Không có giống “xã hội hóa”

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp về các quy định của Luật Trồng trọt.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Trồng trọt cần khẩn trương có hướng dẫn để các doanh nghiệp thực thi Luật Trồng trọt, không làm ảnh hưởng tới sản xuất. Ảnh: Lâm Hùng. 

Đối với vấn đề các doanh nghiệp có ý kiến về việc gia hạn công nhận lại giống cây trồng theo quy định của Luật Trồng trọt đối với các giống đã được công nhận lần đầu cách đây 20 năm theo Quyết định số 1659 QĐ/BNN-KHCN ngày 13/5/1999 (Quyết định 1659) của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp cho rằng, những giống này đã được “xã hội hóa” bằng nguồn lực của các doanh nghiệp nên diện tích sản xuất được mở rộng, việc công nhận lại đang gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất giống, đẩy giá giống tăng cao, người dân chịu thiệt thòi.

Quy định về thời hạn công nhận giống cây trồng theo Luật Trồng trọt (10 năm với giống cây trồng hàng năm, 20 năm với giống cây trồng lâu năm) và bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ (bảo hộ 25 năm với giống cây thân gỗ và cây nho; 20 năm với cây trồng khác) có sự khác nhau cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong trường hợp còn thời gian bảo hộ nhưng vẫn phải thực hiện công nhận lại.

Theo ông Cường, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận lưu hành được quy định tại Luật Trồng trọt và tổ chức, cá nhân là chủ bằng bảo hộ giống cây trồng được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ là khác nhau. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định cộng nhận lưu hành được quy định tại Điều 31 Luật Trồng trọt. Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ bằng bảo hộ được quy định tại Điều 186, 187, 191 của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật nào được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đó.

Ông Cường cũng cho rằng, tất cả các văn bản pháp luật hiện hành về giống cây trồng không có khái niệm “giống xã hội hóa”. Các giống được công nhận tại Quyết định 1659 đều là giống có tác giả, có quyền đề nghị công nhận lại theo quy định của Luật Trồng trọt. Pháp luật bảo vệ quyền này.

Về vấn đề mốc giới hạn 10 năm với một giống mới của cây hàng năm và 20 năm với cây lâu năm, sau đó được gia hạn công nhận lưu hành là con số cảm tính, thiếu cơ sở khoa học và không tương thích với quy định về sở hữu trí tuệ, phần bảo hộ giống cây trồng.

Ông Cường giải đáp: Giống cây trồng là đối tượng sinh học, do vậy cần được tác giả, cơ quan tác giả duy trì nguồn giống theo đúng đặc tính ban đầu, đặc biệt là tính chống chịu sâu bệnh của giống. Nếu tác giả không thường xuyên duy trì thì giống sẽ bị thoái hóa, trở nên nhiễm với sâu bệnh khi loài sâu bệnh đó xuất hiện các nòi mới có độc tính cao hơn (với giống lúa theo các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước với rầy nâu hay bệnh đạo ôn, bạc lá thường 5 năm sẽ xuất hiện các nòi mới có độc tính cao hơn). Do vậy, việc thực hiện gia hạn lưu hành với giống cây trồng (chỉ cần thực hiện khảo nghiệm có kiểm soát 3 loài sâu bệnh đạo ôn, bạc lá, rầy nâu) là cần thiết để các cơ quan chuyên môn biết thông tin để chỉ đạo sản xuất, bố trí mùa vụ, định hướng vùng sản xuất...

Với câu hỏi đến thời điểm ngày 22/4/2023 có bao nhiêu giống được gia hạn công nhận lưu hành? Hiện tại những giống chưa được gia hạn quyết định công nhận lưu hành theo Luật Trồng trọt thì không được sản xuất kinh doanh. Những giống đó còn đang tồn kho bảo quản, đang trong quá trình sản xuất thì xử lý thế nào (những giống này các công ty đã phải tổ chức chọn lọc dòng từ những vụ trước)?

Ông Cường thông tin: Tính từ khi Luật Trồng trọt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đến ngày 22/4/2023, đối với lúa đã công nhận lưu hành 96 giống; công nhận lưu hành đặc cách 9 giống; gia hạn lưu hành 74 giống. Đối với ngô, công nhận lưu hành 45 giống, gia hạn công nhận lưu hành 35 giống.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng. Ảnh: Lâm Hùng. 
 

Về băn khoăn quy định về tự công bố lưu hành còn chung chung, chưa hướng dẫn cụ thể như quy định công bố giá trị canh tác, giá trị sử dụng đang được hiểu là phải khảo nghiệm VCU nên doanh nghiệp đang khó khăn trong thực hiện tự công bố lưu hành, làm khó các đơn vị kinh doanh giống và làm rối loạn thị trường giống, tốn kém chi phí, nguồn lực xã hội.

Ông Cường giải đáp, việc thực hiện tự công bố lưu hành giống cây trồng nói chung và giống rau nói riêng được Cục Trồng trọt thực hiện theo các quy định tại Điều 17 của Luật Trồng trọt đã quy định rõ về điều kiện tự công bố lưu hành giống cây trồng và Điều 6, Nghị định 94 quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng. Hiện nay, các tổ chức cá nhân đang thực hiện việc tự công bố lưu hành giống cây trồng theo quy định. Tính đến nay đã có khoảng 5.000 giống cây trồng được tự công bố lưu hành.

Kinh doanh giống đã được công nhận đặc cách không cần phải được ủy quyền

Đối với vấn đề quy định về cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng hiện chưa có hướng dẫn, quy định rõ thời gian lưu hành của giống, phạm vi lưu hành giống. Trường hợp doanh nghiệp ở tỉnh khác muốn sản xuất giống lưu hành đặc cách có phải xin phép Sở NN-PTNT nơi có giống được công nhận đặc cách không? Không ủy quyền cho công ty ngoài tỉnh có được không, vì sở cũng như đơn vị được ủy quyền không có trách nhiệm duy trì tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống này trong quá trình lưu hành theo Khoản 2, Điều 31. Thật khó vì không có điều nào, văn bản nào hướng dẫn cả.

Ông Cường trả lời: Tại Khoản 2, Điều 16 của Luật Trồng trọt đã quy định cụ thể về việc không áp dụng thời hạn công nhận lưu hành và không phải gia hạn công nhận lưu hành đối với giống cây trồng công nhận đặc cách. Về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, hủy bỏ quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng được quy định cụ thể tại Điều 5 của Nghị định 94. Trong đó, theo Mẫu số 04.ĐC Phụ lục III của Nghị định 94 về quyết định công nhận lưu hành đặc cách không quy định về thời hạn và vùng công nhận.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, quy định nào, điều nào trong Luật Trồng trọt, nghị định, thông tư cần thiết phải sửa thì nhất định phải nghiên cứu để sửa. Ảnh: Lâm Hùng. 

Theo đó, đối với các giống cây trồng là giống đặc sản, giống cây trồng bản địa, giống đã tồn tại lâu dài trong sản xuất, được địa phương đề nghị nhằm phóng thích các giống đó ra sản xuất, đáp ứng yêu cầu của địa phương. Do vậy, khi giống cây trồng được một địa phương đề nghị công nhận đặc cách thì các địa phương khác đều được sản xuất, buôn bán và các tổ chức, cá nhân đều được sản xuất buôn bán theo quy định.

Như vậy, các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán đối với giống cây trồng đã được cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách không cần phải được sự ủy quyền của tổ chức có giống cây trồng đã được cấp quyết định công nhận lưu hành đặc cách.

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt (hiện nay Bộ NN-PTNT đang trình Chính phủ ban hành) không quy định xử phạt hành chính đối với tổ chức sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lưu hành đặc cách khi chưa được ủy quyền của tổ chức đứng ra đăng ký lưu hành đặc cách.

Với câu hỏi một số cây trồng chính (chủ yếu nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp), đến nay đã 3 năm Luật Trồng trọt có hiệu lực vẫn chưa ban hành được TCVN và liệu Bộ NN-PTNT có ban hành lại Thông tư về cây trồng chính theo quy định của Luật?

Theo ông Cường, hiện nay các tiêu chuẩn về giá trị canh tác, giá trị sử dụng đối với nhóm cây công nghiệp, cây ăn quả thuộc cây trồng chính đã được hoàn thiện và gửi sang Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố áp dụng.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, giống cây trồng quyết định tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, quan điểm của Bộ NN-PTNT là không ngại chỉnh sửa các thủ tục hành chính để những quy định của pháp luật sát với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất ra những bộ giống mới có chất lượng phục vụ sản xuất.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, quy định nào, điều nào trong Luật Trồng trọt, nghị định, thông tư cần thiết phải sửa thì nhất định phải nghiên cứu để sửa.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Trồng trọt tiếp tục trao đổi với các hiệp hội giống, tham khảo ý kiến từ Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT), các cơ quan liên quan trên tinh thần cầu thị để nhanh chóng điều chỉnh những quy định còn chưa phù hợp. Trong đó, những giống nào chưa được công nhận gia hạn lưu hành mà vẫn có tỷ trọng lớn trong sản xuất phải có hướng dẫn xử lý vướng mắc ngay, không để ảnh hưởng tới sản xuất