Sáng 8/8, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo 'Bèo hoa dâu: Tiềm năng và thách thức trong sản xuất nông nghiệp bền vững'.
Ứng dụng trong nhiều lĩnh vực
Theo TS. La Nguyễn (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa), các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bèo hoa dâu (Azolla) là loài thực vật có tốc độ phát triển nhanh và có nhiều ứng dụng trong việc hấp thụ CO2, cố định N2, lưu giữ carbon, làm thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học, phân bón sinh học, làm sạch nước…
|
|
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. |
Tuy nhiên, một số điều kiện môi trường có thể gây hại cho bèo hoa dâu như nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp (bèo hoa dâu thường phát triển tốt trong nhiệt độ từ 20-30 độ C, nhiệt độ trên 35 độ C hoặc quá thấp dưới 10 độ C có thể làm giảm khả năng sinh trưởng hoặc chết); độ PH không phù hợp (bèo hoa dâu phát triển tốt nhất trong môi trường có độ PH từ 5,5-7,5); thiếu ánh sáng; các chất ô nhiễm, kim loại nặng, hóa chất độc hại trong nước có thể gây hại cho bèo hoa dâu… Do đó, cần hiểu rõ cơ chế về cách thức sản xuất, quan tâm phát triển cơ sở sản xuất giống bèo hoa dâu phục vụ cho sản xuất (có thể chọn nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm hay sản xuất trong nhà theo quy mô công nghiệp)...
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Giám đốc HTX Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đánh giá, bèo hoa dâu không cạnh tranh không gian, dinh dưỡng với cây trồng chính; chi phí đầu tư thấp, tốc độ nhân đôi số tiền đầu tư nhanh (trong 2-3 ngày) do khả năng nhân sinh khối; là nguyên liệu đầu vào hữu cơ với giá thành rất thấp của nhiều ngành sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt đến chăn nuôi.
Về mặt xã hội, bèo hoa dâu mang lại cơ hội bình đẳng giữa các vùng miền, thành phần dân tộc (bất kỳ ai cũng có thể nhân nuôi và ứng dụng giúp giảm nghèo và làm giàu bền vững). Đặc biệt, khi đưa bèo hoa dâu vào canh tác lúa sẽ tạo được dòng sản phẩm phát thải thấp với số lượng lớn, mở ra cơ hội giao dịch tín chỉ carbon từ những vùng sản xuất (500ha x 20 tín chỉ/ha =10.000 tín chỉ).
|
|
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Giám đốc HTX Vân Hội Xanh, cho rằng, cần bổ sung bèo hoa dâu như một đối tượng phân bón hữu cơ cho trồng trọt. |
Ông Hoàng cũng cho rằng, tại mỗi xã nên có 1 trung tâm bèo hoa dâu với quy mô 2-5 ha. Hằng năm sản xuất và cung ứng giống tươi cho thị trường tại chỗ từ 500 tấn trở lên. Bên cạnh đó, bổ sung bèo hoa dâu như một đối tượng phân bón hữu cơ cho trồng trọt; xây dựng cơ chế đặt hàng sản xuất bèo hoa dâu nhằm phục vụ phát triển sản xuất hữu cơ và kích thích khả năng nhân rộng.
Sớm tháo gỡ những khó khăn
Tại hội thảo, thạc sỹ Phạm Thị Thu (Sở NN-PTNT Bắc Kạn) chia sẻ, thông qua việc sử dụng bèo hoa dâu trong các mô hình trên địa bàn tỉnh như làm phân bón cho lúa, làm thức ăn cho ốc nhồi đen; canh tác lúa hữu cơ (nếp Tài) kết hợp nuôi cá chép và bèo hoa dâu gắn với du lịch cộng đồng… cho thấy việc nhân rộng bèo hoa dâu vẫn đối diện với nhiều khó khăn.
Cụ thể như chưa có định mức để xây dựng mô hình, chủ yếu lồng ghép vào các lớp tập huấn, mô hình nên diện tích ứng dụng còn ít, nhỏ lẻ; chưa có nghiên cứu chi tiết để đánh giá hiệu quả kinh tế (khi sử dụng giảm được bao nhiêu lượng phân đạm; hiệu quả kinh tế của mô hình khi có bèo hoa dâu…); chưa đo được lượng giảm phát thải khí nhà kính khi ruộng lúa có bèo hoa dâu; muốn nhân thả bèo hoa dâu phải quản lý được ốc bươu vàng, nhưng hiện tại chưa có thuốc sinh học hoặc thuốc thảo mộc đặc trị loài này...
|
|
TS Phạm Gia Minh cho rằng cần sớm có chính sách phân loại bèo hoa dâu thuộc nhóm phân bón hay cây trồng. |
TS Phạm Gia Minh, Trung tâm Bèo hoa dâu Việt Nam-Azovi nhận định, việc nhân rộng bèo hoa dâu trong sản xuất vẫn đối mặt với nhiều nút thắt như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm bèo dâu bị tàn lụi; khả năng đảm bảo số lượng, chất lượng và kịp thời về mùa vụ của bèo dâu giống; ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa trong canh tác bèo hoa dâu; xây dựng các định mức trong trồng trọt và chăn nuôi có ứng dụng bèo hoa dâu… Do đó, cần sớm có chính sách phân loại bèo hoa dâu thuộc nhóm phân bón hay cây trồng và phải có cơ quan được Bộ NN-PTNT giao làm đầu mối với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể để thực thi chủ trương phát triển.
Đồng thời, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của các thế hệ nhà khoa học Việt Nam và thế giới gần đây về lợi ích của bèo hoa dâu, xây dựng chương trình khảo sát lại ở quy mô phù hợp để xác định tính thích hợp trong điều kiện của chúng ta. Ví dụ, ảnh hưởng của bèo dâu lên độ phì nhiêu của đất, vai trò cải tạo đất, năng suất cây trồng, khả năng giảm phát thải CH4, hấp thụ CO2, cung cấp dinh dưỡng thức ăn gia súc...
Song song đó, hiện tại, một số quốc gia đạt trình độ khoa học cao và quy mô ứng dụng bèo hoa dâu rộng lớn trong trồng trọt, chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất dược phẩm như Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan... sẽ là những địa chỉ để hợp tác, trao đổi. Ngoài ra, do bèo hoa dâu có năng lực hấp thụ mạnh CO2 (gấp 8 lần cây xanh) và giảm phát thải CH4 từ ruộng lúa (20-40%) nên xem xét ứng dụng bèo hoa dâu là một hướng hợp tác với các quỹ tài trợ chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ...
|
|
Mô hình bèo hoa dâu của HTX rau an toàn Vân Hội xanh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. |
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, khởi tạo giá trị mới cho bèo hoa dâu là việc làm của những người “tử tế”. Bản thân bèo hoa dâu không lớn, nhưng giá trị mà nó mang lại cho nhân loại lại không hề nhỏ. Câu chuyện về bèo hoa dâu không lớn, nhưng sẽ khởi tạo một tư duy mới để phát huy tối đa giá trị của những tài nguyên đang hiện hữu xung quanh mình, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, thuận thiên, giảm phát thải, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để làm được điều này, phải cộng hưởng được sức mạnh từ nhiều phía (Nhà nước, nhà khoa học, xã hội, nông dân…). Từ những kinh nghiệm, thành tựu đã đúc rút qua nhiều thế hệ và các mô hình đã hiện hữu trên thực tế, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học cần tiếp cận theo chiều sâu để có cơ sở vững chắc chỉ rõ tại sao phải đầu tư “phục hưng” bèo hoa dâu và xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật.
Nguồn: Nongnghiep.vn