Các khẩu phần được bổ sung protein từ tôm và mực đã thúc đẩy lượng thức ăn nạp vào và cải thiện khả năng kháng ôxy hóa của TTCT giống.
Một khẩu phần chứa các chất dẫn dụ tốt có thể cải thiện hiệu suất tăng trưởng và khả năng sử dụng thức ăn của vật nuôi. Các chất dẫn dụ được chia thành hai loại: tự nhiên và tổng hợp. Một số chất dẫn dụ thức ăn rất giàu chất dinh dưỡng như nucleotide, peptide nhỏ và axit amin, không chỉ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của vật nuôi mà còn cải thiện đề kháng.
Sự kết hợp nhiều chất dẫn dụ trong thức ăn của TTCT có thể khắc phục được nhược điểm của chúng khi sử dụng đơn lẻ. Chiết xuất nấm men, bột nội tạng mực, bột tôm nhão và dịch cá là các loại chất dẫn dụ thức ăn thủy sản khá phổ biến. Tuy nhiên, đến nay vẫn có rất ít nghiên cứu về hiệu lực của hỗn hợp các chất dẫn dụ này đối với cơ chế tăng trưởng và sức khỏe của vật nuôi.
Xây dựng nghiên cứu
Để đánh giá hiệu lực của hỗn hợp chất dẫn dụ với hiệu suất tăng trưởng, khả năng sử dụng thức ăn, hình thái đường ruột, tổng hợp protein và đáp ứng miễn dịch của TTCT, nhóm chuyên gia tại Đại học Hải dương Quảng Đông thuộc Trạm Giang, Trung Quốc đã sử dụng 7 khẩu phần ăn: đối chứng dương (P), đối chứng âm (N) và 5 khẩu phần bổ sung hỗn hợp chất dẫn dụ được ký hiệu A, B, C, D và E tương ứng với chiết xuất nấm men, bột nội tạng mực, dịch cá, bột mực nhão và bột tôm nhão.
Nguồn TTCT giống do Công ty Guangdong Hengxing thuộc tỉnh Trạm Giang, Trung Quốc cung cấp. Cho tôm làm quen với môi trường thử nghiệm trong một tuần. Sau đó chia 840 con tôm giống khỏe mạnh và kích thước đồng đều (trọng lượng thân 0,71 g) thành 7 nhóm và thả nuôi trong các bể 300 lít với mật độ 30 con/bể. Mỗi nghiệm thức lặp lại 4 lần và thử nghiệm cho ăn kéo dài 7 tuần. Suốt giai đoạn thử nghiệm, thay 60% nước bể nuôi hàng ngày bằng nước biển khử trùng để duy trì chất lượng nước; giữ nhiệt độ nước và độ mặn ở mức 24 - 280C và 26 - 29‰. Cuối thử nghiệm, thu gom mẫu tôm và tiến hành phân tích.
Kết quả và thảo luận
Trọng lượng thân cuối (FBW), tỷ lệ tăng trọng (WGR) và tốc độ tăng trưởng riêng (SGR) của TTCT ở nhóm B và D cao hơn hẳn nhóm P. Tỷ lệ sống (SR), tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) và chỉ số tích lũy năng lượng (HIS) của tôm ở tất cả các nhóm không khác biệt đáng kể. Tỷ lệ ăn (FI) của tôm ở nhóm nghiệm thức B, C, D cao hơn hẳn nhóm P. Yếu tố điều kiện (CF) của tôm ở nhóm N cao hơn các nhóm còn lại.
Hiệu lực của 5 chất dẫn dụ đối với WGR của tôm được đánh giá thông qua phương pháp phân tích hồi quy đa biến. Các kết quả cho thấy, WG và FI của tôm đã tăng khi tỷ lệ bổ sung bột tôm và bột mực tăng, nhưng lại giảm khi tỷ lệ bổ sung nấm men và dịch cá tăng lên.
Đối với phần thân thịt, độ ẩm của mẫu tôm ở nhóm E cao hơn hẳn nhóm N, C và D; tỷ lệ tro giống nhau; lipid thô của tôm ở nhóm B cao hơn đáng kể so với các nhóm còn lại, protein thô của tôm ở nhóm N, B, và C cao hơn nhiều so với nhóm E. Về phần cơ, độ ẩm, tro, lipid thô, protein thô giữa các nhóm tôm tương đương nhau.
Các thông số sinh hóa tế bào máu hemolymph luôn phản ánh quá trình trao đổi chất và tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Trong nghiên cứu này, nồng độ lipoprotein cholesterin(LDL-C) của hemolymph ở nhóm N và A cao nhất. Điều này chứng tỏ khả năng loại bỏ cholesterol từ mật của tế bào tôm ở nhóm N và A mạnh nhất và yếu nhất ở nhóm D.
Nồng độ HDL-C của hemolymph ở nhóm C và E cao nhất và thấp nhất ở nhóm N. Do đó, nhóm C và E có khả năng bài tiết cholesterol từ gan mạnh nhất và nhóm B yếu nhất. Hoạt tính của enzyme kháng ôxy hóa (SOD) trong gan tụy nhóm tôm ăn khẩu phần A cao nhất, và thấp nhất ở nhóm B, E.
Malondialdehyde (MDA) là sản phẩm phân hủy lipid của axit béo không bão hòa đa (PUFA). Trong nghiên cứu này, mức MDA cao nhất và tổn thương gan tụy gia tăng được quan sát ở nhóm B nhưng trong tế bào máu của các nhóm tôm đều không có sự khác biệt đáng kể. Dựa trên các kết quả SOD và MDA, nhóm chuyên gia kết luận, khả năng chống ôxy hóa của nhóm A phát triển hoàn chỉnh, trong khi hoạt động chuyển hóa lipid ở nhóm B diễn ra mạnh mẽ. Nguyên nhân có thể do khẩu phần B chứa nhiều chất béo động vật hơn. Nói chung, dữ liệu cho thấy chế độ ăn A tăng cường khả năng kháng bệnh ở gan tụy của TTCT.
Theo quan sát của nhóm chuyên gia, nếp gấp ruột của tôm ở nhóm B và D khác biệt đáng kể so với nhóm P; chế độ ăn B và D làm giảm bớt sưng tấy của nếp gấp ruột tôm, điều này có lợi cho việc khôi phục mô của nếp gấp ruột. Ngoài ra, không có sự khác biệt đáng kể về chiều cao và chiều rộng nếp gấp ruột, trong khi độ dày cơ ruột của nhóm C cao nhất, chứng tỏ tôm ở nhóm này có khả năng nhu động ruột cao hơn.
Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia nhận định thành phần dinh dưỡng của tôm không bị ảnh hưởng đáng kể khi bổ sung chất dẫn dụ thức ăn tổng hợp, trừ hàm lượng protein thô ở nhóm N, B, C cao hơn đáng kể so với nhóm E.
Triển vọng
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khẩu phần ăn bổ sung bột nội tạng mực, dịch cá, bột mực và bột tôm nhão (B) và khẩu phần bổ sung nấm men, bột nội tạng mực, bột mực nhão và bột tôm nhão (D) đều làm tăng lượng thức ăn nạp vào, tăng trưởng, và nâng cao khả năng chống ôxy hóa của TTCT.
Sự kết hợp giữa bột nội tạng mực, dịch cá, bột mực và tôm nhão (B) không chỉ làm tăng quá trình tổng hợp protein mà còn thúc đẩy phản ứng gan, tụy, ruột của tôm. Ngoài ra, dữ liệu cho thấy, tăng trọng của tôm và lượng ăn vào tăng lên khi hàm lượng bột mực và tôm nhão tăng lên và giảm xuống khi tỷ lệ bổ sung chiết xuất nấm men và dịch cá tăng lên.