Tiếp nối thành công của đề tài “Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến an ninh lương thực và dinh dưỡng của người lao động di cư như thế nào?” được thực hiện từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 trong khuôn khổ dự án Covid Collective do Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) tài trợ thông qua Viện Nghiên cứu Phát triển Vương Quốc Anh (IDS), Nhóm nghiên cứu mạnh “Cấu trúc xã hội nông thôn” – Khoa Khoa học xã hội, trưởng nhóm là PGS.TS Nguyễn Thị Diễn, tiếp tục đóng góp cho giai đoạn 2 của Dự án với đề tài “Cải thiện khả năng phục hồi về mặt kinh tế và xã hội của lao động di cư ở miền Bắc Việt Nam” (được thực hiện từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023). Đề tài bao gồm một chuỗi hoạt động nhằm cải thiện chính sách và tăng cường năng lực cho người lao động di cư trước những thách thức đặt ra từ Đại dịch Covid-19.

           Hội thảo tập huấn “Tăng cường năng lực cho người lao động di cư bị ảnh hưởng bởi Đại dịch Covid-19” có mục tiêu trang bị kiến thức cho người lao động di cư về hệ thống chính sách bảo trợ, an sinh xã hội và quyền của người lao động di cư trong bối cảnh Đại dịch Covid-19. Ngày 19/02/2023, Hội thảo tập huấn được tổ chức tại Bắc Ninh. Nội dung tập huấn bao trùm các lĩnh vực hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, vai trò của tổ chức công đoàn, các chính sách an sinh xã hội đối với người lao động và các chính sách hỗ trợ khẩn cấp trong bối cảnh đại dịch. Các nội dung đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của người lao động tham dự tập huấn. Ngoài các câu hỏi về kiến thức đối với giảng viên, học viên mạnh dạn chia sẻ những câu chuyện của bản thân để cho thấy “khoảng trống” giữa pháp luật và thực tiễn: quan hệ lao động “ngụy danh” dưới quan hệ dân sự thuần túy khiến người lao động không được hưởng quyền lợi thực sự của mình, mong muốn được tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội tự  nguyện nhưng bất lực vì không đủ khả năng chi trả, tình trạng đánh giá mức độ “hoàn thành công việc” của người lao động và chấm dứt hợp đồng lao động một cách tùy tiện trong khu công nghiệp, sự bất cập của hệ thống công đoàn trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho người lao động...

         Ngày 26/3/2022, Hội thảo tổng kết tập huấn được tổ chức tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hội thảo hướng tới mục tiêu tổng kết, đánh giá và bài học kinh nghiệm rút ra từ mô hình tập huấn đã thực hiện, khuyến khích nhân rộng mô hình tại các địa phương và kiến nghị sửa đổi chính sách đối với người lao động di cư từ góc nhìn của chính bản thân họ.

         Tham dự Hội thảo có GS.TS Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Vương quốc Anh (IDS), đại diện chính quyền, đoàn thể huyện Gia Lâm - Hà Nội, huyện Quế Võ - Bắc Ninh, người sử dụng lao động, giảng viên và người lao động di cư tham gia tập huấn, học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài Học viện.

        Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Bảo Dương nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã để lại không ít tác động bất lợi lên các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là lao động di cư trong khu công nghiệp và khu vực phi chính thức, ảnh hưởng tới việc làm của người lao động và an sinh gia đình họ. Chính vì vậy, các nhóm chính sách đối với những đối tượng yếu thế và sự nhận thức đầy đủ của họ về các nhóm chính sách này sẽ giảm được tác động tiêu cực của COVID-19, bảo đảm công bằng xã hội để tất cả cùng vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.

          Đồng phát biểu khai mạc, TS. Peter Taylor gửi lời chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo, đánh giá cao các kết quả Nhóm nghiên cứu “Cấu trúc xã hội nông thôn” đã đạt được trong quá trình thực hiện đề tài, khẳng định sự đóng góp của các thành tựu đó đối với mục tiêu, nguyên tắc định hướng cốt lõi của chương trình Covid Collective.

          Sau phát biểu khai mạc, giảng viên Phạm Thị Hải Dịu đã tổng kết các kết quả đạt được của khóa tập huấn tại Bắc Ninh. Kết quả khảo sát cho thấy sau khi được tập huấn, kiến thức về pháp luật lao động và an sinh xã hội của người lao động đã thay đổi đáng kể. Tuy với thời lượng tập huấn không dài, sự nắm bắt của người lao động phản ánh hiệu quả rất tích cực của khóa tập huấn và thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc của Nhóm nghiên cứu, giảng viên và người lao động tham gia tập huấn.

         Anh Đèo Văn Long – đại diện lao động tự do ở Gia Lâm và chị Trần Thị Mỳ - đại diện người lao động di cư ở Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh phát biểu cảm nhận về khóa học và bày tỏ mong muốn các lớp tập huấn tương tự được tổ chức một cách thường xuyên hơn để nâng cao năng lực cho người lao động nói chung là người lao động di cư nói riêng.

          Hội thảo đã nghe phát biểu của ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Mạnh Tùng – Phó trưởng ban Tuyên giáo huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Văn Dương – bí thư thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện – Viện Xã hội học. Các phát biểu nêu bật ý nghĩa của hoạt động tổ chức tăng cường năng lực cho người lao động và khả năng áp dụng trong khuôn khổ tổ chức công đoàn các cấp, cơ quan đoàn thể khác tại địa phương, tổ chức phi chính phủ. Các phát biểu đồng thời chia sẻ kinh nghiệm đã có tại chính tổ chức của họ để hoàn thiện hơn mô hình tập huấn cho người lao động nói chung, người lao động di cư nói riêng trong tương lai. Đặc biệt, ThS. Lê Thị Yến – đại diện đơn vị sử dụng lao động khu vực Bắc Ninh cũng bày tỏ sự đồng tình đối với chủ trương nâng cao nhận thức của người lao động về quyền và lợi ích chính đáng của bản thân họ. Từ kinh nghiệm sử dụng lao động của công ty gia đình thành lập, ThS. Lê Thị Yến cho biết, với phương châm “giữ chân người lao động”, việc thực thi pháp luật lao động trong doanh nghiệp luôn phải đảm bảo mức độ bằng và cao hơn so với hệ thống phúc lợi cho người lao động do Nhà nước quy định.

         Phiên thảo luận đã diễn ra với hai nhóm lao động di cư tự do, do PGS.TS Nguyễn Thị Diễn điều hành và lao động di cư khu công nghiệp, do TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh điều hành. Hai nhóm đã thảo luận sôi nổi về hệ thống cơ quan, tổ chức, nguồn lực tiến hành hoạt động tăng cường năng lực cho người lao động di cư trong tương lai; mô hình tổ chức, đối tượng tham gia, nội dung tập huấn... từ kinh nghiệm khóa tập huấn đã thực hiện và kinh nghiệm của các bên tham gia hội thảo; cải thiện “lỗ hổng” về mặt chính sách cho người lao động di cư trong và sau đại dịch. Về nguồn lực và mô hình tổ chức tập huấn, nhóm lao động tự do xác định nguồn lực tiềm năng đến từ nhiều cơ quan, tổ chức đa dạng như: chính quyền địa phương, các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức thiện nguyện; và các hình thức tập huấn phong phú như tập huấn tại chỗ, thực hành, tham quan tại các địa điểm phù hợp, kết hợp với các biện pháp tuyên truyền hiện đại và truyền thống... Đối với lao động khu công nghiệp, do đặc thù chặt chẽ hơn về mặt thời gian và địa điểm lao động, bên cạnh đó thường được coi là “ít tổn thương” hơn so với lao động tự do từ góc nhìn của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nghiên cứu, nên có xu hướng tìm sự hỗ trợ về chính sách, thủ tục... từ các tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi cho mình như tổ chức công đoàn các cấp, tổ chức đại diện tại cơ sở do chính người lao động lập ra... Do vậy, hệ thống các tổ chức này được xác định là chủ thể tiềm năng nhất cho các hoạt động tập huấn trong tương lai. Về phương diện cải cách chính sách, có thể thấy rằng khuôn khổ pháp luật Việt Nam hiện nay khá hoàn chỉnh với khuynh hướng bảo vệ quyền lợi về mọi mặt cho người lao động có giao kết hợp đồng lao động, vấn đề chỉ nằm ở khâu thực thi tại các cơ sở sử dụng lao động. Trong khi đó, chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người lao động tự do còn đang trong giai đoạn sơ khai khiến sự đảm bảo cơ bản về mặt pháp lý đối với họ hầu như không có. Do vậy, trong tương lai, nhóm lao động tự do rất mong muốn sẽ có khuôn khổ pháp lý dành cho các nhóm lao động đặc thù như họ. Đồng thời, Nhà nước nên xây dựng chính sách hỗ trợ để mở rộng cơ hội tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động tự do.   

         Kết thúc Hội thảo, Ban tổ chức trao chứng chỉ cho các học viên tham dự tập huấn để ghi nhận sự nỗ lực và tri ân đóng góp của họ đối với chương trình. PGS.TS Nguyễn Thị Diễn phát biểu bế mạc Hội thảo, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Học viện, cơ quan tài trợ - Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh; cảm ơn Viện Nghiên cứu Phát triển Vương Quốc Anh với vai trò điều phối dự án, các cơ quan Nhà nước ở địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, người lao động di cư… đã đồng hành trong quá trình thực hiện đề tài.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh - Khoa Khoa học xã hội