Ngày 29 tháng 01 năm 2024 Bộ môn Quy hoạch đất đai, Khoa Tài nguyên và Môi trường, nhóm NCM Quy hoạch không gian lãnh thổ sử dụng đất và môi trường, đã tổ chức Seminar khoa học  "Một số điểm mới của Luật Đất đai ( Luật số 31/2004/QH15) và tác động của nó đến phát triển nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp do PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày. Tham dự Seminar gồm các thành viên của nhóm NCM cùng các thầy giáo, cô giáo và sinh viên trong khoa Tài nguyên và Môi trường.

leftcenterrightdel
PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày báo cáo tại hội thảo
 PGS.TS. Đỗ Thị Tám trình bày báo cáo tại hội thảo
Nông nghiệp là hoạt động sản xuất cổ nhất và cơ bản nhất của loài người (Đường Hồng Dật, 1994). Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Thực tiễn cho thấy trong nông nghiệp đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt không thể thay thế, là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng của nông sản. Do vậy việc thông qua Luật đất đai năm 2024 nhằm“thể chế hóa” Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ có tác động lớn đến ngành nông nghiệp cũng như đến việc sử dụng đất nông nghiệp và người sử dụng đất nông nghiệp. Dưới đây là một số điểm mới của Luật Đất đai và tác động của nó đến phát triển nông nghiệp và sử dụng đất nông nghiệp:

  Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đã được nới rộng.

  Tại Khoản Điều 177 Luật Đất đai 2024 cho phép mở rộng “hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất”. Điều này rất phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam bởi vì:

- Việc bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể dẫn đến một số hệ quả về xã hội như việc đầu cơ đất đai, gia tăng tình trạng bỏ hoang hoặc giảm hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Điều đó có thể dẫn đến mất công bằng xã hội do chiếm hữu tư liệu sản xuất đặc biệt (quyền sử dụng đất nông nghiệp), người nông dân mất sinh kế ….

- Nhưng nếu giữ nguyên hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp như hiện nay có thể làm cản trở sự phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hoá quy mô lớn…

- Mặt khác, thực tế ở một số nước như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc … cho thấy hạn điền không phải là yếu tố cản trở sự phát triển của nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

- Do vậy việc nới rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp như khoản 1, Điều 177 Luật Đất đai 2024 sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn. Đồng thời giảm thiểu được những tác động tiêu cực, những hệ quả không mong muốn về mặt xã hội, và hạn chế động cơ tích tụ đất nông nghiệp phi pháp.

- Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 177 quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để quy định cụ thể hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”. Điều này sẽ làm cho việc sử dụng đất nông nghiệp “linh hoạt” hơn và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của mỗi địa phương.

  Về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp

Tại khoản 1 Điều 177 và các quy định về “tập trung đất nông nghiệp”, “tích tụ đất nông nghiệp” tại Điều 192, Điều 193 sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp sẽ khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Như vậy sẽ tạo điều kiện sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn để cho ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, nông dân ngày càng giàu có và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam chuyển từ nền nông nghiệp phân tán, manh mún sang tập trung, hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất hàng hóa bền vững, hiệu quả.

  Việc mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa

Quy định mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả. Điều đó sẽ góp phần tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (một lĩnh vực có rủi co cao, kén nhà đầu tư).

Về bổ sung khái niệm đất chăn nuôi tập trung.

Bổ sung khái niệm đất chăn nuôi tập trung (điều 9) và quy định về việc sử dụng đất chăn nuôi tập trung Điều 183.

Đó là căn cứ để bố trí quỹ đất cho phát triển chăn nuôi, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi, đặc biệt là hình thức chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, tự động. Điều đó sẽ thu hút các doanh nghiệp chăn nuôi đầu tư phát triển kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, văn minh.

  Về chuyển mục đích sử dụng đất

Tại Khoản 3, Điều 178 quy định “Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đa mục đích theo quy định tại Điều 218 của Luật này; được sử dụng một diện tích đất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trường hợp sử dụng đất trồng lúa thì thực hiện theo quy định tại Điều 182 của Luật này”.

Quy định về việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích (Điều 218) và cho phép người sử dụng Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu…. sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng đất linh hoạt, chủ động trong lựa chọn mục đích sử dụng đất hiệu quả, phù hợp họ. Qua đó sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân.

Về thu hồi đất

Điều 79 Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Điều đó sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu kép là (i) vừa đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước; (ii) vừa khắc phục được tình trạng thu hồi đất nông nghiệp tràn lan (đặc biệt đối với nhóm đất “bờ xôi, ruộng mật”), làm giảm diện tích đất nông nghiệp và ảnh hưởng đến người có sinh kế chính là nông nghiệp.

Về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất 

Tại Điều 112 đã quy định “nguyên tắc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất” và yêu cầu “việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách theo quy định của Luật này”.

Việc quy định chặt chẽ “nguyên tắc” và “yêu cầu” phát triển quỹ đất như vậy sẽ góp phần hạn chế việc thu hồi đất nông nghiệp không theo quy hoạch làm ảnh hưởng đến quỹ đất sản xuất của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa.

Liên quan đến Lâm nghiệp

Tại Điều 248 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 16/2023/QH15. Theo đó một số hoạt động được phép sử dụng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như: Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Chủ rừng được tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học. Đối với rừng sản xuất cũng  được sửa đổi để quy định rõ hơn quyền của chủ rừng như: Được tự tổ chức, hợp tác, liên doanh, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê rừng, thuê môi trường rừng phù hợp với quyền của chủ rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí hoặc nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không được ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Điều đó sẽ tạo động lực, cơ hội cho phát triển giá trị đa dụng của rừng và thu hút được đầu tư vào phát triển rừng. Việc ghi nhận rõ ràng, cụ thể các quyền của chủ rừng nhất là quyền tự mình hoặc hợp tác, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng, xây dựng du lịch sinh thái sẽ mở ra cơ hội đầu tư phát triển ngành dược liệu, du lịch, dịch vụ và phát triển giá trị đa dụng của rừng.

Tại Điều 122 quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đáp ứng các căn cứ theo quy định tại Điều 166 của Luật này…. Chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng được thống nhất giao cho chính quyền địa phương quyết định thể hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và địa phương phát huy tính chủ động, trách nhiệm trong việc sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp.

Khoản 5 Điều 248 (sửa đổi Điều 20 Luật Lâm nghiệp) quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác…

Khoản 3, Điều 30 “Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích đó và được phép chủ động khai thác, sử dụng kết hợp vào mục đích khác theo phương án được cơ quan chủ quản phê duyệt theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan (mục a, khoản 2 Điều 34). Như vậy các đơn vị sự nghiệp công lập ngành nông nghiệp sẽ có thêm cơ hội chủ động khai thác, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh với các chủ thể khác, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học nông nghiệp đóng góp, cống hiến để phát triển ngành nông nghiệp.

Trong phần kết luận tác giả đã khẳng định một lần nữa những Đổi mới trong Luật Đất đai 2024 sẽ tạo điều kiện cho việc dụng đất nông nghiệp linh hoạt, hiệu quả hơn. Từ đó thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, công nghệ cao, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Nhờ đó đời sống người nông dân được cải thiện, nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại. Điều đó sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng.

                                  PGS.TS Đỗ Thị Tám

                                 Nhóm NCM quy hoạch không gian lãnh thổ về sử dụng đất đai và môi trường