Ngày 6.6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tham dự hội thảo có đại diện Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp; đại diện liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành Trung ương; đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Ngày 10.11.2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ cơ sở và có hiệu lực vào ngày 1.7.2023.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng.

leftcenterrightdel
 

Dự thảo có 5 Chương, 23 Điều. Dự thảo nghị định quy định chi tiết Khoản 4, Điều 23; Khoản 4 Điều 33; Khoản 3 Điều 40; Khoản 4 Điều 45; Khoản 3 Điều 63 và Khoản 4 Điều 81 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm các nội dung: Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố để nhân dân bàn và quyết định; quy trình bầu, cho thôi làm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; hội nghị định kỳ của cộng đồng dân cư; tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị; ở doanh nghiệp nhà nước…

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng ban Chính sách – pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng là quan điểm xuyên suốt trên tất cả các vấn đề tổ chức và hoạt động của các cơ quan. Tổ chức công đoàn với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, việc phát huy dân chủ vừa là mục đích, là động lực. Vì vậy, tổ chức công đoàn rất quan tâm đến nội dung này.

Ông Lê Đình Quảng cho biết thêm, nhiều vấn đề trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở mang tính nguyên tắc, còn lại những nội dung rất cụ thể liên quan đến quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn về phát huy dân chủ của nhân dân, nhất là của người lao động cần quy định rõ ở trong nghị định. Vì vậy, việc tham gia xây dựng dự thảo nghị định mà Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo là việc rất quan trọng.

Ông Quảng kỳ vọng qua hội thảo sẽ có những đóng góp tham gia chính sách một cách cụ thể, từ đó có một nghị định hướng dẫn vừa khoa học, vừa đảm bảo thực tiễn và phát huy được quyền dân chủ thực sự của người lao động, đoàn viên công đoàn, đảm bảo quyền của công đoàn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung trên. Nhiều ý kiến cho rằng cần có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp ngoài nhà nước…

Đại diện Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung các ý kiến đóng góp tại hội thảo đồng thời báo cáo xem xét các nội dung vượt thẩm quyền để hoàn thiện nghị định. 

laodong.vn