Với mục đích tăng cường hợp tác, tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trao đổi, giới thiệu kết quả nghiên cứu cập nhật và kết nối với doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại hoá sản phẩm khoa học, sáng ngày 25 tháng 11 năm 2022, Nhóm nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật” thuộc Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo toàn quốc “Vi sinh vật có lợi - Ứng dụng trong nông nghiệp và thực phẩm”.
Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện đã nêu rõ: “Chiến lược Phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Chính phủ Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ, khoa học về bảo vệ sức khoẻ sẽ là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh yêu cầu phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại, việc xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến thực phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn mà còn lành mạnh và bền vững là một nhiệm vụ rất quan trọng. Trong lĩnh vực sản xuất nông sản, bảo quản và chế biến thực phẩm, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, việc nghiên cứu và ứng dụng vi sinh vật có lợi chiếm vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người, thân thiện môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững”. Giáo sư cũng đánh giá cao Nhóm nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật” đã tiên phong, nỗ lực tổ chức Hội thảo toàn quốc này, đây là cơ hội để các nhà khoa học giao lưu học thuật, chia sẻ các thông tin nghiên cứu bổ ích và tạo mạng lưới liên kết hợp tác sau này trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm nói chung và hướng nghiên cứu ứng vi sinh vật có lợi nói riêng.
Hội thảo đã nhận được gần 50 bài tóm tắt các nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ nhiều Viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước. Trong sáng ngày 25 tháng 11 năm 2022, Hội thảo đã được nghe trình bày trực tiếp 7 bài báo cáo, bao gồm:
- “Vi sinh vật có lợi trong Nông nghiệp và thực phẩm: Góc nhìn trong nghiên cứu và ứng dụng tại Đại học Bách Khoa Hà Nội” do PGS.TS. Hồ Phú Hà, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày
- “Nghiên cứu sàng lọc vi khuẩn có hoạt tính kích thích kháng hệ thống không đặc hiệu trên mô hình thực vật và định hướng ứng dụng” do PGS.TS. Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam giới thiệu
- “Vi sinh vật hữu hiệu trong Nông nghiệp hữu cơ” do GS.TS.NGND. Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển sinh học nông nghiệp tiên tiến trình bày
- “Khai thác đa dạng vi nấm tại Việt Nam nhằm phát hiện những enzyme mới tham gia vào quá trình thủy phân sinh khối thực vật” do PGS.TS. Vũ Nguyên Thành, Ông là Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm, Giám đốc Trung tâm Vi sinh vật Công nghiệp
- “Sản xuất chế phẩm hoạt chất kìm hãm alpha glucosidase từ đỗ đen lên men của Aspergillus oryzae ứng dụng cho chế biến thực phẩm bảo vệ sức khỏe” được giới thiệu bởi TS. Nguyễn Đức Tiến, Phó Viện trưởng, Viện Cơ điện Nông nghiệp và CN Sau thu hoạch
- “Ứng dụng vi sinh vật có lợi để nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản” được trình bày bởi nhóm nghiên cứu của TS Bùi Thị Thu Hiền, TS. Phạm Thị Điềm đến từ Viện nghiên cứu Hải sản.
- “Ứng dụng vi sinh vật để phân giải histamin trong nước mắm truyền thống” do PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày.
Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, các nhà khoa học đã có thêm nhiều chia sẻ, trao đổi, dự thảo phương án hợp tác giữa các đơn vị, với doanh nghiệp... để có thêm nhiều nghiên cứu thiết thực, hữu ích trong lĩnh vực ứng dụng vi sinh vật có lợi trong thực phẩm và nông nghiệp.
Một số hình ảnh của buổi hội thảo
|
GS.TS. Phạm Bảo Dương phát biểu khai mạc Hội thảo |
|
Đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
|
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch trình bày tại Hội thảo |
|
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy-Chủ trì Hội thảo và TS. Trần Thị Thu Hằng-Trưởng nhóm NCM “Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật” trao quà cảm ơn cho các diễn giả trình bày tại Hội thảo |
Nhóm Nghiên cứu mạnh
“Bảo quản và chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật”