Bài viết này cung cấp một số nét cơ bản về cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp nổi bật của giáo sư Bùi Huy Đáp nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất (4/7/2004-4/7/2024)

leftcenterrightdel
 Chân dung nhà khoa học Bùi Huy Đáp

1. Những đóng góp nổi bật về đào tạo và khoa học của giáo sư Bùi Huy Đáp

Trong công tác đào tạo nguồn lực cho ngành nông nghiệp, từ cuộc kháng chiến chống Pháp, với đề xuất và tài tổ chức của giáo sư Bùi Huy Đáp, các trường Trung học Canh nông mở ra liên tiếp, ở Huế - năm 1945, ở Liên khu IV – năm 1947, ở Liên khu V – năm 1947, ở Việt Bắc – năm 1948. Hòa bình lập lại, ngoài trường Trung cấp Nông lâm được thành lập ở Hà Nội, cùng năm 1956, trường Đại học Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) ra đời, giáo sư Bùi Huy Đáp trở thành nhà giáo, vị Giám đốc đầu tiên của đơn vị đào tạo đầu ngành nông nghiệp này của cả nước. Ở vị trí công tác của mình, giáo sư tham gia đào tạo các khóa kỹ sư đầu tiên cho ngành nông nghiệp trong giai đoạn 1956-1961. Ngoài ra, giáo sư Bùi Huy Đáp còn tham gia thỉnh giảng các lớp đặc biệt về sinh học, nông học, triết học, tiến hóa luận, phương pháp nghiên cứu khoa học,… tại nhiều trường đại học trên khắp cả đất nước.

Trong công tác khoa học, với hơn 100 cuốn sách khoa học và hơn 1.000 bài báo giáo sư có số công trình đồ sộ bậc nhất Việt Nam về cả khối lượng, tính đa dạng bách khoa, tính kinh điển giáo trình và tính phổ thông truyền bá tri thức, chuyển giao công nghệ, hình thành nên “phương pháp Bùi Huy Đáp”, “trường phái Bùi Huy Đáp”. Riêng về lúa, 2 cuốn “Cây lúa miền bắc Việt Nam” (1964) và “Cây lúa Việt Nam” (1981) mang tính kinh điển và thuộc loại “bách khoa toàn thư” của nghề trồng lúa nước của Việt Nam. Với phương châm “khoa học từ quần chúng mà ra, trở lại phục vụ quần chúng” giáo sư Bùi Huy Đáp là cha đẻ của lúa Xuân, là kiến trúc sư cuộc cách mạng xanh để cùng nông dân cả nước đạt được những kỳ tích trong phát triển nền nông nghiệp giai đoạn những năm 70 của thế kỷ XX. Giáo sư Bùi Huy Đáp được cộng đồng khoa học của thế giới biết đến, đặc biệt tại các nước Châu phi và các nước nói tiếng Pháp.

2. Những vị trí công tác giáo sư Bùi Huy Đáp từng trải qua

leftcenterrightdel
 Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm GS. Bùi Huy Đáp tại nhà riêng

Năm 1936 ông học tại trường Đại học Canh Nông Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp đại học là quãng đời hoạt động sôi nổi của giáo sư trên nhiều cương vị công tác. Năm 1940 ông giảng dạy và sau đó đến năm 1945 làm hiệu trưởng Trường Canh Nông Huế. Đến tháng 8 năm 1945 ông giữ chức Tổng thư ký Bộ Canh nông, Phó Giám đốc Nha Nông chính, sau đó đảm nhận nhiều chức vụ Phó Giám đốc kiêm Trưởng Nha nông chính khu 4, Hiệu trưởng trường trung học Canh Nông, Viện trưởng Viện trồng trọt (1952), Viện trưởng Viện Khảo cứu Nông lâm (1955). Năm 1956 giáo sư được bổ nhiệm Hiệu trưởng của trường Đại học Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và là vị Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường danh tiếng này. Năm 1963 ông trở thành Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp kiêm Tổng biên tập Tạp chí Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp. Năm 1972 giáo sư được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Khoa học Kĩ thuật, Bộ Nông nghiệp. Năm 1977 là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Ngoài ra, giáo sư Bùi Huy Đáp còn trải qua một số vị trí công tác quan trọng khác.

3. Và sự vinh danh đối với giáo sư Bùi Huy Đáp

leftcenterrightdel
 

Vào dịp kỉ niệm 80 năm ngày sinh Giáo sư Bùi Huy Đáp, đồng chí Trần Đức Lương (Chủ tịch nước) và đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đích thân đến tận nhà riêng chúc thọ giáo sư. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền khoa học nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp, giáo sư Bùi Huy Đáp đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Chiến sĩ thi đua toàn quốc – năm 1952; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì - năm 1955 và năm 1962; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất – năm 1956; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất – năm 1980; Huy chương Vì giai cấp nông dân tập thể - năm 1991; Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 (đợt 1 và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác. Tên của giáo sư đã được đặt cho 03 tuyến phố tại thành phố quê hương – thành phố Nam Định; thành phố phía nam Tổ Quốc – thành phố Vũng Tàu và tại thành phố trực thuộc trung ương thuộc miền Trung Việt Nam là thành phố Đà Nẵng. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nơi giáo sư giữ cương vị Hiệu trưởng đầu tiên có một quảng trường mang tên giáo sư – Quảng trường Bùi Huy Đáp. Tại khuôn viên quảng trường này có bức tượng đồng của giáo sư. Hình ảnh và tấm gương của giáo sư Bùi Huy Đáp còn sáng mãi!

                                                                                                            Ban CTCT&CTSV