Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, đầu năm 2024, nghị trường sáng 29/5 sôi động với rất nhiều ý kiến đánh giá hạ tầng giao thông là điểm sáng.
Theo các đại biểu, có được kết quả này là nhờ sự điều hành linh hoạt, sáng suốt của Đảng, Quốc hội và nỗ lực quyết tâm không ngừng nghỉ của Chính phủ để để đạt được kết quả khá toàn diện của đất nước.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu tại nghị trường. |
Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) đặc biệt nhấn mạnh sự quyết tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các dự án quan trọng, các dự án trọng điểm quốc gia của Chính phủ với tinh thần 3 ca 4 kíp, vượt nắng thắng mưa, chỉ bàn làm không bàn lùi, thậm chí làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm.
Từ đó, Chính phủ có thể sớm đưa các dự án công trình vào khai thác sử dụng có hiệu quả để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho rằng, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông nêu một số hạn chế, tồn tại như: Tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistics trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn…
Để giải quyết những hạn chế này, đại biểu Thắng kiến nghị một số giải pháp đột phá, trong đó nhấn mạnh phải có chính sách để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp nông thôn.
Trong đó, ông Thắng cho rằng cần phải đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn…
|
|
Các thành viên Chính phủ lắng nghe chia sẻ của đại biểu Quốc hội. |
Trước đó, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024, Chính phủ cho biết tình hình phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông.
Thời gian qua, hàng loạt các dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng đã được khởi công, mở rộng dự án Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79km) được đưa vào khai thác nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000km.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km, mở ra không gian, động lực phát triển mới, làm tăng giá trị gia tăng quỹ đất, giảm chi phí logistics.
Bên cạnh đó là đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
Theo https://www.baogiaothong.vn/