Ths. Nguyễn Thị Ngân
Bộ môn pháp luật-Khoa KHXH
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Lao động nhập cư ở đô thị là đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Điều đó được thể hiện hầu hết lao động nhập cư làm nhiều nghề hoặc việc làm nặng nhọc, độc hại, trong điều kiện tồi tệ, bằng sức lao động giản đơn (làm thuê trong các công trường xây dựng, các cơ sở sản xuất/tái chế nhựa, may mặc, da giày…), bán hàng rong, giúp việc gia đình… Đa phần là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức (tư nhân, kinh tế gia đình hoặc tự làm việc). Hầu như họ không được ký hợp đồng lao động, hoặc nếu có hợp đồng lao độn thì thường không được tham gia BHXH, BHYT. Thu nhập thấp và không ổn định (có thể bị mất việc làm bất cứ lúc nào), đi đôi với tay nghề thấp. Đa số phải sống trong những khu nhà trọ rẻ tiền, với điều kiện ở tạm bợ và tồi tệ (thiếu điện, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém …). Họ cũng rất ít tham gia vào các tổ chức đoàn thể và các tổ chức xã hội tự nguyện tại nơi đến (ở thành phố). khả năng hòa nhập vào cộng đồng dân cư nơi đến cũng thường rất hạn chế.
Họ thường không được bình đẳng so với người dân đô thị trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Mặt khác, bản thân cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân đô thị như y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh môi trường…cũng đang bị quá tải. Các chính sách quản lý lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập. Trong bối cảnh đó, người lao động nhập cư và gia đình họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, các nhu cầu về dịch vụ xã hội cơ bản họ khó có cơ hội tiếp cận.
II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.1. Dịch vụ xã hội cơ bản
a. Khái niệm:
Dịch vụ xã hội cơ bản là loại và mức dịch vụ xã hội tối thiểu cần thiết cho sự phát triển của con người tương ứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi giai đoạn phát triển.
Dịch vụ xã hội cơ bản được định nghĩa là hệ thống cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người và được xã hội thừa nhận.
Các quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đều xác định Dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: giáo dục cơ bản, y tế cơ bản, dân số và kế hoạch hóa gia đình; nước sạch và vệ sinh môi trường; trợ giúp xã hội đột xuất.
b. Nội dung Dịch vụ xã hội cơ bản
Theo Liên hợp quốc, khái niệm dịch vụ xã hội cơ bản, gồm:
Giáo dục: mầm non, tiểu học, xoá mù chữ cho người lớn.
Y tế: Tất cả các hoạt động dịch vụ y tế - chăm sóc sức khoẻ ở tuyến cơ sở gồm:
Các trạm, trung tâm y tế xã hoặc phường; các phòng khám đa khoa khu vực; các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện.
Chăm sóc sức khoẻ ban đầu (tỉnh, huyện)
Y tế dự phòng: phòng dịch cho trẻ em, chăm sóc sau khi sinh, giáo dục y tế
Các chương trình y tế công cộng: sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, bệnh sốt rét, bệnh lao, bệnh phong, thuốc và dược liệu cơ bản; Vệ sinh phòng dịch.
Chương trình quốc gia về dinh dưỡng
Dân số và kế hoạch hoá gia đình
Các dịch vụ xã hội: Cứu trợ thiên tai
Nước sạch và vệ sinh môi trường: các dự án nước sạch nông thôn (bao gồm cả thị trấn có 30.000 dân trở xuống);
Các dự án nước và vệ sinh ở các khu vực ven đô. Theo khái niệm quốc gia: bao gồm tất cả các nội dung trên, nhưng ở mục các dịch vụ xã hội còn thêm các nội dung sau:
Phúc lợi cho người nghèo, Trợ cấp ưu đãi người có công;
Giúp đỡ trẻ em mồ côi và trẻ em lang thang;
Trợ giúp cho người tàn tật; các trung tâm cai nghiện ma tuý và giáo dục gái mại dâm.
2.2. Dịch vụ xã hội
a. Khái niệm
Nếu như dịch vụ là một khái niệm đơn lẻ thì dịch vụ xã hội lại là một khái niệm kép. Thuật ngữ “xã hội” trong khái niệm này có thể được hiểu theo hai nghĩa.
Thứ nhất là tính mục tiêu, nghĩa là dịch vụ hướng tới phát triển xã hội (theo nghĩa này thì bất kỳ dịch vụ nào đóng góp vào mục tiêu phát triển xã hội đều được coi là dịch vụ xã hội).
Thứ hai là về chuẩn mực hay tính xã hội, nghĩa là dịch vụ để bảo đảm các giá trị, chuẩn mực xã hội. Theo nghĩa này thì dịch vụ xã hội cung cấp những hỗ trợ cho các thành viên trong xã hội được (i) chủ động phòng ngừa khả năng xảy ra rủi ro để dẫn đến không bảo đảm giá trị và chuẩn mực xã hội; (ii) chủ động tiếp cận hạn chế ảnh hưởng của rủi ro dẫn đến không bảo đảm giá trị và chuẩn mực xã hội; (iii) khắc phục rủi ro và hòa nhập cộng đồng/xã hội trên cơ sở các giá trị, chuẩn mực xã hội.
Quan niệm về dịch vụ xã hội (social services) được hiểu theo nghĩa là thứ hai tức là các dịch vụ để bảo đảm các giá trị, chuẩn mực có tính xã hội. Từ cách tiếp cận đó, khái niệm dịch vụ được phát biểu như sau:
Dịch vụ xã hội là hoạt động cung cấp, đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân, nhóm người nhất định nhằm bảo đảm các giá trị và chuẩn mực xã hội.
Bên cạnh cách hiểu trên, một cách hiểu khác nhìn từ vai trò của người cung cấp dịch vụ và khách hàng cho rằng: dịch vụ xã hội là các dịch vụ do nhà nước, tập thể cung cấp cho thành viên xã hội. Tuy nhiên cách hiểu này ít nhiều “máy móc”, thiếu tính bao quát và cũng không phổ biến.
Một khái niệm thống nhất về dịch vụ xã hội cho người yếu thế là rất cần thiết và đó cũng là cơ sở để thiết kế hệ thống dịch vụ xã hội cho các nhóm đối tượng này. Dựa vào những lý giải về dịch vụ, chính sách xã hội, dịch vụ xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản nêu trên, khái niệm dịch vụ xã hội cho người yếu thế được hiểu là:
Dịch vụ xã hội cho nhóm yếu thế là các hoạt động có chủ đích của con người nhằm phòng ngừa-hạn chế và khắc phục rủi ro, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cơ bản và thúc đẩy khả năng hoà nhập cộng đồng, xã hội cho nhóm đối tượng yếu thế
b. Chức năng của dịch vụ xã hội:
Dịch vụ xã hội cung cấp và hỗ trợ thông qua các dịch vụ đặc thù giúp các công dân trong xã hội có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn bằng sự độc lập về kinh tế
Khẳng định quyền con người được hòa nhập và tham gia vào thị trường lao động cũng như các hoạt động cộng đồng, xã hội.
c. Các dịch vụ xã hội phổ biến là:
Tạo điều kiện cho những người thuộc nhóm thu nhập thấp có việc làm và tham gia vào các hoạt động sản xuất tạo thu nhập có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu và duy trì được sự độc lập về tài chính;
Các dịch vụ xã hội giúp cho các đối tượng yếu thế trở nên bình đẳng và có thể đóng góp và hoà nhập cao nhất đối với gia đình, cộng đồng và xã hội;
Thúc đẩy tính trách nhiệm và mối quan hệ gắn kết giữa gia đình và các thành viên và bảo đảm gia đình thành chỗ dựa an toàn nhất cho các đối tượng yếu thế;
Trẻ em thuộc những gia đình không có khả năng chăm sóc có thể nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng, xã hội;
Cung cấp các dịch vụ về nhà ở với tiêu chuẩn đáp ứng được điều kiện tối thiểu về chất lượng cuộc sống;
Giúp người tàn tật có khả năng sống độc lập hơn và tham gia một cách tích cực trong các hoạt động kinh tế cũng như hoạt động cộng đồng;
Thúc đẩy việc chăm sóc sức khoẻ và gắn kết các chủ thể với các nguồn lực;
Tạo ra các dịch vụ tham vấn và trị liệu tâm lý cho các đối tượng;
Giúp các đối tượng tiếp cận với các kênh thông tin và và tạo cơ hội lựa chọn tốt hơn;
Giúp các đối tượng tiếp cận dễ dàng hơn với các hoạt động hoà giải, biện hộ các vấn đề xã hội.
2.3. Người di cư và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội
Nguyên nhân chủ yếu khiến lao động di cư đến các thành phố lớn là để tìm việc làm mới, tăng nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, người lao động di cư vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội, thu nhập không cao, chịu nhiều thiệt thòi về nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục...
Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68,0% tổng dân số. Dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.
Theo các nhà nhân khẩu học, trên thế giới hiện có khoảng 272 triệu người di cư trong tổng số hơn 7 tỷ người. Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Người di cư có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của quốc gia sở tại và quốc gia đi, tăng cường sự giao thoa văn hóa, trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự hiểu biết, kết đoàn giữa nơi đi và nơi đến.
Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề về an toàn, an ninh trật tự xã hội. Bản thân người di cư cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe.
Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 công bố mới đây cho thấy, cả nước có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số, thấp hơn so với năm 2009 (6,7 triệu người di cư, chiếm 8,5% dân số). Nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong tổng dân số di cư nhưng sự khác biệt này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng. Phần lớn người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20-39 tuổi (chiếm 61,8% tổng số người di cư).
Người di cư khó có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ xã hội.
Trẻ em di cư thiệt thòi hơn trẻ em không di cư trong việc tiếp cận giáo dục cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; đặc biệt, trẻ em trong nhóm di cư ngoại tỉnh chịu thiệt thòi hơn so với trẻ em ở các nhóm di cư khác trong việc tiếp cận giáo dục ở tất cả các cấp. Năm 2019, có tới 83,9% trẻ em không di cư trong độ tuổi 11-18 đang đi học nhưng chỉ có 55,7% trẻ em di cư ngoại tỉnh trong nhóm nhóm tuổi này đang đi học.
Cũng theo kết quả Tổng điều tra, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người di cư đã cải thiện so với 10 năm trước, tăng từ 22,9% năm 2009 lên 37,2% năm 2019 và cao hơn so với người không di cư. Năm 2019, tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn 17,5 điểm phần trăm so với người không di cư.
Trong tổng số lao động di cư đang làm việc trong nền kinh tế, có tới 91,4% người di cư làm ở khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ này ở người di cư cao hơn so với người không di cư, đặc biệt tỷ trọng người di cư làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng cao gần gấp đôi tỷ trọng người không di cư làm trong cùng khu vực (44,9% so với 27,7%).
Một vấn đề khác được thể hiện trong kết quả nghiên cứu chuyên sâu là tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cao hơn người không di cư (2,53% so với 2,01%). Nữ giới di cư có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nam giới di cư, lần lượt là 2,82% và 2,20%. Trong số những người di cư đang thất nghiệp, hơn hai phần ba (69,7%) là những người di cư tới thành thị và chỉ có một phần ba là những người di cư tới nông thôn.
Điều kiện về nhà ở của người di cư tốt hơn người không di cư với tỷ lệ người sống trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ của hai nhóm này tương ứng là 2,8% và 7,3%. Tuy nhiên, diện tích nhà ở bình quân đầu người của người di cư lại thấp hơn của người không di cư (tương ứng là 21,9m2/người và 25,4m2/người) với gần một nửa người di cư phải đi thuê/mượn nhà để ở.
"Có mối quan hệ chặt chẽ giữa di cư và đô thị hóa. Người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị. Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là lớn nhất, cứ 1000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước", kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 chỉ rõ.
Bên cạnh đó, có sự khác biệt về tỷ lệ thất nghiệp giữa các loại hình đô thị: Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên ở đô thị đặc biệt cao nhất (3,17%), tiếp đến là đô thị loại I (3,03%), đô thị loại III có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong các nhóm đô thị (2,11%). Tỷ lệ thất nghiệp của nữ cao hơn nam ở tất cả các loại hình đô thị.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến nhóm đối tượng người di cư. Trong đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ đạo quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương trong đó có người di cư.
Một số chương trình, dự án đã được thực hiện nhằm hỗ trợ người di cư. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới bước đầu thành công trong kiểm soát đại dịch Covid-19, nhưng những khó khăn, thách thức vẫn hiển hiện và tiềm ẩn những nguy cơ nhất định; cần chung tay chia sẻ, hỗ trợ và bảo vệ người di cư, thực hiện tốt việc phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19 vì mục tiêu sức khỏe, an toàn, hạnh phúc của mỗi người di cư, gia đình họ và cả cộng đồng.
III. KẾT LUẬN
Khă năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người di cư còn nhiều hạn chế. Họ gặp phải hạn chế trong tiếp cận ngay cả những hệ thống cung ứng dịch vụ xã hội cơ bản của nhà nước sẵn có. Hạn chế gặp phải của họ chủ yếu xuất phát từ hệ thống hành chính, các yêu cầu thủ tục phức tạp khả năng của bản thân người lao động trong việc tìm hiểu dịch vụ. Bên cạnh dó khả năng chi trả: với những hệ thống cung ứng dịch vụ cơ bản sẵn có, một phần bị rào cản thủ tục phức tạp, nhóm hộ lao động đa số sẵn sàng chi trả những khoản chi phí cao , đặc biệt trong vấn đề chăm sóc sức khỏe vì nó phù hợp với yêu cầu về tính thời gian và chất lượng của dịch vụ. Điều này giúp họ an tâm hơn trong quá trình sống và làm việc tại điểm đến. Tuy nhiên đối với những hộ gia đình dễ bị tổn thương chi phí cao lại là vấn đề lớn, đặc biệt trong bối cảnh giá cả đắt đỏ. Họ không có khả năng chi trả cho những dịch vụ tư nhân chi phí cao. Về các chương trình công tác xã hội hiện nay đã mang lại những tác động tích cực giúp cho hộ gia đình nhập cư tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản, đa dạng về hình thức và nội dung.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật lao động 2019 số 45/2019/QH14
2. Chương trình phát triển liên hiệp quốc, dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người, báo cáo quốc gia về phát triển con người 2021
3. Lê Văn Toàn, Dịch vụ xã hội cho người nhập cư Hà Nội
4. Lưu Quang Tuấn, tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội của người nghèo tại khu vực đô thị, bản tin 29 của viện KHLĐXH
5. Bản thảo chiến lược an sinh xã hội VN giai đoạn 2011-2020, Bộ LĐTB và XH