TÓM TẮT
Phát triển nông thôn là quá trình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Do đó, việc quản lý các khu dân cư nông thôn cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước và nâng cao đời sống của cư dân nông thôn là điều hết sức cần thiết.
Từ khóa: Quản lý nhà nước, phát triển nông thôn
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nông thôn là địa bàn sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội. Phát triển nông thôn đảm bảo cho quá trình sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm và các nguyên liệu khác cho đời sống con người. Nông thôn là thị trường quan trọng để tiêu thụ các sản phẩm của công nghiệp. Phát triển nông thôn là nhân tố kích thích các ngành phi nông nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp và những ngành sản xuất khác trên phạm vi toàn xã hội. Nông thôn chiếm đại đa số nguồn tài nguyên, đất đai, khoáng sản, động thực vật, rừng, biển, nên sự phát triển nông thôn có ảnh hưởng to lớn đến việc bảo vệ môi trường sinh thái; việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên khu vực nông thôn bảo đảm cho sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước.
Phát triển nông thôn là quá trình cải thiện một cách bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống về cật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Khi chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì phương thức tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất đa dạng, việc tổ chức cuộc sống ở nông thôn có nhiều yếu tố mới. Vì vậy, việc quản lý các khu dân cư nông thôn cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội hiện nay và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn là điều hết sức cần thiết.
2. NỘI DUNG
2.1. Một số vấn đề lý luận
*Khái niệm nông thôn:
Khái niệm nông thôn khác nhau ở mỗi quốc gia, nó phụ thuộc vào từng thời kỳ lịch sử và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia khác nhau trên thế giới. Ở những nước đang phát triển, việc phân biệt nông thôn với đô thị chưa thể tách bạch hoàn toàn, một số nơi khu vực nông thôn diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng nhưng vẫn còn có sự xen lẫn về đất daai, địa bàn dân cư và các hoạt động kinh tế. Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có khái niệm xác về nông thôn. Có ý kiến cho rằng, vùng nông thôn là vùng có dân cư làm nông nghiệp là chủ yếu, nguồn sinh kế chính của cư dân trong vùng là từ sản xuất nông nghiệp. Có quan điểm khẳng định, cần dựa vào chỉ tiêu trình độ phát triển của cơ sở hạ tầng hoặc trình độ tiếp cận thị trường, phát triển hàng hóa và khả năng tiếp cận thị trường để xác định vùng nông thôn. Những ý kiến trên chỉ đúng khi đặt trong bối cảnh cụ thể của từng nước, phụ thuộc vào trình độ phát triển, cơ cấu kinh tế, cơ chế áp dụng cho từng nền kinh tế.
Trong điều kiện nay ở Việt Nam, có thể hiểu, nông thôn là vùng sinh sống của tập hợp dân cư, trong đó có nhiều nông dân. Tập hợp này tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường trong một thể chế chính trị nhất định và chịu ảnh hưởng của các tổ chức khác [2]. Như vậy, nông thôn là vùng có dân cư làm nông nghiệp là chủ yếu, mật độ dân cư thấp, có tinh thần đoàn kết gắn bó cộng đồng cao nhưng số đông có trình độ văn hóa thấp và lối sống còn mang tính tự do, tùy tiện. Bên cạnh cư dân làm nông nghiệp là chủ yếu, khu vực nông thôn còn có các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn tạo nên kinh tế nông thôn. Nông thôn Việt Nam có các chức năng chính như sản xuất, cung ứng nông phẩm cho xã hội, giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và đảm bảo môi trường sinh thái. Vì vậy, phát triển nông thôn là một tất yếu đặt ra trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
* Khái niệm phát triển nông thôn:
Phát triển nông thôn là một phạm trù được nhận thức với nhiều quan điểm khác nhau. Phát triển nông thôn là một tổ hợp các hoạt động đa dạng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều chính sách và hoạt động có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khu vực nông thôn và đời sống của người dân nông thôn trên các mặt như xã hội nông thôn, kinh tế nông thôn, điều kiện tự nhiên và môi trường nông thôn. Tuy nhiên, phát triển nông thôn chỉ có thể thực hiện hiệu quả một cách dài hạn nếu chính sách rõ ràng và được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, đòi hỏi Việt Nam phải hòa hợp với các hiệp định quốc tế và phải điều chỉnh để trở thành thành viên năng động của nền kinh tế toàn cầu. Khi tiến hành điều chỉnh cho phù hợp với một nền kinh tế mở, nhiều nhóm trong xã hội có khả năng sẽ không được hưởng lợi từ lợi ích kinh tế (đặc biệt ở khu vực nông thôn). Vì vậy, chúng ta phải phát triển nông thôn nhằm vào những mục đích sau:
Thứ nhất, sản xuất được nhiều nông sản và sản phẩm hàng hóa, chất lượng sản phẩm và năng suất lao động cao, xuất khẩu tăng, tích lũy tái sản xuất được mở rộng;
Thứ hai, phát triển nông thôn là cải thiện đời sống cho phần lớn cư dân nông thôn. Đời sống của họ không ngừng được nâng cao, trình độ học vấn được tăng lên, phát huy được những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng nông thôn, thực hiện được dân chủ, công bằng, giảm đáng kể các tệ nạn xã hội;
Thứ ba, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học được bảo vệ và phát triển bền vững, giữ được cảnh quan và môi trường sinh thái nông thôn;
Thứ tư, phát triển nông thôn nhằm mục đích giảm thiểu các tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa đến cư dân nông thôn.
Từ những phân tích trên, có thể khẳng định, phát triển nông thôn là một quá trình tất yếu cải thiện một cách bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống của cư dân nông thôn [2]. Quá trình này được thực hiện trước hết chính là do người dân nông thôn với sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức khác. Phát triển nông thôn sẽ thành công khi chính người nông dân tham gia tích cực vào quá trình đó. Hơn nữa, chính quyền các cấp phải nhận thức đầy đủ, nghiêm túc về phát triển nông thôn toàn diện, bền vững; xây dựng đề án phát triển nông thôn phải có sự tham gia của cộng đồng để người dân tham gia một cách chủ động, là chủ thể của quá trình đó.
* Khái niệm quản lý nhà nước về phát triển nông thôn:
Quản lý nhà nước về phát triển nông thôn là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước của các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước trên cơ sở các quy luật phát triển xã hội nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các các tiềm năng, các cơ hội để đạt được mục đích ổn định và phát triển nông thôn trong điều kiện biến động của môi trường [2].
2.2. Một số nội dung quản lý nhà nước về phát triển nông thôn
Nhà nước sử dụng quyền lực của mình để tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế ở nông thôn trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước bảo đảm sự ổn định về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, duy trì trật tự an toàn xã hội, thi hành nhất quán các chính sách và thể chế theo hướng đổi mới, khống chế lạm phát, điều tiết các quan hệ thị trường. Nhà nước tạo môi trường tâm lý trong quá trình nhận thức của người nông dân về cơ chế thị trường, giúp họ nhận thức được tính hai mặt của cơ chế này. Vì thế, quản lý nhà nước về phát triển nông thôn bao gồm nhiều nội dung. Bài viết tập trung làm rõ một số nội dung của quản lý nhà nước về phát triển nông thôn như sau:
Một là, quản lý và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp.
Để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, đời sống của nhân dân và phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ bản, trên địa bàn nông thôn nước ta cần phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và dịch vụ. Trước hết, phải khai thác và huy động hết công suất của những cơ sở công nghiệp hiện có, xây dựng thêm các cơ sở sản xuất mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (công cụ sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu...), chế biến nông sản phục vụ đời sống và xuất khẩu. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở vùng nông thôn theo quy hoạch. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường; khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ phục vụ cho yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân [6]. Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp sản xuất ra sản phẩm thô sẽ ngày càng giảm. Cần phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ vừa phục vụ cho sản xuất, đời sống, vừa khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lao động xã hội ở nông thôn dư thừa, tăng giá trị của nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó, cần khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương, mở mang nghề mới, phục vụ cho sản xuất, đời sống và xuất khẩu.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, cần khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng, sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu quả, duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài.
Ngoài ra, cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, phát triển sản xuất với quy mô hợp lý các loại nông sản hàng hóa xuất khẩu có lợi thế, nông sản thay thế nhập khẩu.
Hai là, quản lý các vấn đề về xã hội, an ninh và trật tự ở nông thôn.
Giải quyết những vấn đề chính sách xã hội, giữ gìn và duy trì an ninh, trật tự và xây dựng nếp sống mới cũng là một trong những nội dung quản lý nhà nước về phát triển nông thôn. Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh những mặt tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, còn có những biểu hiện tiêu cực phát sinh mang tính xã hội như phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo, xu hướng gia tăng các tệ nạn xã hội, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư, phức tạp hóa về an ninh trật tự,… mà Nhà nước và chính quyền các cấp ở nông thôn cần phải có biện pháp để hạn chế.
Thất nghiệp và nghèo đói là gốc rễ phát sinh ra các tội phạm và tệ nạn xã hội, do đó cần phải tập trung giải quyết thất nghiệp, nghèo đói ở nông thôn thông qua việc thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước. Biện pháp quan trọng là đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, trợ giúp người nghèo dưới nhiều hình thức khác nhau để có thu nhập, ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Để xóa đói giảm nghèo, cần đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ, thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo để tạo việc làm và thu hút lao động. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ giống, vốn, vật tư, thiết bị phát triển sản xuất, dịch vụ [5].
Thực hiện chính sách về phát triển giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao dân trí và trình độ khoa học kỹ thuật cho nông dân, giáo dục đạo đức, lối sống, tình đoàn kết tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Có các biện pháp hạn chế, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, duy trì trật tự an ninh, an toàn làng, xã, xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hóa mới ở nông thôn.
Thực hiện quy chế dân chủ ở nông thôn. Người nông dân làm chủ ruộng đồng, làm chủ quê hương, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, làm làm, dân kiểm tra”.
Xây dựng các phong trào quần chúng rộng rãi, cùng chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới ở nông thôn thông qua các hương ước, quy ước cộng đồng, cam kết trách nhiệm xã hội của mỗi gia đình, mỗi thành viên.
Ba là, quản lý và quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn.
Theo số liệu thống kê, hiện có trên 9000 xã và có khoảng trên 8,5 vạn điểm dân cư, làng, bản. Phân bố dân cư và làng bản rất khác nhau giữa các vùng, miền: Đồng bằng Bắc bộ 804 ngườ/km2; Đồng bằng sông Cửu Long 365 người/km2, Tây bắc 49 người/km2, Tây nguyên 43 người/km2 [1]. Có thể nhận thấy: Mật độ điểm dân cư làng bản ở đồng bằng dày đặc, ở miền núi thưa thớt; mức độ và chất lượng xây dựng nhà ở, công trình, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng rất khác nhau giữa các vùng nông thôn.
Do yêu cầu tổ chức và phát triển sản xuất, tổ chức đời sống theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên trên địa bàn nông thôn sẽ diễn ra quá trình tích tụ các làng xóm, ấp nhỏ thành các làng, ấp lớn hoặc hình thành và phát triển các trang trại, nông, lâm trường. Quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn gồm xây dựng làng mới, cải tạo phát triển làng cũ, quy hoạch xây dựng tổng thể xã, quy hoạch xây dựng các thị tứ. Cơ sở lập quy hoạch xây dựng làng bản là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước và địa phương cũng như quy hoạch cải tạo hệ thống dân cư trong vùng, nhất là địa bàn tỉnh, huyện.
Ngoài ra, việc quản lý sử dụng đất đai và môi trường trong các điểm dân cư nông thôn cũng cần được chú trọng. Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Nhà nước giao đất, cho thuê đất để tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, đẩy mạnh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất [4].
Bốn là, quản lý và xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn.
Kết cấu hạ tầng có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân ở nông thôn, góp phần thu hẹp chênh lệch về điều kiện sống và lao động giữa đô thị và nông thôn, tạo dựng bộ mặt nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Trước hết về giao thông nông thôn: bảo đảm liên hệ thuận lợi, nhất là các đường liên xã, liên thôn, cần phải được quy hoạch và xây dựng kiên cố hóa, đảm bảo đi lại vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Về cấp điện: tiến tới 100% số xã được cấp điện phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt [3]. Các xã đều có hệ thống thông tin liên lạc nối liền trong nước và ngoài nước. Về trường học: tiến tới đủ lớp học cho học sinh, xóa bỏ học ba ca. Các lớp, trường học cần xây dựng kiên cố nhiều tầng, bán kiên cố, có môi trường cảnh quan sạch đẹp và an toàn, vệ sinh, được trang bị thiết bị, đồ dùng giảng dạy và học tập phù hợp yêu cầu học tốt và dạy tốt. Về trạm xá, nhà hộ sinh: cần xây dựng khang trang, sạch sẽ, phục vụ khám, chữa bệnh ở cơ sở và thực hiện công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Về cấp nước sạch, vệ sinh môi trường: xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã; xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm; mỗi gia đình có các công trình hợp vệ sinh: giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh đúng quy cách.
Ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật phục vụ cho sản xuất, nhưng không coi nhẹ kết cấu hạ tầng phục vụ cho đời sống của nhân dân. Các công trình dịch vụ khác như trạm truyền thanh, bưu điện, thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, thể thao, chợ,… cần phải được quy hoạch, xây dựng tập trung trong các khu trung tâm xã, làng bản đáp ứng nhu cầu của cư dân nông thôn.
3. KẾT LUẬN
Có thể nói, vai trò của nhà nước đối với phát triển nông thôn là hết sức cần thiết. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, tạo ra tính năng động, hiệu quả nhằm xóa khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, cải thiện phúc lợi cho người nghèo vốn chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn.
Vai trò quản lý của Nhà nước đối với phát triển nông thôn được thể hiện ở một số nội dung sau: Quản lý và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; Quản lý các vấn đề về xã hội, an ninh và trật tự ở nông thôn; Quản lý và quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn; Quản lý và xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://baigiang.violet.vn/present/quan-li-nha-nuoc-ve-nong-thon-6706666.html, quản lý nhà nước về nông thôn, truy cập ngày 02/12/2021.
2. https://text.123docz.net/document/2818643-giao-trinh-quan-ly-nha-nuoc-ve-nong-thon.htm, Giáo trình quản lý nhà nước về nông thôn, truy cập ngày 02/12/2021.
3.https://dtbd.moha.gov.vn/uploads/resources/admin/files/CD11-20/CS_TLBD_Chuyende23.pdf, Chuyên đề 23: Quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, truy cập ngày 02/12/2021.
4. Nghị định số 64/NĐ - CP ngày 27/9/1993 ban hành quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
5. Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông.
6. Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.