Tại Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, do Bộ NNPTNT tổ chức sáng nay (11/7), ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NNPTNT) cho biết: Sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trở thành nước đứng thứ 2 Đông Nam Á và 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, trong quá trình đó, nền nông nghiệp Việt Nam đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học; Chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của một số loại nông sản chưa cao; khâu bảo quản, chế biến còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít...
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030, mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo trên 70%; đưa tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản lên 10%.
Đồng thời, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ NNPTNT tuyển sinh bình quân hàng năm 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên Đại học; 8.000 sinh viên Cao đẳng; 20.000 học sinh Trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp, trong đó phấn đấu đăng ký học các ngành nông, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản chiếm 40% đối với Thạc sĩ, 30% Đại học, 20% Cao đẳng và Trung cấp.
"Số liệu thống kê chỉ ra rằng, mỗi năm học ở trường tăng thêm thì thu nhập của lao động tăng thêm 7,7%. Những lao động có bằng trung cấp nghề hoặc cao đẳng thì thu nhập cao hơn hẳn những người không có bằng cấp nghề. Trong khi đó, nguồn nhân lực được xem là rào cản và thách thức nhất cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn", ông Giang nói.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn diễn ra sáng nay, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: "Doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở tiêu chí doanh thu mà còn góp phần đưa phương pháp luận, tư duy thị trường, giúp các sinh viên thực hiện giấc mơ lớn, vì vậy các doanh nghiệp hãy cùng chúng tôi tạo ra giá trị cho tương lai...".
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp.
"Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy thị trường và nó gắn liền với doanh nghiệp. Cần đưa “luồng gió mới” của thị trường, kinh tế thị trường vào cơ sở đào tạo. Đó là cách để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời mở ra phương thức đào tạo: Một nửa thời gian học trên ghế nhà trường và một nửa còn lại học thực tế ở doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.
Chia sẻ tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trên thế giới việc hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đại học đóng vai trò rất quan trọng, là sự sống còn của các trường học.
Bà Lan lấy ví dụ như ở Đại học Wageningen (Hà Lan) - trường số một thế giới về nông nghiệp, khoa học sự sống - hiện có doanh thu 800 triệu Euro/năm, trong đó nguồn của doanh nghiệp chiếm 30%. Đại học Wageningen hợp tác với doanh nghiệp về đào tạo và nghiên cứu, theo đó sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp, theo đặt hàng của doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ...
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nông nghiệp rất lớn. Sự kết hợp giữa trường đào tạo với doanh nghiệp là mối quan hệ cần thiết. Nhờ mô hình tam giác vàng “Chính phủ - trường đại học - doanh nghiệp” tạo nên sự phát triển bền vững và thúc đẩy quốc gia phát triển. Sự quan tâm, chung tay của ba bên thì Việt Nam sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, nguồn nhân lực tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam phong phú, chất lượng cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Với nhiều mô hình khoa học công nghệ, phòng thí nghiệm ISO, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ..., Học viện sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp, đổi lại sinh viên sẽ được thực hành và trải nghiệm thực tế, kinh nghiệm quả trị, thực tiễn sản xuất, thị trường.
"Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy việc hợp tác mang lại nguồn thu, tạo ra các sản phẩm đào tạo và khoa học công nghệ phù hợp với thực tiễn. Hợp tác với doanh nghiệp là sự sống còn của trường đại học và ngược lại", GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
Chia sẻ với Dân Việt bên hành lang Hội nghị, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn PAN cho biết, bà rất tâm đắc với những chia sẻ của Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan khi nói về "giấc mơ nâng tầm nông nghiệp Việt Nam". Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều bước đi, trong đó, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng.
Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng, theo kịp với xu hướng chuyển đổi số, nông nghiệp số, Tập đoàn PAN mong muốn tìm được nguồn nhân lực phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp.
"Chúng ta hãy cũng nhau lan tỏa, cùng nhau kiến tạo để các em sinh viên có thể hiện thực hóa giấc mơ, góp phần nâng tầm nông nghiệp Việt Nam. Trong 3 năm tới, Tập đoàn PAN sẽ giành 3 tỷ đồng để cấp học bổng, tổ chức thực tập, tạo viên làm... cho sinh viên", bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn PAN bày tỏ.
Bà Nguyễn Tâm Trang, Tổng Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam cũng cho biết, trong những năm qua, đơn vị đã đồng hành cùng hàng trăm sinh viên trong việc đào tạo kỹ năng, liên kết đào tạo năng lực chuyên môn. Các chương trình hợp tác cùng các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc đã hỗ trợ 69% số lượng tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp hàng năm của Greenfeed.
Sau Hội nghị này, bà Trang cho hay, Greenfeed Việt Nam cam kết đồng hành cùng các nhà trường và các cơ quan ban ngành trong việc hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp.
Trong khuôn khổ Hội nghị, 60 doanh nghiệp và 18 trường đại học, cao đẳng đã cùng ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nguồn: Báo Dân Việt