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội thảo
 hứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội thảo

Nhấn mạnh đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt, tài sản quan trọng của quốc gia, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, việc quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai của Đảng và Nhà nước.

Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đã căn bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý sử dụng đất trong bối cảnh phát triển hiện tại của quốc gia và hội nhập quốc tế. Công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ cho việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2013 còn bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo 

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển bền vững, đất đai phải được khai thác, quản lý, sử dụng, quản trị và bảo vệ một cách khoa học, hợp lý. Mặt khác, cần sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý để làm gia tăng giá trị sử dụng đất, vừa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo được nguồn thu ngân sách lớn, ổn định và bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Do vậy, việc đổi mới chính sách đất đai và sử dụng hiệu quả các công cụ thực thi chính sách là rất cần thiết để nâng cao nguồn lực quản lý đất đai cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá cao ý tưởng tổ chức Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc, Thứ trưởng cho rằng, sự kiện có ý nghĩa rất lớn, góp phần đưa ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai trong bối cảnh Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội Khóa XV thông qua vào Kỳ họp lần thứ 6 (tháng 10/2023)

leftcenterrightdel
GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo
GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo 

Phát biểu đề dẫn, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Hội thảo khoa học Quản lý đất đai lần thứ I - 2023 là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ giảng viên, các học viên của các Trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu; chuyên gia trong nước và quốc tế; nhà quản lý từ các Bộ, Sở, Ban ngành liên quan; doanh nghiệp lĩnh vực Tài nguyên và môi trường trong cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như học thuật trong lĩnh vực quản lý đất đai.

“Để đóng góp nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì đào tạo nguồn lực con người có ý nghĩa then chốt, quyết định. Với quan điểm đào tạo nguồn lực chất lượng cao theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng với các trường Đại học Nông lâm Huế, trường Đại học Cần Thơ cũng như các trường, Viện nghiên cứu cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng hành cũng với các doanh nghiệp, các địa phương trong công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức triển khai các hoạt động cùng doanh nghiệp, nông dân” – GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Huế, Trường Đại học Cần Thơ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về phối hợp trao đổi học thuật, phối hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Huế, Trường Đại học Cần Thơ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về phối hợp trao đổi học thuật, phối hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 

Trong phiên toàn thể, các chuyên gia đã trình bày các nghiên cứu, đánh giá về chủ đề: Khai thác nguồn lực đất đai với quá trình phát triển kinh tế xã hội; Biến đổi khí hậu và nguồn lực đất đai vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; Khai thác nguồn thu tài chính từ đất đai ở miền Trung và Tây Nguyên. Các bài trình bày đã khái quát về đóng góp của lĩnh vực đất đai và những vấn đề đặt ra ở các vùng, miền trên cả nước.

Theo PGS.TS. Trần Trọng Phương, PGS.TS. Đỗ Thị Tám, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giải pháp khai thác nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế xã hội hiện nay cần gắn với kiện toàn và đổi mới chính sách - pháp luật quản lý đất đai; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin đất đai; hoàn thiện quy định về phát triển quỹ đất; phát triển thị trường bất động sản và thị trường quyền sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế tài chính về đất đai và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai. Đây là những yếu tố trọng tâm nhằm phát huy vai trò của đất đai, thật sự trở thành nguồn lực trọng yếu cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

leftcenterrightdel
TS Hồ Huy Thành – Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn quản lý đất đai tại địa phương
TS Hồ Huy Thành – Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn quản lý đất đai tại địa phương 
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện lãnh đạo địa phương cũng chia sẻ một số vấn đề thực tiễn triển, đặc biệt là các vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về đất đai.

Trong phiên chiều cùng ngày, Hội thảo tổ chức 5 tiểu ban thảo luận với các nhóm chủ đề: Khai thác nguồn lực đất đai để phục phụ phát triển kinh tế - xã hội; Quản lý bền vững tài nguyên đất đai với quá trình đô thị hóa; Quản lý, quy hoạch sử dụng đất gắn liên với chuyển đổi số; Ứng dụng công nghệ 3G (GIS, RS, GPS) trong lĩnh vực quản lý đất đai và tài nguyên; Quản lý tài nguyên và môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.

leftcenterrightdel
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo 

Qua đây, các chuyên gia, nhà khoa học từ nhiều cơ quan nghiên cứu cả 3 miền Bắc – Trung Nam sẽ cùng trao đổi những kết quả nghiên cứu khoa học về quản lý đất đai, thảo luận nhằm tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, quản lý nhà nước, giảng dạy, nghiên cứu khoa học quản lý đất đai tại Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đều đặt ra yêu cầu về hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai để quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi là định hướng chính trị quan trọng cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

                                                                                                                               Khánh Ly - https://monre.gov.vn/