leftcenterrightdel
Lựa chọn Trường cấp III Nông nghiệp tỉnh Nam Định làm nơi tổ chức tọa đàm, Bộ trưởng mong muốn các trường hãy thay đổi để vượt qua khó khăn. Ảnh: Hoàng Anh.
Lựa chọn Trường cấp III Nông nghiệp tỉnh Nam Định làm nơi tổ chức tọa đàm, Bộ trưởng mong muốn các trường hãy thay đổi để vượt qua khó khăn. Ảnh: Hoàng Anh. 

Thực trạng “đau đớn lắm Bộ trưởng ơi!”

Sau khi tổ chức Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn vào ngày 11/7, gần như ngay lập tức Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp tục chủ trì buổi tọa đàm trao đổi, thảo luận giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Địa điểm tổ chức tọa đàm cuối tuần qua là tại một căn phòng nhỏ ở Trường cấp III Nông nghiệp tỉnh Nam Định, ngôi trường cấp 3 đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản. Dường như Bộ trưởng muốn chuyển tải thông điệp, hãy thay đổi để vượt qua khó khăn, tìm những hướng đi mới cách làm hay như chính ngôi trường cấp 3 này.

Tuy nhiên báo cáo tại buổi tọa đàm, đa số các thầy cô đều trình bày khó khăn. Trước đó vào ngày 6/5/2023, Câu lạc bộ khối đào tạo Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tổ chức hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bền vững Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam” với mục tiêu nhằm đánh giá thực trạng và kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp cho các học viện, trường đại học.

Trong một văn bản gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Câu lạc bộ cho rằng thực trạng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp hiện nay đang thiếu hụt rất lớn so với nhu cầu trước mắt và lâu dài. Năm 2022, theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, khối đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp tuyển sinh chỉ đạt 0,86%, ngành Thú y đạt 0,51%. Trong khi đó, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động có trình độ từ Cao đẳng trở lên rất cao (xấp xỉ 46.000 người/năm). Số lượng tuyển sinh hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% so với nhu cầu.

Theo những thành viên của Câu lạc bộ khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản, nguyên nhân của thực trạng này là do ngành nông nghiệp chưa có sức hấp dẫn đối với người học. Tâm lý học sinh sợ vất vả và dễ gặp rủi ro khi theo học ngành nông nghiệp. Thu nhập thấp, chỉ bằng 50% so với công nghiệp, dịch vụ… Chưa có chính sách hỗ trợ trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Vấn đề tự chủ của các trường còn khó khăn…

GS. Nguyễn Thế Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, nêu thực trạng: Thưa Bộ trưởng, khó khăn đào tạo nguồn nhân lực là thực trạng của tất cả các trường trong khối hiện nay. Cụ thể, với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, cách đây khoảng 5 năm, đầu vào tuyển sinh của trường mỗi năm từ 2.000 đến 2.200 sinh viên, nhưng đến bây giờ tính tất cả không năm nào quá nổi 500 sinh viên. Mặc dù nhà trường nghiêm túc “xem xét mình như thế nào mà người ta lại không đến”, cố gắng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, kết gắn doanh nghiệp… nhưng vẫn không ăn thua, mức độ tuyển sinh ổn định khoảng 400 sinh viên mỗi năm.

“Năm vừa rồi chúng tôi có tổ chức hội thảo mời nhiều doanh nghiệp lớn đến, họ nói nhu cầu cần khoảng 2.300 sinh viên nhưng báo cáo Bộ trưởng thực tế trường chỉ có khoảng 300 sinh viên tốt nghiệp. Có nghĩa là đầu ra rất lớn nhưng học sinh, sinh viên học xong không muốn làm nông nghiệp, thà đi làm shipper. Cho nên ở đây có hai vấn đề. Một là người học nông nghiệp hiện nay chủ yếu là con em vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn. Hai là người học nông nghiệp xong không muốn làm nông nghiệp. Lý do là vì mình chưa có chế độ đãi ngộ đích đáng cho người làm nông nghiệp”, GS. Hùng đúc rút.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ một số bài học và đề xuất các vấn đề liên quan đến chính sách trong bối cảnh các trường gặp quá nhiều khó khăn như hiện nay.

leftcenterrightdel
Rất nhiều khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh.
 Rất nhiều khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Anh. 
PGS.TS Nguyễn Tất Toàn cho rằng, dịch chuyển tạo ra nhiều ngành học mới đó là xu thế và tỷ lệ học sinh, sinh viên theo học ngành nông nghiệp giảm là điều các trường buộc phải tìm cách thích ứng. Có thể do trường đại học chưa thay đổi, còn quá nhiều hạn chế. Chính vì vậy cần phải có những hướng đi đặc thù cho mỗi trường, bản thân các trường phải tự cứu mình trước khi người khác cứu. Và “trong trong bối cảnh khó khăn như hiện nay cần những chính sách hỗ trợ giống như men xúc tác để các trường thay đổi mạnh mẽ hơn. Cần sự kết nối giữa các Bộ, ngành, ví dụ Bộ NN-PTNT và Bộ GD-ĐT về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, cho quốc gia. Chúng ta đã bàn đến vấn đề này nhiều, tuy nhiên nếu Bộ này đổ bộ kia, bộ kia gửi bộ nọ thì tương lai nguồn nhân lực ngành nông nghiệp sẽ còn tiếp tục khó khăn”, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn nêu.
 

Tiếp tục trình bày thực trạng khó khăn, PGS. TS Nguyễn Hữu Văn, Phó Hiệu trưởng Đại học Nông lâm Huế trăn trở: Thực trạng khó khăn như các thầy nói đã rõ rồi, nếu không có chính sách quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp thì tôi cho rằng tương lai sẽ rất nguy hiểm. Nông nghiệp là nền tảng, là lợi thế cạnh tranh của quốc gia nhưng nếu không có chính sách quan tâm thì trong khoảng 10 năm nữa Nhà nước sẽ có lỗi với ngành nông nghiệp và ngành nông nghiệp sẽ có lỗi với người nông dân.

“Về vấn đề liên kết đào tạo, Nghị quyết Đảng bộ của trường vào năm 2005 chúng tôi đặt mục tiêu nâng quy mô đào tạo lên 10.000 sinh viên, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 4.000 sinh viên. Ban Giám hiệu nhà trường cũng tích cực đến các trường cấp ba để liên kết đào tạo, hướng nghiệp, nhưng đau ở chỗ nhiều khi người ta không tiếp mình. Thầy hiệu trưởng PTTH quyền hành hơn cả Hiệu trưởng trường Đại học. Cho nên trả lời câu hỏi là do người học không quan tâm đến nông nghiệp hay nông nghiệp không thu hút được người học? Câu trả lời của chúng tôi là từ phía người học chứ không phải từ phía nhà trường”,  PGS.TS Nguyễn Hữu Văn lo lắng.

Hãy biến "đầu rỗng" thành "đầu mở"

Hơn 3 tiếng đồng hồ liên tục ngồi lắng nghe tất cả các ý kiến của đại diện các trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở: Trước hết tôi nghĩ rằng chúng ta hãy ngừng than thở và tự phải thay đổi để cứu mình. Bởi vì nếu mọi việc xuôi chèo mát mái thì chúng ta không ngồi ở đây. Tôi đồng ý là khó khăn rất nhiều, nhưng hãy lần lượt giải quyết và vượt qua nó.

“Có câu “khó nhưng có thể” hay “có thể nhưng khó”, các thầy hãy suy nghĩ và lựa chọn đường đi cho mình, mọi việc đều khó cho đến khi bạn thành công việc đó”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, chỉ tiêu tuyển sinh các trường giảm, ít người học nông nghiệp là xu thế chung, có than thở nữa thì thực trạng vẫn cứ như vậy. Nếu các trường vẫn cứ theo mạch tư duy than vãn sẽ không giải quyết việc gì. Bởi vì trong bụng mình cảm thấy buồn buồn sẽ không làm được gì.

Thay vì ngồi đó than vãn hãy suy nghĩ tích cực, nhìn nhận vấn đề tích cực là nhiều người không học nông nghiệp nhưng vẫn làm nông nghiệp. Hãy gác suy nghĩ khó khăn sang một bên để xây dựng chiến lược và xây dựng thương hiệu của trường mình, đến khi xây dựng xong rồi hãy quay trở lại đối mặt với khó khăn và tìm cách xử lý khó khăn đó.

leftcenterrightdel
Nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp ngày càng được chú trọng. Ảnh: LHV. 
“Mình đừng buồn vì trường to mà sao học sinh, sinh viên ít quá. Thay vì buồn hãy tập trung vào chăm chút những học sinh, sinh viên ít ỏi đó để xây dựng thương hiệu cho nhà trường thì biết đâu đến lúc người ta sẽ theo học mình nhiều hơn. Hãy biến “cái đầu rỗng” thành “cái đầu mở” để kéo nguồn lực xã hội vào.

Các thầy muốn mời doanh nghiệp đến để liên kết đào tạo nguồn lực mà bản thân mình không tự tin về chiến lược của mình, mình đang bị cái khó nó đè thì làm sao thuyết phục doanh nghiệp được. Tôi mong muốn các thầy hãy thay đổi. Đừng nghĩ hợp tác với doanh nghiệp ở mỗi lĩnh vực tài trợ học bổng mà hãy đem tư duy doanh nghiệp, tư duy thị trường vào trường học để kéo các sản phẩm của các sinh viên khởi nghiệp ra.

Tinh thần hợp tác là như vậy chứ không phải đi xin tài trợ. Mình có nguồn lực, có con người, có thị trường sao phải đi xin ai", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

                                                                                    Hoàng Anh - https://nongnghiep.vn/