Vải (Litchi chinensis, họ Bồ hòn) là một loại cây ăn quả cận nhiệt đới có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc và được trồng ở các vùng bán nhiệt đới trên thế giới. Quả vải vừa là thức ăn vừa là thuốc. Tuy nhiên, khi nói đến tác dụng làm thuốc của trái vải, người ta chỉ hay nhắc tới cùi vải, rất ít khi nói đến hạt vải. Trên thực tế, hạt vải là vị thuốc đã được sử dụng trong dân gian và Đông y từ rất lâu đời. Tác dụng chữa bệnh của hạt vải đã được ghi chép đầu tiên trong sách “Bản thảo diễn nghĩa” của danh y Khấu Tông Thích từ năm 1116. Theo Đông y, lệ chi hạch (hạt vải) có vị cam sáp (ngọt chát), tính ôn (ấm), vô độc (không độc); quy kinh vào 3 kinh can, vị và thận. Có tác dụng hành khí tán kết, tán hàn chỉ thống. Chất chiết xuất từ hạt vải được sử dụng rộng rãi trong y học phổ biến Trung Quốc và Ấn Độ từ thời cổ đại để giảm đau trong các bệnh khác nhau.
Ngày nay, khoa học đã chứng minh được chất chiết từ hạt vải có thể khống chế được các bệnh do rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, tăng lipid máu và ngăn chặn quá trình oxy hóa và viêm nhiễm do vi rút, vi khuẩn. Một số thành phần của hạt vải đã được xác định là chất chống ung thư, giảm khối u, làm chậm tốc độ tăng sinh của khối u. Đặc biệt nó có tác dụng ngăn ngừa và ức chế tốt hơn tế bào ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư biểu mô trực tràng, ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tụy, ung thư bàng quang, ung thư ruột kết, ung thư thực quản và ung thư tuyến vú.
|
|
Ảnh minh họa: nguồn internet |
Xiao & cs. (2004) đã đánh giá tác dụng chống ung thư của chất chiết từ hạt vải in vivo và có bằng chứng đầu tiên về tác dụng chống khối u của chất chiết này. Sau đó, các tác giả khác đã tập trung vào tế bào ung thư biểu mô tế bào gan HepG2 ở người, chứng tỏ sự tăng sinh giảm và sự xuất hiện của các đặc điểm hình thái apoptotic sau khi điều trị bằng chế phẩm từ hạt vải. Lin & cs. (2015) đã chỉ ra rằng saponin, một loại glycoside terpenic chiết xuất từ hạt vải, ức chế sự tăng sản của mô tuyến vú và ảnh hưởng đến con đường truyền tín hiệu qua trung gian estrogen ở chuột với liều lượng tương ứng là 0,1 g/ kg và 0,2 g/ kg. Gần đây hơn, các phân tử này đã được chứng minh giúp cải thiện chức năng nhận thức, ngăn ngừa tổn thương tế bào thần kinh. Các glycoside flavonoid được tinh chế từ hạt vải có tác dụng chống tăng sinh mạnh mẽ các dòng tế bào khối u khác nhau bao gồm ung thư biểu mô tế bào gan HepG2, ung thư cổ tử cung HeLa, ung thư biểu mô phổi A549. Lin & cs. (2008) cho thấy chất chiết xuất từ hạt vải điều chỉnh tỷ lệ giữa Bcl-2 và Bax (2 protein thuộc họ bcl-2 có tác dụng chống và pro-apoptotic) trên cả mô hình khối u in vitro và in vivo. Guo & cs. (2017) đã chứng minh tác dụng của chất chiết từ hạt vải (60-120 µg/ mL) in vitro và in vivo mô hình ung thư tuyến tiền liệt. Chuột được điều trị bằng chất chiết từ hạt vải in vivo cho thấy kích thước khối u giảm đáng kể mà không có độc tính. Phát hiện này cho thấy chiết hạt vải có tiềm năng phát triển thành một liệu pháp thay thế an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy dịch chiết của hạt vải ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường thông qua sự ức chế aldose reductase. Dịch chiết từ hạt vải với liều 5g/ kg có tác dụng giảm lượng đường trong máu rất tốt. Hạt vải không chỉ giúp cải thiện quá trình chuyển hóa đường mà còn có khả năng phòng ngừa biến chứng thận mà bệnh tiểu đường gây ra. Các thành phần chứa trong hạt vải có tác dụng giống như hoạt chất của thuốc chống tiểu đường, biguanide. Hoạt chất này có tác dụng tăng nhạy cảm của insulin; tăng sử dụng glucose ở các tế bào ngoại vi, nhất là tế bào cơ, giảm tạo glucose ở gan và giảm sự hấp thu glucose ở ruột. Cho nên, bệnh nhân không bị tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn. Tỉ lệ chữa khỏi bệnh tiểu đường do bài thuốc từ hạt vải đem lại đạt trung bình 83% trong quá trình điều trị và hầu như rất an toàn không phát sinh tác dụng phụ nào cả. Kết quả của Wu & cs. (1991), Zheng & cs. (1998) và Pan & cs. (1999) cho thấy chất chiết của hạt vải làm giảm lượng đường trong máu ở chuột mắc bệnh tiểu đường do alloxan gây ra xuống mức tương đương với chuột bình thường và tác dụng tương tự như biguanides. Chất chiết từ hạt vải an toàn hơn và hiệu quả kéo dài hơn (hơn 1 tuần) so với biguanides (Zheng & cs., 1998). Pan & cs. (1999) cho rằng chiết xuất hạt vải thiều giảm lượng đường trong máu vì nó ức chế sự hấp thu glucose của mao mạch máu nhưng lại thúc đẩy sự hấp thu glucose ở các mô xung quanh. Guo & cs., (2003 a, b) cũng phát hiện ra rằng chiết xuất hạt vải làm giảm rối loạn chuyển hóa đường và cải thiện độ nhạy cảm với insulin ở chuột mắc bệnh tiểu đường typ 2 kháng insulin (T2DM) do streptomycin gây ra và do đó làm giảm lượng đường trong máu. Một số tác giả cho rằng a-methylenecyclopropylglycine trong hạt quả vải có hiệu quả để giảm lượng đường trong máu và glycogen trong gan ở những con chuột được điều trị bằng ALX (Huang, 1994), trong khi những người khác tin rằng hoạt động chống đái tháo đường có liên quan đến saponin (Guo & cs., 2003 a, b; Yang & Liang, 2004). Man & cs. (2016) đã nghiên cứu các thành phần hoạt tính từ chiết xuất hạt vải; 21 hợp chất bao gồm axit 3,5-dihydroxybenzoic, 3,4-dihydroxybenzaldehyde, procyanidin D, cianidanol, cinnamtannin B1, procyanidin Al, scopoletin, rutin, phlorizin và epicatechin - epicatechin - catechin đã được xác định bằng UPLC-Q/ TOF; hàm lượng polyphenol đạt 43,37±2,34 g cianidanol / 100 g. Sau khi điều trị một tháng đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của streptozotocin (STZ) chế độ ăn nhiều chất béo gây ra cho chuột mắc bệnh tiểu đường týp 2 và bảo vệ chống lại tổn thương mô tụy, gan và thận thông qua cải thiện khả năng dung nạp glucose và kháng insulin.
Cây vải ngày nay đã có được vị thế như những cây thuốc quan trọng khác nhờ những thành phần hợp chất của nó có hoạt tính như thuốc chữa bệnh. Năm 2012 quả vải đã được đưa vào danh sách thực phẩm chức năng của thế giới.
Tài liệu tham khảo
Guo H., Luo H., Yuan H., Xia Y., Shu P., Huang X., Lu Y., Liu X., Keller E.T., Sun D. & Deng J. (2017). Litchi seed extracts diminish prostate cancer progression via induction of apoptosis and attenuation of EMT through Akt/GSK-3β signaling. Scientific reports. 7(1): 1-13.
Lin N., Qiu Y.W., He G.Y. & Guan N. (2015). Effects of litchi chinensis seed saponins on inhibiting hyperplasia of mammary glands and influence on signaling pathway of estrogen in rats. Journal of Chinese medicinal materials. 38(4): 798-802.
Man S., Ma J., Wang C., Li Y., Gao W. & Lu F. (2016). Chemical composition and hypoglycaemic effect of polyphenol extracts from Litchi chinensis seeds. Journal of Functional Foods. 22: 313-324.
Xiao L.Y., Zhang D., Feng Z.M., Chen Y.W., Zhang H. & Lin P.Y. (2004). Studies on the antitumor effect of lychee seeds in mice. Journal of Chinese Medicine Materials. 27: 517-518.
Yang Y.J. & Liang B.M. (2004). Determination of anti-diabete saponins from Litchi chinensis Sonn. Guangdong Pharmaceutical Journal. 14(6):12-15.
Zheng L.Y., Han C. & Pan J.Q. (1998). Chemical, pharmacological and clinical studies of litchi seed. Acta Chinese Medicine and Pharmacology. 5:51-53.
Trần Thị Lan Hương