TTTĐ - Đó là chia sẻ của Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan tại chương trình Chia sẻ về Văn hoá đọc và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 14/7.

“Định vị mình” trong thế giới ảo

Đọc sách đang được nhiều người quan tâm đến như một hoạt động văn hóa quan trọng, thông qua sách, báo, tài liệu, con người tìm kiếm được thông tin và tri thức một cách khoa học. Văn hóa đọc có ý nghĩa to lớn trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng và giúp hình thành và hoàn thiện nhân cách của con người. Sách là một kho tàng tri thức rộng lớn của nhân loại, mỗi cuốn sách đều mang lại thông điệp và bài học sâu sắc trong đời sống.

Chương trình “Văn hóa đọc gắn với khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” thu hút được sự quan tâm của nhiều sinh viên
Chương trình chia sẻ về “Văn hóa đọc gắn với khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” thu hút được sự quan tâm của nhiều sinh viên

Với tầm quan trọng như vậy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức chương trình Chia sẻ về văn hoá đọc và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại sự kiện, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đọc sách thường xuyên giúp ta trau dồi kiến thức, cải thiện kỹ năng giao tiếp và từ vựng của bản thân. Sách không chỉ là một kho tàng tri thức mà còn là một liều thuốc tinh thần giúp chúng ta vượt qua áp lực cuộc sống và tìm đến sự đồng cảm, giá trị nhân văn trong cuộc sống. Đọc sách giúp chúng ta “định vị mình” trong thế giới ảo, tiếp cận thông tin, kho tàng tri thức của nhân loại một cách có chọn lọc. Để văn hóa đọc được phát triển, chúng ta cần nâng cao nhận thức của người đọc, lựa chọn thể loại sách yêu thích để có “cảm xúc và đam mê” khi đọc. Thay vì sự thụ động trước thông tin và tri thức thì hãy chủ động tìm kiếm những cuốn sách hay, phù hợp để trau dồi tri thức và cảm nhận sự tinh tế của từng trang sách.

Tại chương trình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, sáng tạo là đã có những nguyên liệu để tới thởi điểm đó, phút giây chín muồi thì chúng ta bật ra được ý tưởng. Một trong những nguyên liệu để bật ra những ý tưởng đó là sách và kiến thức tích luỹ từ thực tế.

Nền giáo dục lý tưởng là khi những đứa trẻ bước vào trường bằng những câu hỏi và khi ra trường bằng những ý tưởng. Khi có dấu hỏi thì mới có ý tưởng. Mỗi dấu hỏi là khởi đầu một tri thức.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại sự kiện
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại sự kiện

Trả lời câu hỏi: Văn hoá đọc liên quan gì tới khởi nghiệp?,Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đọc sách chính là một trong những nguyên liệu để mỗi người phối trộn và nhào nặn, từ đó nảy ra những ý tưởng khác nhau.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, muốn sáng tạo thì đừng đi theo lối mòn. Không phải ai đọc sách cũng đều thành công nhưng người thành công, chắc chắn sẽ đọc sách.

“Chuyện khởi nghiệp không phải là cá nhân, một nhóm người, 1 trường học mà là của quốc gia, dân tộc. Nhà trường phải xem những việc đó để đào tạo thì nước nhà mới phát triển. Đừng coi sự phát động khởi nghiệp là sân chơi, cuộc thi, phong trào… hãy coi đó là vấn đề lớn của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.

Sách: Trau dồi kỹ năng - yếu tố quan trọng trong khởi nghiệp

Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã, đang tiếp tục trở thành xu hướng tất yếu của thời đại, các quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững đều phải dựa vào tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhất là trong sinh viên - nguồn nhân lực chất lượng cao của tương lai. Văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là việc đọc sách, báo, tạp chí mà còn là quá trình tiếp thu, xử lý thông tin, phân tích, tổng hợp và biến những kiến thức đó thành hành động cụ thể. Thông qua việc đọc, chúng ta có thể mở rộng tầm nhìn, hiểu biết về thế giới, trau dồi kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề – những yếu tố quan trọng của một nhà khởi nghiệp.

Muốn sáng tạo thì đừng đi theo lối mòn
GS.TS Nguyễn Thị Lan, phát biểu tại chương trình

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, chương trình “Văn hoá đọc và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam không chỉ đơn thuần là một hội nghị mà còn có ý nghĩa như là một “sự kiện văn hóa” quan trọng để đưa "Văn hóa đọc” song hành cùng “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên nâng cao nhận thức về sách, đọc sách góp phần trau dồi tri thức, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về một “ngày hội sách gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” trong cộng đồng xã hội.

“Đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc đọc không chỉ là một phần của chương trình nghiên cứu, đào tạo, học tập mà còn là một công cụ quan trọng để cả các thầy cô giáo và sinh viên cùng cập nhật kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy sáng tạo trong mọi vấn đề của công việc và cuộc sống. Việc đọc sách chuyên ngành giúp các em sinh viên nắm vững kiến thức nền tảng, trong khi đó việc đọc sách về quản lý kinh tế, thương mại, kinh doanh, công nghệ, giao tiếp... sẽ giúp các em mở rộng hiểu biết và phát triển những kỹ năng cần thiết cho việc khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhắn nhủ..

Tại Học viện, trong các sảnh phòng chờ, phòng làm việc, thư viện, ký túc xá, giảng đường, nhà làm việc của Khoa, phòng thực hành, phòng nghiên cứu, không gian của sinh viên ở KTX… đã và sẽ tiếp tục có các tủ sách với đa dạng các đầu sách để cán bộ, giảng viên, sinh viên có thể tiếp cận với sách ở bất cứ nơi đâu trong không gian khoa học, đổi mới sáng tạo của Học viện.

Muốn sáng tạo thì đừng đi theo lối mòn
Lễ ra mắt Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Tại chương trình, các đại biểu, khách mời đã tham quan “Không gian Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo” để hiểu hơn hơn “văn hóa sách và đọc sách” đang được cán bộ, sinh viên hòa vào mạch nguồn, hơi thở trong công việc hàng ngày của mỗi người, biểu hiện thành văn hoá riêng có và đặc trưng của Học viện là “đọc nhiều hơn để sáng tạo hơn”.

Được biết, Học viện đã và đang xây dựng khoảng 100 phòng đọc với 50 ngàn cuốn sách in, sách số, tạp chí và kết nối với 100 cơ sở dữ liệu, học liệu tiên tiến trên thế giới; tổ chức nhiều câu lạc bộ sinh viên đọc sách, kêu gọi nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tặng sách về thư viện, các phòng đọc của Học viện. Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trao tặng với trăm cuốn sách vô cùng giá trị cho Học viện. Bên cạnh đó, Học viện cũng đẩy mạnh hoạt động tặng sách, chia sẻ sách cho cộng đồng, phát triển các tủ sách nông thôn trong các chương trình tình nguyện của sinh viên để tiếp tục lan tỏa thông điệp về văn hóa đọc sách đến với cộng đồng xã hội.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có khuôn viên rộng, xanh, sạch, đẹp nhất Thủ đô với diện tích gần 200ha và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, gồm: gần 170 phòng học thông minh, 52 phòng thí nghiệm (trong đó có 6 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO), 82 mô hình khoa học công nghệ…

Đặc biệt, Học viện thành lập Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và Đổi mới sáng tạo với 20 phòng nghiên cứu hiện đại, chuyên sâu, đây là nơi hoạt động của các nhóm Nghiên cứu tinh hoa, Nghiên cứu xuất sắc, Nghiên cứu mạnh với mục tiêu tạo ra các sản phẩm đột phá cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thư viện của Học viện có gần 30.000 đầu sách, tạp chí và kết nối với thư viện của nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới; khu ký túc xá của Học viện khang trang, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho gần 5.000 sinh viên; khu liên hợp thể thao đa dạng với hệ thống sân cỏ nhân tạo, phòng tập gym, hệ thống sân golf.

Link tuyển sinh vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam:

https://daotao.vnua.edu.vn/xettuyen và https://tuyensinh.vnua.edu.vn.