Với mục tiêu thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế đồng thời thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ được Học viện giao hàng năm, ngày 27 tháng 4 năm 2023 Khoa Tài nguyên & Môi trường và Nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) “Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng cây trồng” đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp (IRD) tổ chức Hội thảo quốc tế tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam với chủ đề: “Towards the establishment of an Asian soil health monitoring system” (Hướng tới việc thành lập hệ thống giám sát về sức khoẻ của đất Châu Á). Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với tổng số hơn 70 đại biểu tham dự đến từ các tổ chức quốc tế như FAO, Mạng lưới phòng thí nghiệm đất toàn cầu (GLOSOLAN), Hiệp hội Đất châu Á, Viện nghiên cứu và Phát triển Pháp (IRD) tại CHDCND Lào và Việt Nam, Cục Phát triển đất đai (LDD) Thái Lan, đại biểu các nước CHDCND Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philipin, Ấn Độ, các nhà khoa học trong nước đến từ Viện Thổ nhưỡng Nông hoá. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có GS.TS. Phạm Bảo Dương- Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Trần Trọng Phương - Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, PGS. TS. Võ Hữu Công – Phó Trưởng khoa, các thành viên nhóm NCM và các Giảng viên trong và ngoài khoa tham dự.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự trực tiếp tại Hội thảo
 Các đại biểu tham dự trực tiếp tại Hội thảo
Mục tiêu chính của buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các nhà khoa học, quản lý về tầm quan trọng của việc thiết lập các chương trình giám sát dài hạn; trao đổi bài học kinh nghiệm từ các nước tham dự về các chiến lược, chương trình quốc gia và cách thức đã sử dụng để quan trắc sức khoẻ đất; thảo luận các ý tưởng và lộ trình thực hiện các bước hướng tới thành lập mạng lưới đối tác quan trắc sức khoẻ đất khu vực châu Á.

Phát biểu chào mừng Hội thảo thông qua hình thức trực tuyến, GS. TS. Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện đã nhấn mạnh: Sức khỏe của đất có tác động lớn đến năng suất cây trồng và sản xuất lương thực, cũng như chất lượng nông sản. Nó chịu ảnh hưởng của cả sự phát triển kinh tế, xã hội và các quá trình tự nhiên. Đặc biệt, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã tác động không nhỏ đến sức khỏe của đất, đặt ra yêu cầu không chỉ các nhà khoa học mà cả các nhà quản lý phải quan tâm nghiên cứu, bảo vệ tài nguyên đất. GS. Phạm Bảo Dương cũng cho rằng với những hoạt động tích cực của Hội thảo này, triển vọng thành lập mạng lưới giám sát sức khỏe đất ở quy mô khu vực sẽ thể hiện sự đoàn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, đồng thời mang đến hy vọng các quốc gia có thể chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Phát biểu tại Hội thảo PGS. TS. Trần Trọng Phương - trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường cũng tin tưởng rằng, thông qua Hội thảo này các nước thành viên có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thảo luận các ý tưởng và hài hoà các sự khác biệt để hướng đến bước đầu thực hiện mục tiêu đầy thách thức là thành lập Mạng lưới đối tác sức khoẻ đất khu vực Châu Á.

leftcenterrightdel
GS.TS. Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội  thông qua hình thức trực tuyến
 GS.TS. Phạm Bảo Dương – Phó Giám đốc Học viện phát biểu thông qua hình thức trực tuyến
Tại Hội thảo, Bà Lucrezia Caon (Đại diện FAO khu vực châu Á Thái Bình Dương) đã nêu tầm quan trọng của việc cần có một cách tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe của đất, trong đó các hoạt động đánh giá và quan trắc sức khoẻ đất cần được kết nối với chính sách, khu vực tư nhân (đầu tư, nghiên cứu và phát triển) và người sử dụng đất. Đồng thời đặt ra vấn đề cần giải quyết là làm thế nào để các dữ liệu, chỉ số về sức khỏe của đất được sử dụng và chuyển thành các hành động để bảo tồn và/hoặc cải thiện sức khỏe của đất.
leftcenterrightdel
Bà Lucrezia Caon ( Đại diện FAO khu vực châu Á Thái Bình Dương) trình bày tại Hội thảo
Bà Lucrezia Caon ( Đại diện FAO khu vực châu Á Thái Bình Dương) trình bày tại Hội thảo 

 Tại buổi Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã được nghe các chuyên gia đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Camphuchia và Việt Nam chia sẻ các kinh nghiệm của các nước trong việc khảo sát, quan trắc, phân tích các chỉ tiêu sức khoẻ đất ngoài thực địa cũng như trong phòng thí nghiệm, đồng thời các biện pháp kỹ thuật, công nghệ được áp dụng để cải thiện các chỉ số sức khoẻ đất. Đây là những kinh nghiệm quý để tham khảo và vận dụng vào thực tiễn ở mỗi quốc gia.

leftcenterrightdel
Các chuyên gia trình bày tại Hội thảo

Các chuyên gia trình bày tại Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau đề xuất một lộ trình thành lập Mạng lưới đối tác châu Á về sức khoẻ đất dưới sự dẫn dắt của FAO và ASP, kêu gọi sự hợp tác của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu… để từng bước xây dựng và thực hiện các chương trình hành động tại mỗi quốc gia và khu vực.

                                          Nguyễn Thu Hà - nhóm NCM Quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng cây trồng