Vũ Văn Tuấn
Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Bài viết tháng 12/2022, đăng trên Tạp chí Giáo dục và xã hội
Tóm tắt: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã thuộc thành phần kinh tế có vai trò, vị trí quan trọng. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh gay gắt, tổ chức hoạt động của Hợp tác xã đã bộc lộ nhiều yếu kém. Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tạo điều kiện để Hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Pháp luật hiện hành đã quy định nhiều chính sách hỗ trợ đối với Hợp tác xã trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp có một số chính sách hỗ trợ đặc thù. Tuy nhiên, nội dung pháp lý này vẫn cần được hoàn thiện. Điều này có thể được thực hiện trong quá trình xây dựng Luật Hợp tác xã sửa đổi. Bài viết đề cập đến nội dung pháp luật hiện hành và nội dung của dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi vừa được đưa ra để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Từ khoá: Hợp tác xã, hỗ trợ hợp tác xã, chính sách hỗ trợ hợp tác xã, dự thảo Luật Hợp tác xã.
Abstract: In the socialist-oriented market economy, cooperatives belonging to economic sectors have an important role and position. However, in a fiercely competitive environment, the organization and operation of cooperatives have revealed many weaknesses. The State of Vietnam is always interested in creating conditions and cooperatives to operate effectively. The current law has stipulated many support policies for cooperatives in many different legal documents. In which, agricultural cooperatives have some specific support policies. However, this legal content still needs to be improved. This can be done during the development of the revised Law on Cooperatives. This article refers to the current legal content and the content of the revised Draft Law on Cooperatives that has just been released for comments from the National Assembly deputies.
Keywords: Cooperative, support for cooperatives, cooperative support policy, draft law on cooperative.
1. Đặt vấn đề
Hợp tác xã ra đời gắn với phong trào hợp tác hoá trong nông nghiệp và phát triển mạnh mẽ trong những năm 60, 70 của thế kỉ XX, nó có đóng góp lớn về kinh tế, xã hội trong cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, và đã hoàn thành xứ mạng của mình với đất nước. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, hợp tác xã đã bộc lộ những yếu kém của mình trong tổ chức và hoạt động. Với tầm quan trọng của thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa [1, Điều 51], những năm qua “Chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển [2]. Kết quả của sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là “Các chỉ tiêu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cơ bản tăng nhanh, đạt được mục tiêu kế hoạch”. Tuy vậy, nhìn chung “Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu; vấn đề nợ của hợp tác xã, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm”. Những yếu kém này của hợp tác xã đã xuất hiện và tồn tại trong thời gian dài, đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Trong điều kiện tiếp tục “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa [3], tất yếu Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của hợp tác xã. Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ “có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ, trang trại trong nông nghiệp [4]. Đây được xem là một trong những yếu tố tác động quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn để hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 ghi nhận, phải “sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể” trong đó có hợp tác xã [5]. Với quan điểm chỉ đạo đó, Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi (dự kiến có tên gọi mới là Luật Kinh tế hợp tác) đã được Ban soạn thảo xây dựng công phu và đã được đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội trong kì họp lần thứ 4, Quốc hội khoá XV. Trong Dự thảo này, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã được quy định rõ ràng và đầy đủ hơn tuy nhiên vẫn đặt ra một số nội dung cần bàn thảo thêm và tiếp tục được hoàn thiện. Bài viết này đề cập tới việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và những nội dung của Dự thảo Hợp tác xã vừa được trình ra trước Quốc hội.
2. Nội dung
2.1. Chính sách hỗ trợ hợp tác xã theo quy định của pháp luật hiện hành
Điều 59 Luật Hợp tác xã năm 2012 xác định “Xây dựng bộ máy và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” là một nội dung quản lý của Nhà nước đối với Hợp tác xã. Tại Điều 6 quy định Nhà nước hỗ trợ hợp tác trên 6 lĩnh vực là: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn được hưởng chính sách hỗ trợ đơi với 5 lĩnh vực là: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai; tín dụng; Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; Chế biến sản phẩm.
Cụ thể hoá nội dung nói trên của Luật Hợp tác xã, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã đã dành 1 chương quy định về nội dung này. Trong đó Điều 24 của Nghị định quy định cụ thể các chính hỗ trợ đối với hợp tác xã có các nội dung sau: (1) Về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo chính quy, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật đối với cán bộ quản lý hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên hợp tác xã. (2) về chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: Nhà nước hỗ trợ hợp tác xã tham gia các triển lãm trong và ngoài nước; tổ chức các hội chợ, triển lãm dành riêng cho khu vực hợp tác xã; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử cho các hợp tác xã. (3) Về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và cấp tỉnh hàng năm dành một phần kinh phí hỗ trợ các hợp tác xã đổi mới, ứng dụng công nghệ và thông báo kết quả thực hiện cho cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã; Nhà nước hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ đối với hợp tác xã có dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt. (4) Về Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Hợp tác xã có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn được ưu đã về lãi suất và bảo lãnh tín dụng từ quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; ưu tiên vay vốn tín dụng từ ngân hàng phát triển và các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật; được vay ưu đãi theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với hợp tác xã, đồng tời giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn quy định này. (5) Về chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ năng lực được ưu tiên tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội như: Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn và quản lý các công trình sau khi hoàn thành, kể cả các công trình chợ và công trình hạ tầng phục vụ phát triển cụm công nghiệp và cụm làng nghề ở nông thôn; Các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn phù hợp với khả năng của hợp tác xã. (6) Về chính sách thành lập mới hợp tác xã: Sáng lập viên hợp tác xã được cung cấp miễn phí thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật hợp tác xã trước khi; Hợp tác xã được hỗ trợ tư vấn xây dựng điều lệ, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã.
Ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ chung, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên là những cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp còn được hưởng các chính sách hỗ trợ riêng được quy định tại Điều 25 của Nghị định.
Sau Luật Hợp tác xã và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, cụ thể hơn nội dung các chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã đồng thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chính sách khuyến khích đối với hợp tác xã từng thời điểm cụ thể và phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo Báo cáo thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 kèm theo tờ trình số 1129 này 24 tháng 2 năm 2022 của Bộ kế hoạch và Đầu tư mỗi nội dung ưu đãi đối với hợp tác xã đều được chi tiết hoá, sửa đổi sung. Cụ thể như sau:
Về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của hợp tác xã, thành lập mới hợp tác xã, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020; từ năm 2021, nội dung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã được thực hiện theo Quyết định số 1804/QĐ -TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Về chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 171/2014/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2014 hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia.
Về chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới có Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 về tiêu chí xác định chương trình dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp; Kế hoạch số 6355/KH-BNN-KTHT ngày 17 tháng 8 năm 2018 về phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020.
Về chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã vẫn tiếp tục sử dụng Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam thành lập theo Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ, đến năm 2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2021 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Về chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế-xã hội có Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17 tháng 10 năm 2016 về ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; gần đây là Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 2 năm 2022: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội ngày 18 tháng 11 năm 2019 Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Về chính sách thành lập mới hợp tác xã có Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 12 năm 2014 về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 về chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chính sách hỗ trợ riêng đối với hợp tác xã nông nghiệp. Cụ thể như sau:
Đối với chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng có Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 12 năm 2014 về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 – 2020 và Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2016 hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp.
Đối với chính sách giao đất, cho thuê đấ có Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 1-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 12 tháng 3 năm 2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, năng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 và Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Thông tư số 11/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2014 hướng dẫn một số Điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Đối với chính sách ưu đãi về tín dụng có Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2015 về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ngày 7 tháng 9 năm 2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55 2015/NĐ-CP.
Đối với chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh có Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9 tháng 1 năm 2017 hỗ trợ phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi) trong giai đoạn 2011-2020.
Đối với chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm có Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, và được sửa đổi, bổ sung theo các Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và được thay thế theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 thay 1 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, Thông tư số 89/2014/TT-BTC ngày 07 này 7 tháng 2014 (được sửa đổi theo Thông tư số 82/2019/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2019) về hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Pháp luật hiện hành còn quy định chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã về bảo hiểm xã hội đối với người quản lý và người lao động làm việc trong các hợp tác xã. Đặc biệt, gần đây nhất và chính sách hỗ trợ hợp tác xã do tác động của dịch bệnh Covid- 19.
Nói chung, sau Luật Đất đai năm 2013, cùng với sự chỉ đạo của Đảng, các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước Việt Nam đã ban hành chiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã. Các chính sách khá cụ thể, rõ ràng, thường xuyên được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, chính sách này được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật nên tản mạn tản, khó áp dụng.
2.2. Chính sách hỗ trợ hợp tác xã trong Luật Hợp tác xã sửa đổi và một số vấn đề đặt ra
Về chính sách hỗ trợ hợp tác xã, Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi (dự kiến có tên gọi mới là Luật Kinh tế hợp tác) quy định tại Điều 17 về tiêu chí thực hiện chính sách; Điều 18 về nguồn vốn thực hiện chính sách, Điều 20 về phương thức hỗ trợ, Điều 21 về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Phù hợp với tên gọi mới, Luật Hợp tác xã sửa đổi quy định các chính sách hỗ trợ chung đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã, đồng thời có một số quy định về chính sách hỗ trợ riêng áp dụng đối với hợp tác xã. Ngoài quy định các chính sách hỗ trợ chung, Dự thảo Luật này quy định chính sách hỗ trợ riêng đối với cả hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và cả đối với hợp tác xã hoạt động lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, tài chính-tiền tệ.
Nội dung quy định tại các điều luật trên cụ thể như sau:
Về các nguyên tắc thực hiện chính sách gồm: Tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện; Chính sách đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã được thống nhất triển khai theo Chương trình tổng thể về phát triển các hợp tác xã; Chính sách phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ; Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Trường hợp hợp tác xã đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức khác nhau trong cùng một nội dung chính sách theo quy định của Luật Hợp tác xã sửa đổi và quy định khác của pháp luật có liên quan thì hợp tác xã chỉ được lựa chọn một mức hỗ trợ có lợi nhất; Nguồn lực ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân tài trợ được thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân đó nhưng không được trái quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Về tiêu chí thực hiện chính sách gồm Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi quy định cụ thể: Các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã được nhận các chính sách của Nhà nước khi đáp ứng các tiêu chí: Có tư cách pháp nhân tuân thủ pháp luật và Điều lệ; tổ hợp tác có đăng ký và tuân thủ pháp luật, hợp đồng hợp tác; Có báo cáo kiểm toán được kiểm toán trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm đề xuất hỗ trợ để Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ theo quy định của từng nội dung chính sách cụ thể; Đáp ứng một trong các tiêu chí: phát triển số lượng thành viên, tỷ lệ giao dịch nội bộ tăng lên, trích lập quỹ chung không chia hoặc phát triển tài sản chung không chia; thường xuyên giáo dục đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động. (2) Trong đó ưu tiên cho tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã có nhiều thành viên hơn, có nhiều thành viên là người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số hơn, có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ hơn, hoạt động thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của Nhà nước, tham gia liên kết hình thành các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức hoặc tham gia các hoạt động lợi ích cộng đồng dân cư. Quy định về nguồn vốn thực hiện chính sách, dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi quy định gồm: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo quy định, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về ngân sách, nguồn vốn từ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và nguồn hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Về Phương thức hỗ trợ Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi quy định: (1) Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của Nhà nước được thực hiện thông qua các dự án đầu tư hoặc phi dự án. Nhà nước hỗ trợ một lần sau đầu tư và theo định mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. (2) Các khoản hỗ trợ bằng hiện vật hay tiền mặt được tính vào khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. (3) Sau khi Luật này có hiệu lực thi hành, Nhà nước xây dựng, ban hành Chương trình tổng thể về phát triển các hợp tác xã trên phạm vi toàn quốc.
Về Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi quy định: (1) Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoặc tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện các chức năng: Thực hiện chức năng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các hợp tác xã có tư cách pháp nhân, thành viên của các hợp tác xã, trong đó có hợp tác xã; Tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn trong nước và ngoài nước, các nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định pháp luật; Huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước theo quy định của pháp luật; Ủy thác, nhận ủy thác; thực hiện hoạt động tư vấn tài chính và đầu tư, đào tạo cho các khách hàng vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo quy định pháp luật. (2) Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Điều 19 Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đã quy định rõ các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã gồm:
Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn: Xây dựng chương trình đào tạo chính quy về các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã và giảng dạy chính thức tại các trường đại học; Giáo dục đào tạo chuyên sâu hoặc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý, kỹ thuật, kế toán, kiểm toán, pháp luật cho cán bộ, lao động làm việc trong các hợp tác xã, cán bộ quản lý nhà nước và tư vấn viên về các hợp tác xã; Xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng có cấp chứng chỉ về năng lực cho các đối tượng tham gia các hoạt động tư vấn, kiểm toán, quản lý, điều hành của các hợp tác xã; Hỗ trợ lương, thưởng và phúc lợi cho người lao động có chất lượng cao làm việc tại các hợp tác xã; Xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức trực tiếp để nâng cao nhận thức, kiến thức quản trị và sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã; Các hợp tác xã được hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý, thủ tục thành lập mới, chuyển đổi từ tổ hợp tác sang hợp tác xã và các vấn đề khác phát sinh trong quá trình hoạt động; Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, liên đoàn hợp tác xã, liên minh hợp tác xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn cho các hợp tác xã.
Chính sách tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh: Căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã được ưu tiên bố trí quỹ đất, hỗ trợ giá thuê mặt bằng, chuyển giao sử dụng các công trình công cộng để làm trụ sở, nhà kho, cửa hàng mua bán, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã. Việc tính thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê đất mặt nước đối với đất sản xuất kinh doanh của hợp tác xã thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; Hợp tác xã tác thuê, thuê lại đất, đất mặt nước của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thì được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước. Tiền thuê đất, thuê mặt nước được hỗ trợ căn cứ theo bảng giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định; Hợp tác xã nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hoặc thuê quyền sử dụng đất, đất mặt nước của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến nông sản được Nhà nước hỗ trợ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu; Hợp tác xã được Nhà nước tạo điều kiện bảo đảm về quỹ đất trong chu kỳ thực hiện dự án, trừ trường hợp phải thu hồi hoặc các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chính sách thuế, phí và lệ phí: Các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lợi nhuận từ giao dịch nội bộ của hợp tác xã có tư cách pháp nhân; Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập trích lập quỹ chung không chia và phần thu nhập hình thành tài sản chung không chia; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp tác xã, thành viên chính thức của hợp tác xã khi tham gia liên kết với cá nhân, pháp nhân khác hình thành các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức vì mục tiêu phát triển bền vững theo quy định pháp luật về thuế; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn nộp lệ phí trước bạ đối với cá nhân, tổ chức khi chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất là tài sản góp vốn của mình vào hợp tác xã có tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật về lệ phí trước bạ.
Chính sách tín dụng, bảo hiểm: Các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã được vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác với lãi suất ưu đãi. Ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) cấp bù chênh lệch lãi suất có thời hạn thông qua các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác; Các hợp tác xã được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo quy định; Các hợp tác xã có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương; Hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho các hợp tác xã; Bảo đảm tiếp cận an sinh thông qua các hệ thống bảo hiểm xã hội của Nhà nước. Hỗ trợ phí bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động và thành viên của các hợp tác xã; Hỗ trợ tăng cường năng lực tài chính cho các hợp tác hoạt động trong lĩnh vực tín dụng.
Chính sách ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Hỗ trợ hợp tác xã trong đó có hợp tác xã đổi mới sáng tạo, xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ các hợp tác xã chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị sản xuất và lưu thông sản phẩm thông qua xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cung cấp thiết bị đầu cuối và các phần mềm, ứng dụng dùng chung; Hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử cho hợp tác xã và kết nối với Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã; Hỗ trợ kinh phí cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý và khoa học - công nghệ cho các hợp tác xã trên cơ sở nhu cầu và theo hợp đồng được ký kết với cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn.
Chính sách xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và đầu tư: Hỗ trợ các hợp tác xã trong đó có hợp tác xã tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát thị trường; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; đăng ký sản phẩm thương mại; tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài; Nhà nước tổ chức các hội chợ, triển lãm dành riêng cho các hợp tác xã; xây dựng, triển khai cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc hỗ trợ chi phí tham gia các sàn giao dịch điện tử có sẵn; Các hợp tác xã được ưu tiên, hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương khi có nhu cầu phù hợp.
Chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị: Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động an sinh xã hội cho thành viên là cá nhân và người lao động của các hợp tác xã; Chuyển giao một số công trình kết cấu hạ tầng của Nhà nước phục vụ lợi ích chung của cộng đồng cho các hợp tác xã trên địa bàn để quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng.
Chính sách về kiểm toán, tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro: Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí kiểm toán cho các hợp tác xã quy mô siêu nhỏ, nhỏ khi được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định; Nhà nước có chính sách hỗ trợ tổ chức đại diện trong việc thực hiện nhiệm vụ tại khoản 8 Điều 107 cho các hợp tác xã quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã: Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập hợp tác xã; Miễn lệ phí đăng ký hợp tác xã và phí cung cấp thông tin hợp tác xã lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã lần đầu; Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã lần đầu; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách đối với hợp tác xã phù hợp trong từng thời kỳ. Từ đó, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã sửa đổi đã quy định chi tiết thành hai nhóm chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã hoạt động trong hai lĩnh vực là lĩnh vực nông nghiệp (Điều 5) và lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, tài chính-tiền tệ (Điều 6).
Như vậy, Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đã tập hợp các quy định của pháp luật hiện hành đang được ghi nhận tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật dưới cấp độ luật, trong đó có quy định đầy đủ, rõ ràng hơn về một số chính sách hỗ trợ. Như vậy, Dự thảo Luật này đã thực hiện việc đưa các quy định về chính sách hỗ trợ hợp tác xã lên cấp độ Luật. Ngoài ra Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đã bổ sung một số quy định phù hợp với thực tiễn đời sống, đặc biệt phù hợp với thời đại công nghệ số, công nghiệp 4.0. Để việc hỗ trợ hợp tác xã thực chất, hiệu quả, thực sự trở thành nguồn lực cho sự phát triển của hợp tác xã, tại khoản 1 Điều 7 của Dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước gồm các hành vi: Cấp giấy chứng nhận đăng ký tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có hợp tác xã trong trường hợp không đủ điều kiện; từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã trong trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Luật này; cản trở, sách nhiễu việc đăng ký và hoạt động của hợp tác xã; Cản trở việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã, thành viên theo quy định của Luật này và Điều lệ; Hỗ trợ hợp tác xã không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái với các quy định của pháp luật về hỗ trợ, ưu đãi cho hợp tác xã; Phân biệt đối xử, gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu đối với hợp tác xã, tổ chức, cá nhân thực hiện hỗ trợ hợp tác xã; Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực liên quan đến hỗ trợ hợp tác xã.
Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi đã đặt ra một số vấn đề cần bàn thảo sau đây:
Thứ nhất: Tại khoản 5 Điều 16 quy định „Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa“. Trong khi thực tế cho thấy phần lớn các hợp tác xã tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí có quy mô siêu nhỏ. Như vậy, trong trường hợp chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Hợp tác xã sửa đổi ngang bằng với chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực chất hợp tác xã chẳng có ưu đãi riêng biệt nào.
Thứ hai: Phù hợp với quy định tại khoản c, khoản 1 Điều 17 Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi về tiêu chí hưởng chính sách hỗ trợ, Điều 4 Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này đã cụ thể hoá thành tiêu chí: Có tỷ lệ tăng trưởng số lượng thành viên hàng năm liên tục trong 3 năm trên 5% tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; có tỷ lệ giao dịch nội bộ hàng năm tăng liên tục trong 3 năm tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; Có tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia hoặc phát triển tài sản chung không chia hàng năm đạt từ 10% trở lên liên tục trong 3 năm tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; Tổ chức giáo dục đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động cho ít nhất 10% tổng số thành viên chính thức hàng năm liên tục trong 3 năm tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Như vậy, chưa rõ Nhà nước sẽ hỗ trợ phát triển đối với hợp tác xã đang hoạt động tốt, hiệu quả hay đối với hợp tác xã đang hoạt động yếu kém.
Thứ ba: Đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hình thức và mức ưu đãi được quy định tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã sửa đổi rất cụ thể như: Nhà nước hỗ trợ một lần chi phí xây dựng hồ sơ, thủ tục, biển hiệu khi hợp tác xã thành lập mới và đăng ký lại với mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/ hợp tác xã (điểm a, khoản 1 Điều 5); hay hợp tác xã có hoạt động dịch vụ môi trường nông thôn, phát triển chăn nuôi và chế biến tập trung được hỗ trợ một lần không quá 70% chi phí theo dự án đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải được cấp có thẩm quyền phê duyệt với mức hỗ trợ không quá 03 tỷ đồng/dự án (khoản 8 Điều 5)... Nhưng hình thức và mức hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế tác xã nông nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao lại chưa rõ ràng. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 17 quy định ưu tiên hỗ trợ đối với hợp tác xã... gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số vì mục tiêu phát triển bền vững. Nội dung này được cụ thể hoá tại khoản 5 Điều 19 và một lần nữa, Dự thảo Nghị định thi hành Luật này tiếp tục cụ thể hoá tại điểm b, khoản 6 Điều 5 là: “Nhà nước hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác, sản xuất xanh, ít phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã tham gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, giảm thất thoát thực phẩm, chế biến phụ phẩm của sản phẩm nông nghiệp, vệ sinh môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn; sản xuất phân bón hữu cơ”. Như vậy, đó chỉ là việc xác định các lĩnh vực khoa học công nghệ cao được hỗ trợ phát triển, và thực chất chỉ là những “khẩu hiệu” chung chung nên dễ dự đón rằng các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hoạt động công nghệ cao khó nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đây là điều nhà nươc cần thực sự quan tâm hiện nay và trong thười gian tới.
3. Kết luận
Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã cùng với các chủ thể khác thuộc thành phần kinh tế tập thể luôn có vai trò, vị trí quan trọng, nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các chỉ đạo của Đảng tại mỗi thời điểm đều phù hợp và được Nhà nước thể chế hoá dẫn đến quy định của pháp luật về hợp tác xã không ngừng được hoàn thiện, trong đó có các quy định về chính sách hỗ trợ hợp tác xã góp phần cho sự phát triển của hợp tác xã trong thực tiễn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong giai đoạn dài gần đây, hoạt động của hợp tác xã gặp nhều khó khăn, nhiều mặt trong tổ chức và hoạt động của hợp tác xã suy giảm.
Trước tình hình đó, Luật Hợp tác xã năm 2012 dường như không còn tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp để hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động và phát triển mạnh mẽ. Chính sách hỗ trợ hợp tác xã được quy định tản mạn, manh mún trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có cấp độ thấp. Trong điều kiện ấy, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã được đặt ra. Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi (dự kiến có tên gọi mới là Luật Kinh tế hợp tác) đã được đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội trong kì họp lần thứ 4, Quốc hội khoá XV với các quy định cụ thể, chi tiết nội chung chính sách hỗ trợ hợp tác xã. Với quyết tâm tạo “cú huých” đẩy mạnh sự phát triển của hợp tác xã mà trọng tâm là hợp tác xã trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, dự thảo cũng đặt ra một số nội dung cần được bàn thảo. Hi vọng, cùng quá trình hoàn thiện nội dung dự thảo Luật hợp tác xã sửa đổi thì chính sách hỗ trợ hợp tác xã cũng được hoàn thiện, góp phần thuộc lợi cho quá trình thực thi Luật này, tạo động lực mới cho sự phát triển của hợp tác xã.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội, Hiến pháp này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013, Hà Nội.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Hà Nội, 2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà nội, 2021.
4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, 2021.
5. Chính phủ, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, Hà Nội, 2013.
6. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16 tháng 6 năm 2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Hà Nội, 2022.
7. Quốc hội, Luật Hợp tác xã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012, Hà Nội.