Thu hẹp khoảng cách giới sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp. Do vậy, cần xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn

Chiều 12/8, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn "Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp". Diễn đàn được tổ chức nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Năm quốc tế nữ nông dân” tại Việt Nam.

Cần xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn

Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, có sự đóng góp to lớn bởi các cán bộ nữ và nữ sinh viên, với 3 nhà khoa học nữ đã vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia, được vinh danh và nhận nhiều giải thưởng cao quý như Anh hùng Lao động...

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) – chia sẻ, VNUA có gần 1.300 cán bộ thì cán bộ nữ chiếm 56%, gần như 100% các cán bộ nữ đều tham gia nghiên cứu khoa học, đồng thời là cầu nối quan trọng trong các hợp tác với Mỹ và các nước trên thế giới.

Hiện nay, Học viện có quy mô đào tạo khoảng 26.000 sinh viên trình độ đại học và sau đại học, trong đó nữ chiếm tỷ lệ hơn 50%. Sinh viên nữ của Học viện luôn có thành tích tốt trong học tập và nghiên cứu, có nhiều cơ hội tham gia các dự án nghiên cứu và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhờ sự tham gia một cách nhiệt tình, khắp các tỉnh, thành phố đều có dấu chân của các nhà khoa học nữ đến từ Học viện.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) nhìn nhận, diễn đàn đã tạo ra không khí hứng khởi và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên, đặc biệt là đối tượng nữ của nhà trường.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) nhìn nhận, diễn đàn đã tạo ra không khí hứng khởi và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên, đặc biệt là đối tượng nữ của nhà trường. ((Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Bà Vũ Thị Phương Lan - Chủ tịch Công đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chia sẻ, hiện nay, tại các khu vực nông thôn, có khoảng 80% phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 25% phụ nữ tham gia quản lý các hợp tác xã nông nghiệp; 39% chủ thể OCOP là nữ. Đặc biệt, ở những vùng khó khăn, tỷ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo và quản lý các hợp tác xã, chủ thể OCOP càng phổ biến hơn.

Có thể thấy, phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng một vai trò không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Với tinh thần kiên cường và sáng tạo, họ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình đó, phụ nữ cũng đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, từ vấn đề bình đẳng giới đến tiếp cận nguồn lực và cơ hội phát triển.

Chia sẻ về những thách thức, trở ngại mà phụ nữ Việt Nam đang gặp phải trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Lương Như Oanh - Quản lý Chương trình, Chương trình Biến đổi Khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Tổ chức UN Women – thông tin, số lượng phụ nữ tham gia lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 50%, trong đó tại nông thôn là 67%, vùng dân tộc thiểu số 81%. Trong khi đó, ở Việt Nam, phụ nữ là một trong những lực lượng dễ bị tổn thương khi làm trong ngành nông nghiệp.

Trở ngại thứ hai, đó là định kiến xã hội. Bà Oanh cho biết, đây là tác động ảnh hưởng lớn đến phụ nữ. Người phụ nữ ở Việt Nam thường phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình nên tham gia sản xuất nông nghiệp đang mang tính nhỏ lẻ, tập trung phục vụ gia đình.

Cũng vì lí do trên, phụ nữ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu những tập huấn nông nghiệp hay những chương trình, chính sách của Nhà nước. Điều này cũng là thách thức trong việc mở rộng sản xuất, quy mô hóa, sở hữu tập trung của người phụ nữ.

Để nâng cao quyền, vị thế cho người phụ nữ, bà Nguyễn Giang Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, điều đầu tiên là người phụ nữ cần tự tin. Tự tin vào năng lực và khả năng bản thân.

Nhấn mạnh quan điểm “xác định rõ vai trò của phụ nữ”, bà Thu tin phụ nữ có đủ cơ sở để đứng vững. Vấn đề là các cấp, các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước có tạo điều kiện, hoặc mở ra những chương trình giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn hoặc tiến bộ, khoa học kỹ thuật hay không.

“Trong nội hàm nông nghiệp, vấn đề giới còn giúp xác lập vị thế của người phụ nữ tại các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu. Bởi tại những khu vực này, phụ nữ thường xuyên phải trong cảnh “vừa xay lúa, vừa bế em””, bà Thu nói.

Theo bà Vũ Thị Phương Lan, để nâng cao vai trò phụ nữ trong nông nghiệp, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương. Chúng ta cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tập huấn đào tạo, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới để mỗi người phụ nữ đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển chung.

2 nữ nông dân Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm số hóa trong nông nghiệp

Tại Diễn đàn, 2 nữ nông dân tiêu biểu của Hoa Kỳ (bà Jennifer H. Schmidt trong lĩnh vực trồng trọt và bà Jaclyn Wilson trong lĩnh vực chăn nuôi) đã chia sẻ chuyên môn về công nghệ và chiến lược thị trường. Thúc đẩy đối thoại về những thách thức mà phụ nữ nông dân Đông Nam Á phải đối mặt và trao đổi giáo dục nông nghiệp Hoa Kỳ cho sinh viên nữ ở Việt Nam.

Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong nông nghiệp
Hai nữ nông dân Hoa Kỳ Jennifer Schmidt và Jaclyn Wilson trong buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ Diễn đàn "Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp" (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Bà Jennifer H. Schmidt - nông dân đến từ Sudlersville, Maryland (Hoa Kỳ) - cho biết, nông dân Hoa Kỳ áp dụng nhiều công nghệ trong trang trại của mình như: Sử dụng các app có thể cài đặt trên đện thoại thông minh, vừa sử dụng, điều khiển dễ dàng vừa giúp cung cấp những thông tin liên quan tới sinh trưởng cây trồng, dịch hại, thị trường. Từ đó, giúp đưa ra các quyết định chính xác về hoạt động canh tác.

Các nông dân của xứ cờ hoa còn sử dụng thêm các app để biết loại cây trồng đang canh tác, cụ thể về diện tích, sản lượng, thông tin liên quan tới lượng nước tưới… Sau đó, họ phải đưa ra được thông tin cụ thể về việc sử dụng nguồn nước… Bởi lẽ, thông tin báo cáo này là điều kiện tiên quyết theo thời gian để trang trại báo cáo các sở, ngành liên quan và đây là thông tin quan trọng để chính quyền Bang cần, đồng thời sẽ kiểm tra.

Một trong những app nữa mà nông dân Hoa Kỳ thường xuyên sử dụng là quan sát, giám sát hiện trường. Một trong những phần quan trọng của app này là ở đó có thể thấy điều kiện cây trồng đang như thế nào, thông tin cảnh báo về sinh vật động vật có thể gây hại thế nào… Nếu dùng mắt thường thì không thể quan sát chi tiết nên app này sẽ giúp nông dân Hoa Kỳ quản lý chặt chẽ.

Trước đây, trang trại Wilson Flying Diamond Ranch (Lakeside, bang Nebraska) của nữ nông dân Jaclyn Wilson chăn nuôi theo hướng truyền thống, nhưng một vài năm gần đây, bà đẩy mạnh “số hóa”. Dựa trên ảnh vệ tinh và cơ sở dữ liệu sẵn có, bà cùng các cộng sự có thể sớm nhận thông tin về đồng cỏ, về mưa, để có thể sớm di chuyển gia súc đến những khu vực “tốt” hơn, giúp đảm bảo sức khỏe động vật.

Ngoài ra, công nghệ còn giúp trang trại của bà Jaclyn tinh giản tối đa nhân lực (hiện chỉ có 2 người phụ giúp bà trong mọi công việc). Kể từ khi tốt nghiệp đại học vào năm 2002, Jaclyn Wilson đã dành nhiều giờ trong ngày để nghiên cứu kỹ lưỡng toàn bộ 7.000 ha đồng cỏ. Qua đó, nông dân này đã nảy ra sáng kiến về việc sử dụng AI để có dữ liệu thực về thông tin đàn gia súc.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc quản lý đàn bò, theo bà Jaclyn là hết sức cần thiết, nhất là khi ngành nông nghiệp nói chung đứng trước thách thức nuôi sống 8 tỷ dân trên toàn cầu. Để có thể giải bài toán “big data” ấy, nữ nông dân bang Nevada cho biết, cần 5 giải pháp tập trung vào công nghệ, tuân thủ các quy định, tính hiệu quả, sự ủng hộ và lan tỏa trong cộng đồng.

Điều cuối cùng, người nông dân Hoa Kỳ muốn truyền tải đến toàn thể đại biểu, đó là ngày càng nhiều phụ nữ trẻ bước vào lĩnh vực nông nghiệp với niềm đam mê và nhiệt huyết. Nếu như trước đây, Jaclyn Wilson thường là người phụ nữ duy nhất trong phòng họp, đứng giữa “một biển” nam giới thì nay, xung quanh bà đã có rất nhiều nữ đồng nghiệp khác.

Bà Jaclyn Wilson cho biết, trang trại của bà thường xuyên mở cửa để tổ chức các chương trình thực tập, nhằm giúp những phụ nữ trẻ có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế về ngành nông nghiệp.

"Tôi tin rằng từng chút một, phụ nữ sẽ gây dựng được sự tự tin, đồng thời được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể thành công trong lĩnh vực nông nghiệp", bà Jaclyn Wilson chia sẻ.

Nguyễn Hạnh - https://congthuong.vn/