Những ngày tháng 7 này, đồng bào, chiến sĩ cả nước khắc ghi trong lòng con số 1944 – 2024 gắn với 80 năm cuộc đời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kính yêu. Tiếp nối mạch nguồn của tháng tri ân, con số 4 gợi nhớ trong tâm thức của cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên về những tấm gương Anh hùng liệt sĩ là cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã dâng trọn cả cuộc đời mình cho dân, cho nước.  

1. Tấm gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy Năm 1994 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – tròn 30 năm trước đây

Nguyễn Văn Bảy (1943-1972), biệt danh Bảy B quê ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh  Cà Mau, gia đình tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1965 khi đang học Đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thì trúng tuyển phi công và được đưa đi đào tạo tại Liên Xô. Năm 1968 về nước, anh tham gia chiến đấu và được điều về Đoàn Không quân Yên Thế. Năm 1972, hạm đội VII của Hải quân Mỹ tấn công Quảng Bình, nhằm ngăn chặn con đường vận tải vật tư Bắc - Nam. Khi đó chiến dịch xuân - hè 1972 đang diễn ra ác liệt. Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương sử dụng không quân để tác chiến. Phi công  Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ này. Ngày 19 tháng 4 năm 1972, phát hiện năm tàu chiến Mỹ, máy bay MiG-17 do phi công Nguyễn Văn Bảy xuất phát từ sân bay dã chiến tại Sân bay Khe Gát (đường băng bằng đất) tấn công và đã lập chiến công đầu tiên cho không quân Việt Nam, làm cho quân đội Mỹ kinh ngạc. Sau chiến thắng, phi công Nguyễn Văn Bảy vinh dự được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày 6 tháng 5 năm 1972, biên đội MiG-17 của Nguyễn Văn Bảy không chiến với 24 máy bay cường kích Mỹ bao gồm các loại A-6, A-7, F-4 nhằm ngăn chặn không quân Mỹ bắn phá miền Bắc. Máy bay của anh bị rơi trên bầu trời Thanh Hóa và anh đã anh dũng hy sinh.

Trực tiếp chiến đấu trong 4 năm, với thành tích đã bắn hạ 04 máy bay và gây hư hại cho một tàu chiến Mỹ, năm 1994 cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phi công Nguyễn Văn Bảy được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

leftcenterrightdel
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B) sau giờ bay huấn luyện. (Ảnh tư liệu) 
            

2. Tấm gương anh hùng liệt sĩ Vương Đình Cung – Năm 2014 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – tròn 10 năm trước đây

Cũng năm 1965, khi đang học năm thứ nhất trường Đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Vương Đình Cung đã viết thư, tha thiết nhờ bố cho mình về quê để nhập ngũ: “Bố ạ, con sẽ đi bộ đội vì nguyện vọng của con là trở thành một chiến sĩ cách mạng. Con biết đi là gian khổ, nhưng chắc bố chẳng bao giờ ngăn con. Ở đây chưa tuyển bộ đội, bố cho con về dưới ấy để con đi. Bây giờ chỉ có bố là cho con đi được thôi. Bố nói với các chú Tỉnh đội tuyển con vào nhé! Con thích đi lắm rồi, con thiết tha mong bố cho con vào quân đội…”. Trước nguyện vọng tha thiết ấy của “cậu ấm”, người bố là Bí thư Tỉnh ủy Lê Quý Quỳnh tỉnh Hưng Yên lúc bấy giờ đã đồng ý cho cậu con trai duy nhất nhập ngũ vào Tiểu đoàn Bãi Sậy, đơn vị của Tỉnh đội Hưng Yên rồi hành quân vào chiến trường miền Nam. Tại chiến trường, mỗi lần cấp trên gợi ý cử đi học Vương Đình Cung lại thiết tha trình bày nguyện vọng được ở lại đơn vị chiến đấu. Ngày 7-5-1970, trong một trận chiến đấu quyết liệt với quân địch, anh đã anh dũng hy sinh. Ngay sau đó, Trung ương Đoàn đã phát động một phong trào học tập, noi theo liệt sĩ Vương Đình Cung cùng câu nói nổi tiếng: “Vào Nam để ra trận” của anh. Anh hùng, liệt sĩ Vương Đình Cung là một trong số rất nhiều sinh viên đã rời ghế giảng đường đại học để thực hiện ước muốn nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu. Khi mang trên mình màu xanh áo lính, họ luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giữ gìn đạo đức trong sáng, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng “vì nhân dân quên mình”. Năm 2014, liệt sĩ Vương Đình Cung được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Tấm gương Anh hùng liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh – Năm 1974 anh dũng hi sinh – tròn 50 năm trước đây  

Cựu sinh viên lớp Điện khóa 12, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Năm 1970, đang học dở năm thứ ba, như rất nhiều sinh viên yêu nước thời ấy, Lê Xuân Đĩnh tình nguyện đi bộ đội. Anh đã có những ngày chiến đấu dũng cảm trong chảo lửa của thành cổ Quảng Trị. Rồi tiến vào sâu hơn trong mặt trận Bình Trị Thiên. Buổi sáng ngày 03 tháng 9 năm 1974, Đại đội trưởng Lê Xuân Đĩnh dẫn một tổ bốn chiến sĩ luồn sâu vào sát căn cứ của địch. Để chỉnh pháo cho đơn vị công kích, anh bị địch bao vây. Người cán bộ 26 tuổi ấy đã mở đường máu, ra lệnh cho các chiến sĩ của mình rút ra ngoài an toàn, còn mình thì trụ lại. Lê Xuân Đĩnh đã chiến đấu dũng cảm và ngã xuống như một người anh hùng trong trận đấu không cân sức. Năm  2011, Lê Xuân Đĩnh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong chiếc ba lô, kỷ vật mà Lê Xuân Đĩnh để lại, ngoài mấy tấm áo đã bạc, là một cuốn sổ nhỏ ghi những bài thơ viết trên đường ra trận. Cuốn sổ đó đã được Nhà Xuất bản Văn học biên tập và xuất bản năm 2007.

“Mở thư vội đọc say mê

Cảnh trường, cảnh lớp hiện về trong tim

Rừng xanh ríu rít tiếng chim

Bên đường nở tím hoa sim đầu mùa

Lệnh hành quân gấp truyền ra

Lại cùng đồng đội hướng ra chiến trường

Lá thư bao nỗi yêu thương

Nằm trong túi ngực theo đường ta đi…”

(Một bài thơ trong cuốn sổ

Nhật ký của liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh)

leftcenterrightdel
Hình ảnh bìa cuốn Nhật ký thơ thời chiến của Liệt sĩ Lê Xuân Đĩnh 

Trong số hơn 2.500 cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam “xếp bút ngiên lên đường chiến đấu, cho tới nay đã có 03 người được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với những đóng góp lớn lao của lớp lớp cán bộ, sinh viên của Học viện, ngày 03 tháng 4 năm 2015, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các thế hệ viên chức, người lao động và người học Học viện Nông nghiệp Việt Nam mãi mãi về sau luôn luôn ghi nhớ những công lao to lớn ấy từ đó phấn đấu công tác, học tập, nghiên cứu để xứng đáng với những công lao mà các thế hệ cha ông đã hy sinh chiến đấu cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam quang vinh ngày hôm nay.

                                                                                                         Ban CTCT&CTSV