Vi tảo mang đến cơ hội cho sự bảo vệ một cách tự nhiên chống lại mầm bệnh đến từ vi sinh vật, thông qua sản xuất hợp chất chống vi khuẩn, virus một cách tự nhiên, đồng thời cũng là chất kích thích miễn dịch cho động vật thủy sản.
Hoạt chất sinh học trong vi tảo có tiềm tiềm năng kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm công nghiệp (Ảnh: Nguyễn Hoàn)
Vi khuẩn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, hiện tượng vi khuẩn kháng lại việc sử dụng kháng sinh trong canh tác thủy sản đang liên tục tăng lên trong trong những năm qua. Một số loài vi tảo có hoạt động kháng khuẩn tự nhiên, chúng chứa các phân tử sinh học giữ vai trò như chất kích thích miễn dịch. Do đó, nguyên vẹn tế bào tảo tươi và các chiết xuất từ vi tảo đã được sử dụng để thay thế hoặc như một chất bổ sung trong thức ăn cho tôm hoặc cá để giúp giải quyết vấn đề nhiễm trùng do vi sinh gây ra.
Chiết xuất dạng huyền phù từ vi tảo Tetraselmis suecica, Chaetoceros lauderi, Dunaliella tertiolecta, Euglena viridis, Phaeodactylum tricornutum và Stichochrysis immobilis cho thấy hoạt tính kháng khuẩn trong thử nghiệm chống lại một số loài Vibrio trên tôm như Vibrio alginolyticus, Vibrio anguillarum, Vibrio parahaemolyticus và Vibrio vulnificus (Austin và cộng sự, 1990). Quorum Sensing (QS) là lan truyền phân tử tín hiệu/gen mã hóa độc lực cho vi khuẩn liền kề, từ đó gia tăng mật độ vi khuẩn có chứa gen độc lực đủ lớn để gây hại cho vật chủ, đồng thời các chủng vi khuẩn sau khi tiếp nhận được tín hiệu gen mã hóa độc lực sẽ trải qua quá trình sinh sản để gia tăng về số lượng. Natrah và cộng sự (2011) báo cáo rằng chiết xuất từ một số và tảo nước ngọt có thể can thiệp vào QS qua trung gian phân tử acyl-homoserine lactone trong vi khuẩn đã thử nghiệm bao gồm cả vi khuẩn gây bệnh Vibrio harveyi.
Thêm nữa, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit béo không bão hòa đa chuỗi dài có nguồn gốc từ tảo (LC-PUFAs) như axit eicosapentaenoic (DHA, EPA) và thành phần khác như Sterol có đặc tính chống vi khuẩn và có thể có hiệu quả chống lại cả vi khuẩn Gram dương và Gram âm (Benkendorff và cộng sự 2005; Desbois và cộng sự 2009). Tôm được nuôi trên chế độ ăn có bổ sung tảo biển giàu DHA và ARA cho thấy sự cải thiện đáng kể về các thông số miễn dịch, chẳng hạn như tổng số lượng huyết cầu, hoạt tính phenoloxidase, hoạt tính superoxide dismutase và hoạt động diệt khuẩn. Ngoài ra, tỷ lệ sống sót sau khi thử thách với Vibrio harveyi đã được tăng lên (Thasanee và cộng sự 2010).
Các sắc tố carotenoid lutein, zeaxanthin và astaxanthin có nhiều trong vi tảo cũng được báo cáo làm tăng sự sống sót của tôm và cá, cũng như các loài giáp xác khác khi bị nhiễm bệnh (Merchie và cộng sự 1998; Babin và cộng sự 2010). Vitamin C, được tìm thấy với lượng lớn trong một số loài vi tảo, cũng được báo cáo để tăng cường khả năng miễn dịch ở tôm, dẫn đến giảm tỷ lệ chết do Vibrio gây ra (Kanazawa và cộng sự 1995; Kontera và cộng sự 1997). Radhakrishnan và cộng sự đã tìm thấy rằng: ấu trùng tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) đã tăng mức độ vitamin C cao hơn đáng kể sau một chế độ ăn uống có chứa vi tảo Spirulina platensis, tảo lục (Chlorella vulgaris). Tảo Dunaliella salina, chứa một lượng lớn beta-carotene, loài vi tảo này cho thấy nhiều khả năng để bảo vệ tôm khỏi mầm bệnh do virus, đặc biệt là chống lại virus đốm trắng (WSSV). Trong một nghiên cứu của Madhumathi và cộng sự (2011), tôm Sú (P. monodon) bị nhiễm WSSV không cho ăn bổ sung vi tảo Dunaliella salina cho tỷ lệ chết 100% trong vòng 48 giờ, trong khi nhóm thử nghiệm có bổ sung loài tảo này cho thấy tỷ lệ sống sót 60% vào ngày thứ 5 và tỷ lệ chết 100% được kéo dài cho đến ngày thứ 10.
Vi tảo mang đến cơ hội cho sự bảo vệ một cách tự nhiên chống lại mầm bệnh đến từ vi sinh vật, thông qua sản xuất hợp chất chống vi khuẩn, virus một cách tự nhiên, đồng thời cũng là chất kích thích miễn dịch cho động vật thủy sản. Có nhiều hơn 10.000 loài vi tảo biển và nước ngọt đã được phát hiện cho đến nay, nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ đã được sàng lọc các hợp chất sinh học đã nêu trên, rõ ràng là có một nguồn tài nguyên phong phú chưa được khai thác cho các hoạt chất sinh học quan trong đến từ vi tảo.
Khoa Thủy sản sưu tầm