“Đã đến tháng 11, khắp mọi ngõ ngách của Việt Nam đều hân hoan chào đón ngày 20/11 nhằm tôn vinh các thầy cô giáo. Nhưng chính thẳm sâu trong lòng của rất nhiều giáo viên, họ thấy sự tôn vinh đó rất hình thức, thiếu chân thành và đầy phiền toái”.
Có một quy tắc trong tâm lý học, được thiền sư Thích Nhất Hạnh khái quát lại trong sách của ông "Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới". Sứ mệnh của giáo viên là chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương trẻ em; thầy cô có hạnh phúc thì mới có thể giúp đỡ được trẻ em, mới có thể tạo ra trẻ em hạnh phúc, trường học hạnh phúc.
Nói một cách khác, khi thầy cô giáo còn tràn ngập lo âu, sợ hãi, mệt mỏi, căng thẳng, dằn vặt, chán ngán… thì không thể có được năng lượng tích cực dành cho trẻ em. Tích tụ của những bế tắc, mâu thuẫn không thể giải quyết trong công việc của nhà giáo là khởi đầu cho những điều mà cả xã hội đều không muốn thấy: thầy cô bạo hành học sinh bằng lời nói hay hình phạt thể xác, học trò tấn công lại thầy cô giáo, thầy cô hết yêu nghề mà không thể bỏ nghề, ngành giáo dục muốn giữ chân thầy cô mà chỉ có thể hành động yếu ớt…
Vậy thầy cô giáo cần gì?
Trước hết, thầy cô giáo cần được thực hiện đúng sứ mệnh của nhà giáo. Thầy cô giáo nào cũng mong được làm việc trong môi trường thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường. Thầy cô khó có thể làm tốt công việc của mình nếu như ngành của mình mất uy tín xã hội, trường của mình thiếu liêm chính học thuật, nghề của mình không được xã hội tôn trọng. Nhà giáo không thể là nhà giáo nếu họ không thể sống thật, làm thật mà phải quay cuồng trong những thứ "giả giáo dục" như chạy đua thành tích, phải dối, phải giấu, phải diễn…
Thứ hai, thầy cô giáo cần được trả lương đúng và đủ cho các công việc họ làm. Nói giáo viên bị trả lương thấp là có cơ sở, vì hiện nay lương của giáo viên bằng hoặc thấp hơn lương của người giúp việc gia đình. Ngay cả nếu xã hội coi trường học là nơi trông trẻ và giáo viên là người giữ trẻ, thì mức lương họ nhận được là quá thấp so với trình độ của họ, chất lượng lao động của họ, ảnh hưởng của họ đối với trẻ em.
Tôi hầu như không nghe giáo viên ở Việt Nam đình công, nhưng ở các nước khác thì công đoàn giáo dục sẽ rất tích cực thương lượng với chính quyền và xã hội để đảm bảo một mức lương từ trung bình trở lên chứ không buộc giáo viên phải im lặng, bất động khi họ bị trả lương thấp.
Thứ ba, giáo viên phải được giải thoát khỏi những công việc không phải của giáo viên.
Tôi cứ tưởng từ cách đây rất lâu rồi khi đất nước còn chìm trong "giặc đói" và "giặc dốt", mới có cảnh giáo viên bị ép bán xổ số kiến thiết trong trường học cho học sinh, nhưng tôi rất ngạc nhiên là hiện nay giáo viên vẫn còn phải làm những công việc không phải của họ như đòi nợ học phí, thu tiền bảo hiểm y tế, chào bán sách giáo khoa…Một trường học tử tế, chuyên nghiệp sẽ không bao giờ huy động giáo viên vào công việc thu tiền học sinh dưới bất kỳ hình thức nào, điều đó phá vỡ sự tôn nghiêm của nghề giáo - nghề lãnh đạo trẻ em. Thành công của người lãnh đạo luôn phụ thuộc vào sự tôn nghiêm họ có được. Giáo viên đã quá bận rộn với công việc của nghề giảng dạy và chăm sóc học sinh, chưa kể những công việc công ích, hỗ trợ cộng đồng như phối hợp ngành y tế tiêm vaccine cho học sinh, hỗ trợ ngành công an làm căn cước cho học học sinh…
Thứ tư, giáo viên cần được đối xử công bằng. Nếu như ở trong trường công, giáo viên thường được huy động làm rất nhiều việc không liên quan theo kiểu "nước sông, công lính", thì ở khu vực giáo dục tư, tôi thấy rất phổ biến tình trạng giáo viên bị ép ký hợp đồng với điều khoản phạt với số tiền 5 - 10 tháng lương của họ nếu họ xin nghỉ việc trong năm. Điều này là trái với luật lao động vì luật chỉ quy định thời gian báo trước khi kết thúc hợp đồng. Ký hợp đồng kèm theo khoản phạt giữ chân như vậy, ở các nước phát triển, là một hình thức của lao động cưỡng bức, một khái niệm hầu như chưa được biết tới tại Việt Nam. Thật đáng tiếc, đây lại là một thông lệ của rất nhiều trường tư ở Việt Nam hiện nay.
Thứ năm, giáo viên cần được tự chủ. Chính vì ngành giáo dục không tự tin vào đội ngũ nhân lực của mình nên mới kiểm soát giáo viên thông qua một cách triển khai chương trình học cứng nhắc, hệ thống giáo án bài giảng y như văn mẫu mà không cho giáo viên sự linh hoạt trong giảng dạy. Cách quản lý giáo viên hiện nay không dựa trên niềm tin vào năng lực của họ, sự sáng tạo của họ, sự cần mẫn cống hiến của họ. Thay cho việc giám sát họ bằng đủ các công cụ, chế tài, ràng buộc họ bằng rất nhiều các loại chứng chỉ dư thừa, các khóa học vô nghĩa, ngành giáo dục nên tập trung vào việc tuyển chọn được những giáo viên chất lượng, đảm bảo thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, dám sa thải tất cả những giáo viên không đạt yêu cầu về năng lực và đạo đức nghề nghiệp để giáo viên có thể tự hào về chính mình, về đồng nghiệp của mình, về ngành nghề của mình trước xã hội.
Nghề giáo xứng đáng được tôn vinh, vì đó là nghề phụng sự xã hội, là nghề bảo vệ và nuôi dưỡng trẻ em, là nghề có sức ảnh hưởng to lớn và lâu dài tới chất lượng con người và trình độ phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, sự tôn vinh không nên là một ngày hình thức, một khẩu hiệu sáo rỗng, mà là trả lại đúng những giá trị cho chính nghề nghiệp đó để người làm nghề sống được với nghề, tự hào với nghề, không muốn bỏ nghề vì họ tự nguyện trung thành với lý tưởng về sứ mệnh nghề nghiệp của mình.
Đừng đi tìm trường học lý tưởng, nếu như giáo viên chưa thể sống đúng và hạnh phúc với những giá trị của họ, cũng như chưa thể tự hào về nghề nghiệp của họ. Đó không phải là trường hợp của Việt Nam, mà là một quy luật phổ biến ở mọi nơi trên thế giới.
Tác giả: Bùi Khánh Nguyên
Theo Sức khỏe và đời sống